“Sự hiện đại không nằm ở chiếc áo hở vai hở ngực”
“Rất nhiều cây bút trẻ của ta đang viết sex bằng cách chỉ nhìn vào giữa bản thân mình và khai thác để tạo thành sự nghiệp hay tạo xì căng đan. Họ chưa đủ văn hóa để khai thác sâu...”, nhà văn Võ Thị Hảo chỉ ra điểm yếu của một vài nhà văn trẻ.
Con sóng văn học mạng ồ ạt vô bờ rồi dẫn trở nên nhẹ nhàng lặng lẽ. Nhiều diễn đàn đã được đặt ra với câu hỏi "vì sao văn học mạng chưa đạt đến đỉnh cao?" mà quên mất một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là những người tạo nên trào lưu và quyết định nó sẽ đi về đâu - những cây viết trẻ và sung sức, những "nhà văn mạng" - như cách người ta vẫn thường gọi. Hãy "mổ xẻ" họ qua con mắt của nhà văn Võ Thị Hảo.
Rất nhiều ý kiến nghi ngờ về ba chữ "nhà văn mạng", liệu họ có thực sự là những cây bút có chất lượng và có tiềm năng để tạo nên một cuộc đột phá trong nền văn học Việt Nam hay chỉ là những "nhà văn tự xưng"?
Một sự thật là bây giờ chỉ cần bạn viết một câu chuyện tình yêu của chính bạn, hoặc đào sâu mình và viết, đưa lên mạng, bạn cũng có thể trở thành nhà văn! Như vậy, cái gọi là nhà văn tự xưng trên mạng bây giờ rất nhiều.
Chính sự dễ dãi trong việc xuất bản mà nhiều khi những bong bóng lại lầm tưởng đấy là những đợt sóng, đợt sóng có nội lực. Thế nhưng không có vấn đề gì! Cứ nhầm lẫn đi, cứ bong bóng đi. Cuối cùng vẫn là cái thực chất.
Anh có tài năng thì người ta mới chấp nhận anh lâu dài, còn nếu chỉ vì giỏi trong việc tạo ra những sự kiện như sex hay bôi nhọ... phi văn chương thì người ta cũng chỉ chấp nhận anh một lần thôi. Giá trị thẩm mỹ luôn tự cân định trở lại với thời gian. Đó là một khởi đầu tốt và đáng mừng, chúng ta nên mừng cho những bạn như thế, hãy động viên họ.
Bà có cho rằng chính sự dễ dãi nổi tiếng đã khiến cho một số nhà văn mạng trẻ bị mắc bệnh ảo tưởng về bản thân?
Ảo tưởng về bản thân thực ra cũng là một điều dễ thương thôi. Đó là cái quá lên một chút của khao khát mãnh liệt muốn làm một điều gì đó khác thường, đó cũng là bản năng, nó được tạo hoá gieo ở trong bản thân mỗi người.
Ngay cả con gà trống, khi gáy cũng oai lắm, đi lại cũng đĩnh đạc lắm. Ảo tưởng đầu đời rất dễ thương. Bởi vậy cho nên cần có những người đánh giá công bằng, tức là biết cảm thông, biết trân trọng những cái gì dù nhỏ mà lớp trẻ đã làm được - mà điều ta đang nói đến là văn học mạng - hãy trân trọng họ.
Nhưng cũng chính sự ảo tưởng đó đã làm cho họ không thể đổi mới được!
Điều đó là có thể. Cho đến lúc bạn ấy gặp được một điều gì đó phải tỉnh, bạn ấy lớn lên chẳng hạn. Bạn sẽ thấy, ồ cái áo cũ quá chật, sao mình lại mặc nó nhỉ? Hoặc có một ai trong cộng đồng nói với bạn ấy rằng điều đó là không ổn, quá cũ. Vấn đề là tri thức của bạn lớn lên, bạn chịu đọc hơn, chịu nhìn rộng hơn.
Nhận định của bà về cái tôi của các nhà văn mạng bây giờ?
Trước tiên phải nhìn lại ý nghĩ của cái tôi. Tôi là một vũ trụ không hề lặp lại, là người đặc biệt nhất trên thế giới này vì không thể tìm thấy một phiên bản nào khác trên 5 tỷ người khác trên hành tinh này. Trân trọng điều đó để làm sao sống cho tử tế, luôn luôn cố gắng.
Nhiều người hiểu không thấu đáo lại cứ đề cao, thổi phồng đến mức to đùng mới là oai, là cá tính. Cái tôi thiếu trách nhiệm làm lu mờ hết cộng đồng cũng như lu mờ hết trách nhiệm công dân là sai lầm. Một quả bóng được thổi phồng to đùng rồi nó sẽ nổ tung.
Bà nói gì trước ý kiến của một nhà văn trẻ cho rằng, cuộc sống nhanh, gấp hiện nay không có chỗ cho những tác phẩm kinh điển, chỉ nên đọc những thứ nhẹ nhàng như chính những gì anh ấy viết ra?
Họ có quyền lựa chọn, nhưng đó là sự thụt lùi của cái gọi là "trí thức". Trí thức không chỉ là bằng cấp, danh hiệu nhà văn nhà thơ... Trí là biết, thức cũng là biết, trí thức là một sự thức tỉnh, một sự biết, biết về cuộc đời, có trách nhiệm với cộng đồng, phải luôn luôn nghĩ làm sao để làm một điều gì khác hơn, tốt hơn để cải tạo những điều đang cũ. Phải là người trăn trở ngày đêm để sáng tạo và làm mới.
Nếu trí thức tự thỏa mãn với những gì nhẹ nhàng, muốn một cuộc sống yên ổn, muốn tất cả phong ba bão táp của những số phận khác không tác động gì đến mình thì đó chính là sự thụt lùi.
Sự hiện đại thực sự không phải nằm ở những chiếc áo hở vai hở ngực mà là ở chỗ không chấp nhận những lối mòn, là luôn luôn rời bỏ cái mình đã làm để tìm cái mới.
Tất nhiên con đường tìm cái mới rất nhọc nhằn nhưng những ai đã vác trên vai cái gánh trách nhiệm nhà văn vẫn phải tìm. Có thể đạt được có thể không, dù không đạt được cũng không ai trách.
Theo bà đâu là nguyên nhân chính làm các nhà văn trẻ của chúng ta chưa "bật" lên được, nói cách khác, điểm yếu chung của họ?
Có một hiện tượng khác phổ biến ở TQ và VN là người viết dùng sex để nổi tiếng, để bán sách. Phải nói thật, thế giới người ta đã làm quá lâu rồi, từ thời sau Trung cổ, đến thời Phục hưng thì người ta đã vẽ tranh khoả thân. Nhưng cái khỏa thân đó là thẩm mỹ, là văn hóa.
Rất nhiều cây bút trẻ của ta đang viết sex bằng cách chỉ nhìn vào giữa bản thân mình và khai thác để tạo thành sự nghiệp hay tạo xì căng đan. Họ chưa đủ văn hóa để khai thác sâu và cái khai thác đó không đem lại tính thẩm mỹ cho cộng đồng.
Trước hết tôi viết để thỏa mãn bản thân, ừ thì đúng, nhưng khi anh đã cần đến cây bút anh phải nghĩ đến giá trị thẩm mỹ cho cộng đồng. Liệu bạn có mở cửa nhà vệ sinh và mời mọi người vào xem không? Có nên như vậy không? Tôi không phải đối sex, nhưng sex phải là văn hóa.
Một lời khuyên mang tính chất đồng nghiệp đi trước?
Với các bạn trẻ ngày nay, nhiều người nghi ngờ những giá trị thực sự, lý tưởng thực sự khi thấy sự lưu manh hóa phổ biến trong cộng đồng. Họ thấy rằng sống tử tế lại hóa ra lạc hậu, cái gọi là lương tâm hay sự chân thành có khi lại trở thành thứ để người ta nghi ngờ nhau. Ai mà sống tử tế lại bị nghĩ là giả vờ.
Vì vậy nên người ta đã nghi ngờ cười cợt tính tư tưởng trong văn chương, nghệ thuật hay thẩm mỹ... biết phản ứng hồn nhiên như một đứa trẻ trước những cái xấu, hồn nhiên như một đứa trẻ trước việc thấy lửa thì kêu nóng. Đấy mới là con người. Hãy trả con người về sự hồn nhiên. Tất cả những cái đó là cái bạn viết trẻ cần phải quan tâm tới, đừng có giễu cợt nó, đừng coi rằng nó không có trên đời.
Nếu người viết không tin vào điều đó thì ai tin? Anh là người cầm bút, làm những việc mà mọi người vẫn hy vọng vào. Mọi người trong xã hội đều cần đến tính lý tưởng và tính cộng đồng của người viết. Dù là văn học mạng xuất bản dễ dàng nhất, trực tiếp nhất, dễ tạo xì căng đan nhất cũng đừng chà đạp giễu cợt lên điều đó.
Có phải vì thế mà văn học mạng vẫn chưa tạo được chỗ đứng, thưa bà?
Tính nhân văn các bạn trẻ cũng có hướng đến chứ không phải không. Nhưng hướng là một chuyện có đạt được không là một chuyện khác. Nó là tâm hồn mình. Cái văn hóa và trách nhiệm của anh trước cộng đồng là một điều không giấu được khi anh thể hiện tác phẩm của mình.
Nhất là ở tiểu thuyết, tiểu thuyết là một loại hình không đơn giản, nó đòi hỏi người cầm bút phải có văn hoá rất cao. Còn chỉ viết dài ra kể câu chuyện của mình, dù có thể hay cũng chưa hẳn đã là tiểu thuyết.
Nhìn tình hình thực tế hiện nay của văn học mạng, bà tiên đoán thế nào về những cây viết trẻ trong tương lai?
Số lượng nhà văn sẽ nhiều lên theo văn học mạng, nhưng văn tài thì chưa chắc, văn tài phải có linh hồn. Những con đường trên thế giới này người ta đã đi mòn cả rồi, trên mặt đất chi chít những đường cày của tiền nhân.
Chúng ta chẳng qua chỉ cày lại mà thôi. Vấn đề là anh thổi cái linh hồn của anh, cái khao khát của anh với nhân thế về một xã hội tốt đẹp hơn, một sự đánh thức lương tri.
Tôi kỳ vọng trong ngàn người sẽ có được một vài người tài, có thể tỏa sáng và có linh hồn.
Theo Sinh Viên Việt Nam