Sinh viên viết báo, rủi ro cũng là “được”
(Dân trí) - Không ít lần bị giật máy ảnh, bị rượt đuổi... vì tội “mày mò” để cho ra một bài báo rồi “tay trắng” ra về nhưng nhiều sinh viên viết báo vẫn cho rằng “được nhiều hơn mất”.
Khổ như sinh viên đi lấy tin
Bắt đầu từ năm thứ 2, thấy nhiều bạn trong lớp đã có bài đăng ở các báo,Thủy HV Báo chí & Tuyên truyền bắt đầu tập tành đi viết bài. Sau một thời gian mày mò, Thủy cũng đã có vài bài đăng trên một số tờ báo. Vậy mà Thủy chia sẻ “Em chưa thấy vừa lòng lắm, lẽ ra em có thể viết tốt hơn nữa nhưng khó quá”.
Cái khó của Thủy nói tới đây là khâu thu thập thông tin với cô rất nhiều khó khăn. Đã không ít lần Thủy bị thu máy ảnh, bị rượt đuổi phải vứt cả dép chạy tháo thân.
Sinh viên báo chí “tác nghiệp”, gặp rủi ro cũng là “được”.
Thủy lấy luôn dẫn chứng, cách đây khoảng một tuần, Thủy đã bị giật máy ảnh khi cô “đột nhập” vào một trung tâm luyện thi ở đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) để lấy tin. “Em đang loay hoay chụp ảnh lịch học của trung tâm thì bị một người đàn ông chạy ra, đẩy em ngã trẹo cả chân rồi giật lấy máy ảnh. Em đòi lại nhưng ông ta nhất quyết không chịu đưa”.
Cuối cùng, Thủy phải nhờ đến các chú công an phường mới lấy lại được máy ảnh. Em chẳng nói là mình đi viết bài vì em đâu có giấy tờ giới thiệu gì nhưng biết em là sinh viên báo chí, người đàn ông giật máy của em có nói: “Nhiều tờ báo bôi xấu trung tâm của chú quá rồi nên không muốn ai chụp ảnh lấy tin gì nữa hết”. Ông ta còn nói muốn chụp ảnh, viết bài phải lên công an quận xin phép”.
Không học trường báo nhưng lại có đam mê viết bài nên Thái, ĐH Văn hóa Hà Nội cũng tập tành viết báo từ năm thứ nhất. Tay viết không chuyên này cũng không ít lần gặp phải những tình huống rắc rối.
“Có lần em đi chụp ảnh mấy hàng quán lấn chiếm vỉa hè ở đường Đại La (Hai Bà Trưng) bị một chú bán nước trà đá xách gậy rượt. Em chỉ còn cách co hai chân mà chạy, thả luôn đôi dép xốp vừa mua. Nói chung, lúc đó em cũng hoảng nhưng về lại thấy bình thường, còn thấy hơi thú vị nữa là khác”. Thái kể.
Trưởng thành từ những lần rủi ro
Cái khó nhất của sinh viên đi viết báo là không có “danh nghĩa” nên “chạm” đến đâu cũng bị “hỏi han” bị bắt bẻ. Hầu như sinh viên nào viết bài cộng tác cho các tờ báo cũng ít nhiều đều đã bị dính vài phi vụ rắc rối. Thế nhưng, chính những rủi ro với các bạn lại “được” nhiều hơn “mất”.
Như Th, năm ngoái, khi cộng tác với một tờ báo dành cho tuổi mới lớn còn bị các bạn độc giả gửi thư đến toà soạn kiện vì cho rằng hiện tượng Th phản hồi là không đúng sự thật. Cũng may, Th còn giữ lại toàn bộ ảnh cô đã chụp để làm bằng chứng.
Th nói: “Từ đó em rút ra rằng tất cả mọi thông tin mình đều phải giữ lại. Sau vụ đó, em còn được các chị ở toà soạn chỉ dẫn, phải tận dụng máy ghi âm nhiều hơn”.
Nhắc lại việc chụp ảnh ở lò luyện thi, Th cười: “Cô bạn cùng lớp với em cũng đi chụp ảnh ở một lò luyện thi bị người ta giữ lại, bạn ấy lập tức nói chụp lịch học về để cho đứa em... đăng ký học. Thế là mấy cô nhân viên xởi lởi thả ra, rồi đưa ngay cho mấy tờ giấy ghi lịch học”.
Cứ mỗi lần gặp rắc rối như thế, Th lại rút ra được nhiều kinh nghiệm nên giờ Th mong có cơ hội va chạm càng nhiều càng tốt: “Chúng em chưa thể đường đường chính chính để lấy tin nên những lúc va chạm mình lại nghĩ được rất nhiều mẹo”.
Còn Thái chia sẻ: “Sau những trận “thoát chết” như thế, em lại nghĩ ra nhiều kế hơn để săn tin hơn. Như việc chụp ảnh chẳng hạn, cứ lén la lén lút chụp càng hay bị nghi ngờ, chứ đường hoàng cận cảnh mà chụp, người ta lại nghĩ mình chụp... chơi. Còn những bức ảnh cần chụp “lén” thì đi chụp nhiều mình cũng nhanh nhạy hơn”.
Cái “được” của Thái khi viết báo là còn mở ra thêm cơ hội nghề nghiệp cho cậu: “Ngành học của em khó kiếm việc làm, việc viết báo đã mở ra cho em thêm cơ hội về nghề nghiệp cũng như khám phá khả năng bản thân. Nên giờ em phải tranh thủ gom nhặt kinh nghiệm”, Thái cho hay.
Tham gia viết báo, không ít bạn sinh viên còn có thể tự lo tiền ăn học, thậm chí có người thu nhập hàng tháng không thua kém một người đã ra trường đi làm, họ có tiền để mua máy ảnh, máy tính, xe máy. Có bạn trở thành cộng tác viên đắc lực cho các tờ báo và được hứa hẹn ra trường về toà soạn làm việc.
“Không chỉ các bạn học nghề báo mới viết báo, dân ngoại đạo như chúng em viết báo cũng nhiều thứ hay lắm. Bị đuổi bị mắng càng nhiều càng tích lũy được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm sống. Đôi lúc vác máy ảnh đi chụp, có người nói “Nhà báo ơi, phản ánh hay vào nhé” cũng thấy tự hào lắm chứ”, Liên, cô bạn học Ngân hàng, tay viết “lụa” cho một số tờ báo hồ hởi bộc bạch.
Hoài Nam