Sốc trước clip “Nước mắt bào thai”

(Dân trí) - Dùng máy quay cá nhân để thể hiện ý tưởng, “Nước mắt bào thai” - bộ phim dài 3 phút, do bộ 3 học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) đã lấy được nước mắt của người xem về cảnh giết hại những “mẹ” trâu, bò… nhằm lấy bào thai bán cho sản phụ.

Đây cũng là bộ phim mini đạt giải nhì Liên hoan phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam lần thứ 3. Nhóm làm phim “Nước mắt bào thai” gồm 2 bạn học lớp 12 là Trần Hữu Phước - đạt 2 giải quốc gia về Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước; Nguyễn Thị Hồng Liên - thành viên đội tuyển học sinh giỏi Văn và em út Trần Hồ Mỹ Lam học lớp 11, người đã có nhiều đóng góp tích cực trong Hội chữ thập đỏ trường.


Sốc trước clip “Nước mắt bào thai” - 1

Từ trái qua phải: Mỹ Lam, Hồng Liên và Hữu Phước - bộ ba đã làm nên bộ phim cảm động “Nước mắt bào thai”

Khi được hỏi ý tưởng để có bộ phim nay, Phước chia sẻ rất giản dị, trên đường đi học về nhà, Phước thấy rất nhiều người buôn bán bào thai trâu bò dê bên cạnh chợ. Là một hoạt động xảy ra mới đây trong thành phố Huế nhưng rất được chuộng. Phụ nữ mang thai đều mong muốn con sinh ra phải khỏe mạnh nên họ rất muốn ăn bào thai. Phước thiết nghĩ “Tất cả đều là mẹ, tại sao lại tước đoạt quyền lợi của nhau?”, từ ý tưởng này, Phước đã chia sẻ cùng các bạn và đã xây dựng nên bộ phim Nước mắt bào thai.

 
Cảnh quay đã được nhóm chọn đại diện cho trâu, con vật gắn bó với nhà nông từ xưa nay. Nhóm đã run và sợ khi lần đầu tiếp xúc các lò mổ trâu, nhất là 2 bạn gái. Mỹ Lam đã bị nhiều anh trong lò mổ chọc ghẹo; Hồng Liên thì luôn phải cẩn thận vì trong lúc đứng quay gần, búa rất dễ đập vào người. Thức từ giữa đêm để phục kích qua cả sáng hôm sau trong nhiều ngày, cả ba bạn đã sút ký, gương mặt hốc hác. “Tuy khổ vậy, quyết tâm đã thúc đẩy chúng em phải làm bằng được”, Liên nói.
 
Sốc trước clip “Nước mắt bào thai” - 2


Sốc trước clip “Nước mắt bào thai” - 3
 
Bộ ba đã bên nhau, trao đổi với nhau về các ý tưởng...

“Ghê rợn nhất là giai đoạn sát sinh con mẹ. Người hành hình dùng một cái búa to, lấy hết sức đập vào đầu trâu. Không phải một mà cả 4, 5 hay đến chục lần mới ngã xuống. Sau đó, họ lấy bào thai ra trong nhịp thở thoi thóp còn đọng lại trên những thớ thịt trâu mẹ. Ngay hôm sau, bào thai non được bán tai các chợ. Khâu cuối là những nồi hầm thịt trâu non được dành đặc biệt cho sản phụ”, Phước kể lại mà không giấu vẻ ái ngại. “Ước gì mình hóa thành trâu mẹ để cảm nhận nỗi đau và kéo dài thời gian để đứa con được chào đời”, Hồng Liên đã khóc nức nở nói với Phước trong lúc cầm máy quay.

 

Bị sốc sau nhiều ngày quay, cả ba đều tự hỏi “Hiện tại, có trâu mẹ nào được chết già không, hay tất cả đều bị đưa vào lò mổ trong lúc mang thai?”

 

Cô Hoàng Thị Kiều Dung, Phó hiệu trưởng THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Một đề tài rất ấn tượng, lần đầu xem ở trường các thầy cô đã xúc động chảy nước mắt. Riêng bản thân tôi khi xem phải nhắm mắt lại. Bộ phim đã tác động rất mạnh, làm mọi người phải nghĩ lại chính mình khi ăn động vật non đồng nghĩa, đã góp phần giết hại một “mẹ” đang mang thai. Vì tất cả mọi con vật đều là sinh linh, nó cần sự sống”.

 

Sốc trước clip “Nước mắt bào thai” - 4

Ảnh chụp nhóm làm phim với cô giáo Hoàng Thị Kiều Dung, Phó hiệu trưởng THPT Nguyễn Huệ

 

 
Sau những chuyến đi dài, điều đáng quý là kinh nghiệm đạt được. Mỹ Lam tâm sự khi quay phim đã thấy cuộc sống em trở nên năng động hơn. Lam đã có “vốn” hiểu biết về đời sống nông dân, biết quay và dựng phim. Hồng Liên nói đầy tự tin “nếu có điều kiện tụi em sẽ thi thêm một lần nữa”.

 

Lam và Liên sau cấp III sẽ theo ngành Ngoại thương và Kinh tế. Riêng Phước, chàng trai cả bản lĩnh của nhóm, hiền lành nhoẻn miệng nói về tương lai “Em thích làm giáo viên dạy Văn để truyền đạt những khía cạnh sâu sắc tâm hồn và kích thích sự sáng tạo con người từ những ước mơ.”

 

Xin giới thiệu độc giả một số đoạn trong clip Nước mắt bào thai:
  
 
 
 
 
 
Bài và ảnh: Đại Dương
(Clip do nhân vật cung cấp)