Sống thử hay là… sống thật?
(Dân trí) - Rất nhiều thông tin sử dụng chữ “sống thử” để chỉ các cặp yêu nhau sống chung như vợ chồng. Tuy nhiên một đôi nam nữ đã ăn ở, sinh hoạt, quan hệ, chỉ còn chưa đám cưới thì còn gọi là “sống thử”?
Đây là điều bác sĩ Nguyễn Hữu Hiện, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP.HCM bình luận trong buổi hội thảo “Sống thử: nên hay không?” với hàng trăm sinh viên Đại học Hoa Sen
Sống thật chứ sao lại là thử?
Hiện tượng sống thử diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở sinh viên và công nhân. Đây là những con người trẻ sống xa nhà, xa gia đình luôn thiếu thốn vật chất và tinh thần. Vì thế, khi nảy sinh tình cảm các bạn luôn muốn tìm cách gần nhau để yêu thưong, chia sẻ với nhau.
Đã có rất nhiều câu chuyện “góp gạo thổi cơm chung” được nêu lên trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khi vấn đề được đem ra bàn luận thì đa số bạn trẻ lại tỏ ra khá thờ ơ và ngại đề cập.
Vậy sống thứ là gì…?. Nên gọi sống thử hay sống thật?
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản của Bác sĩ Hiện lại làm không ít sinh viên trong hội trường lúng túng. Nguyễn Thị Thúy, sinh viên năm 2 khoa Thiết kế thời trang cho rằng: “Sống thử là đôi nam nữ yêu nhau, dọn về ở với nhau…. Cùng sinh hoạt, chung đụng với nhau để xem có hợp hay không trước khi đến thật với nhau nên gọi là sống thử. Vì là thử nên không thể nói sống thật”.
Cười với cách trả lời của Thúy, ông Hiện nói: “Thực chất, “sống thử” là sự mô phỏng đời sống vợ chồng thật của các đôi bạn trẻ yêu nhau mà chưa được sự công nhận của pháp luật hoặc sự thừa nhận của gia đình hai bên. Tuy nhiên phải gọi đó là “sống thật” ai lại nói là sống thử.
Một đôi nam nữ được gọi là vợ chồng khi có giấy chứng nhận kết hôn và được cha mẹ hai bên công nhận. Ngoài ra họ cũng phải đóng góp về kinh tế, sự chung đụng trong sinh hoạt, và cả đời sống chăn gối… Điều này cũng diễn ra ở những cặp tự về sống với nhau, chính vì thế người ta gọi sống thử chỉ là cách “mị” nhau mà thôi”, ông Hiện nhận định.
Thử nên mới đau
Nguyễn Thị Minh, sinh viên năm 3, khoa Marketing kể lại câu mình từng chứng kiến. Có chị T và anh M yêu nhau thắm thiết, nên đã quyết định dọn về một phòng, thổi cơm chung cho đỡ tốn kém.
Cuộc sống hạnh phúc của hai người chỉ được một tháng, sau đó là những trận quát tháo, đánh đập diễn ra. Chị thì cho rằng anh sao hay nhậu, anh thì không thích bị nói nhiều. Được 3 tháng, anh dọn đi để lại cho chị một cái thai 2 tháng và sự sụp đổ tinh thần.
“Nỗi đau thể xác có thể nguôi nhưng tinh thần sẽ rất khó lấy lại. Họ đã đánh mất cả đời con gái lẫn hành trang bố mẹ chu cấp khi học đại học. Kết quả để lại là sự đau đớn và nhục nhã rồi bỏ học, trầm cảm thời gian dài. Nặng thì có người bỏ nhà ra đi hoặc thậm chí quyên sinh”, ông Hiện chia sẻ.
Sống thử đưa đến những mất mát về thời gian, sức khỏe, tiền bạc… ngoài ra còn ảnh hưởng đến sự chính trực, nhân cách, mất đi mục tiêu sống và ý chí vươn lên trong học tập.
Dù biết hậu quả có thể xảy đến nhưng Nguyễn Quang Hưng, sinh viên khoa Công nghệ thông tin lại cho rằng: “Sống thử vẫn chấp nhận được nếu như không bao gồm cả yếu tố tình dục”. Hay như Nguyễn Thị Nhung, khoa kế toán nhìn nhận: “Chỉ nên quyết định sống thử khi cả hai đều sẵn sàng chịu trách nhiệm”.
Không phủ định, BS Hiện chỉ tâm sự về con đường phấn đấu của chính mình từ một chàng sinh viên nghèo cho đến ngày hôm nay, gia đình, công việc ổn định, có được sự kính trọng của xã hội.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông đưa ra một lời khuyên: “Sống thử hay không, trước hết các bạn cần xem lại mục tiêu của mình, nếu quyết định sống thử… có thể đem đến thành công hay không!”.
Hoài Lương – Tấn Hoài