Sóc Trăng: Chủ tịch xã "đời giữa 8X" năng động ở xã anh hùng
(Dân trí) - Xã Hồ Đắc Kiện là cửa ngõ của huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và là xã anh hùng duy nhất của huyện này. Vốn là vùng căn cứ kháng chiến nên trước đây cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng hôm nay, diện mạo của xã đã thay đổi và trong sự phát triển đó không thể không kể đến vai trò “thuyền trưởng” của Chủ tịch xã "đời giữa 8X"- anh Nguyễn Văn Mỹ (SN 1985).
Năm 2015, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) thực hiện công tác luân chuyển, điều động bổ nhiệm cán bộ đối với xã Hồ Đắc Kiện, trong đó có anh Nguyễn Văn Mỹ (SN 1985) giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.
Đầu tháng 7/2018, xã Hồ Đắc Kiện là xã đầu tiên của huyện Châu Thành được chọn thí điểm mô hình Chủ tịch UBND xã kiêm Bí thư Đảng ủy xã, và anh Mỹ là người được tín nhiệm giữ chức vụ này.
Theo đánh giá của ông Châu Văn Chuyển- Bí thư Huyện ủy Châu Thành, qua quá trình làm việc ở xã, anh Nguyễn Văn Mỹ đã thể hiện được sự năng động, sáng tạo, quyết đoán của mình, góp phần đưa xã Hồ Đắc Kiện vượt qua khó khăn, trở thành một xã điểm của huyện về nhiều mặt.
Năng động từ công tác cán bộ…
Trước khi về làm Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện, anh Nguyễn Văn Mỹ là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành.
Anh Mỹ cho biết, khi được điều về xã mới, lúc đó anh rất lo lắng bởi mình còn trẻ, lại là người ở nơi khác đến, không biết có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Tuy nhiên, anh lại nghĩ mình về đây vì cái chung, nếu mình có tâm huyết thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ hoàn thành tốt công việc.
“Với suy nghĩ đó, việc đầu tiên tôi làm khi về xã là đến thăm những gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, những người có uy tín ở địa phương để lắng nghe ý kiến đóng góp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó có giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, Chủ tịch xã 8X chia sẻ.
Với trách nhiệm của người “thuyền trưởng”, công việc đầu tiên là chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, nhất là đối với những cán bộ làm nhiệm vụ ở lĩnh vực nhạy cảm như phát tiền cho gia đình chính sách, giảm nghèo, địa chính, tư pháp,… vị tân Chủ tịch UBND xã yêu cầu họ cam kết chịu trách nhiệm được giao với tinh thần là cán bộ chỉ làm lợi cho dân, quan tâm đến lợi ích của dân.
“Nếu cán bộ nào bị dân phản ánh không tốt về tinh thần, thái độ phục vụ hoặc nhũng nhiễu, quan liêu sẽ bị xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm, kiên quyết không nể nang, làm mất lòng tin nhân dân”, anh Mỹ tâm sự.
Từ sự mạnh dạn đó của lãnh đạo UBND xã, mấy năm gần đây, người dân ở xã rất hài lòng trước thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ xã Hồ Đắc Kiện.
… đến phát triển kinh tế
Năm 2015, xã Hồ Đắc Kiện được công nhận xã nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp có nhiều bước tiến, trong đó người dân tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,… làm ăn hiệu quả, phát triển khá bền vững. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa của nông dân làm ra vẫn chưa được tiêu thụ ổn định.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch xã- anh Nguyễn Văn Mỹ cho biết: “Vốn xuất thân từ dân nông nghiệp, với kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tiễn, tôi quyết tâm đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu, hướng dẫn nông dân liên kết lại để tổ chức sản xuất; giúp nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, kêu gọi công ty kinh doanh nông dược, phân bón tham gia chương trình từ đó giảm được chi phí đầu tư sản xuất, liên kết các doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao hơn thị trường, sao cho nông dân có lãi cao”.
Từ cách nghĩ, cách làm đó, sản lượng, diện tích bao tiêu lúa của nông dân trong xã nâng lên từ 60% đến trên 70%. Lợi nhuận của nhà nông đạt khoảng 30 triệu đồng/ha.
Nhận thấy xã Hồ Đắc Kiện là vùng trũng nên mùa nước lũ khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, mực nước ở đây khá cao, có mưa nhiều nên xã khuyến cáo hộ dân thực hiện mô hình cá – lúa – thủy cầm để thay thế lúa vụ 3 đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Tới (ngụ ấp Đắc Thời) cho biết: “Cái lợi của mô hình này là nông dân có thể tận dụng lúa chét trên đồng làm thức ăn cho vịt và lượng phù sa của nước lũ để nuôi cá tự nhiên mà không tốn nhiều chi phí thức ăn hay chăm sóc, góp phần làm sạch các mầm bệnh và côn trùng tiềm ẩn trong đất gây dịch bệnh ở vụ lúa đông xuân rất hiệu quả”.
Với mô hình này, trong 3 tháng, trung bình mỗi hộ có thể nuôi một vụ cá và 2 vụ vịt, lợi nhuận mỗi công gần một triệu đồng. Với mức lợi nhuận đó, bà con vẫn có thu nhập thay cho cây lúa, mà còn có thời gian phân hủy các chất tồn dư độc hại trong đất, giúp lúa phát triển tốt hơn ở vụ sau.
Nói về những việc làm của mình, Chủ tịch xã Hồ Đắc Kiện Nguyễn Văn Mỹ tâm sự: “Bác Hồ đã từng dạy phải lấy dân làm gốc. Học và làm theo tư tưởng Bác, tôi nghĩ muốn được dân tin thì trước hết người lãnh đạo phải lắng nghe dân, tôn trọng dân, nếu không sẽ làm dân ngày càng cách biệt và xa rời mình hơn.
Vì vậy, bản thân tôi sẽ luôn duy trì tác phong làm việc gần gũi quần chúng, sống nêu gương để xứng đáng với lòng tin yêu của mọi người”.
Cao Xuân Lương