Sinh viên và những bất ổn sống chung

(Dân trí) - Tính cách không hợp, chia bè phái, đong đếm người thua kẻ thiệt, hiểu lầm, nghi ngờ khi bị mất đồ... là những bất ổn khó tránh khỏi trong cuộc sống chung của sinh viên mà không phải ai cũng “giải toả” được.

Những “cơn sóng” nhẹ

Học cùng nhau từ cấp ba, lại thi đỗ vào một trường đại học nên Ngọc, sinh viên khoa Báo chí và Thoa, khoa Quản lý Xã hội, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thuê chung một phòng ngay cạnh trường. Không phải qua giai đoạn làm quen như nhiều người khác, Ngọc và Thoa bắt nhịp khá nhanh với cuộc sống chung.

Sau tháng đầu tiên trải qua “không có chuyện gì”, bắt đầu xuất hiện những “cơn sóng nhẹ” không tên như: Ngọc khó chịu khi thấy sữa rửa mặt, dầu gội mà toàn là hàng cao cấp vì mẹ Ngọc có cửa hàng mỹ phẩm cứ hết vèo vèo. Thoa cũng ấm ức vì bữa cơm cô nấu lúc nào cũng chuẩn bị chu đáo, còn đến phiên Ngọc thì Ngọc chỉ nấu qua loa đại khái.

Để tránh mỹ phẩm bị “hao hụt”, cứ sau mỗi lần dùng xong là Ngọc bỏ vào tủ khoá lại. Không biết là Thoa có hiểu ý không nhưng sau đó chỉ một tuần thì cô thủ thỉ: “Từ ngày mai không nấu ăn chung nữa, ai tự lo người đó”. Có nhiều hành động “dằn mặt” nhau như thế nhưng cả Ngọc và Thoa đều không dám thẳng thắn góp ý với nhau để giải quyết. Bề ngoài hai người vẫn cười cười với nhau dù bên trong hết sức khó chịu. Thế là từ hai người bạn thân, hai người dần trở thành những người chỉ sống bên nhau cho... qua ngày.

Dương - ĐH Thương mại ở cùng với một người nữa tại ăn phòng thuê giá 800.000 đồng khá yên ổn nhưng khi chủ nhà tăng tiền phòng thì hai người phải tìm thêm một người bạn ở cùng nữa. Trong ba người thì gia đình Dương có điều kiện nhất, Dương lại khá xinh đẹp nên không ít bạn trai đến chơi nhà.

Hồi ở hai người thì không sao, vì có chuyện gì trước khi đi ngủ Dương đều kể cho cô bạn ở cùng. Nhưng từ khi có thêm người thì người bạn này cũng “quay lưng” lại với Dương. Khi lên giường đi ngủ, là hai cô bạn kia thủ thì vài chuyện cùng nhau rồi nhắm mắt ngủ, gần như để Dương “ngoài cuộc”.

Không ai nói gì ai mà hai người bạn cùng phòng chỉ coi như là... không có Dương trong nhà, nên dù rất khó chịu và căng thẳng nhưng Dương muốn chuyển sống riêng cũng rất ngại. Bởi người đầu tiên ở căn phòng này là Dương, cô không có lý do gì phải chuyển chỗ, còn nói hai cô bạn chuyển chỗ khác cũng không dễ.

Đến những giọt nước mắt

Những hiểu lầm, nghi ngờ... trong cuộc sống chung có những lúc làm cho nhiều người phải nuốt nước mắt vào trong. Mầt tiền, mất đồ luôn là “nút thắt” khó tháo nhất khi người này nghi người kia, lại luôn có cảm giác sợ người khác nghĩ là mình.

Mai, Học viện Ngân hàng kể rằng, một lần trong phòng trọ bốn người của Mai có bạn bị mất ví tiền. Bạn ấy vừa đi chợ về, phòng lại không hề có ai đến chơi nên thủ phạm “không thể là người ngoài”. Nhưng không ai dám khẳng định là ai, thế là người này nghĩ người kia, không khí trong phòng hết sức căng thẳng. Mai nói: “Khi sống chung mà có người thích “cầm nhầm” đồ của người khác thì sẽ gây ra rất nhiều nghi ngờ cho nhau. Thậm chí không ít bạn “nuốt nước mắt vào trong” vì những nghi ngờ này”.

Theo như bạn bè đánh giá thì gia đình L, HVBC, sống trong ký túc xá không quá vất vả nhưng không hiểu sao cậu lại hay rất hay vay tiền bạn bè. Lần đó, L cần vay tiền mọi người trong phòng “có việc gấp” nhưng ai cũng lắc đầu. Đến tối, một người trong phòng phát hiện mình bị mất điện thoại di động và đinh ninh: “Tớ đang xạc pin để ngay trên giường, cả ngày hôm nay có ai vào đây đâu”. L không ở trong phòng nên nhiều người không ngại ngần khẳng định: “Còn ai ngoài nó (ám chỉ L), đúng lúc nó đang cần tiền”.

Hôm sau, L mới về phòng, biết sự việc, cậu cũng trả lời: “Tớ không biết”, dù L thấy rõ ánh mắt nghi kỵ của nhiều người nhìn mình. Thậm chí, sau đó nhiều người trong phòng còn nhắc nhau “trong phòng có ăn cắp, ai có của thì giữ” ngay khi có mặt L.

L vẫn sống trong sự ghẻ lạnh của mọi người. Mãi sau này, người trong phòng cũ vốn là người hay nói “bóng gió” về L “ăn cắp” nhất lại bị bắt quả tang đang “thó” điện thoại trong ký túc xá. Nỗi oan của L phần nào được giải, nhưng giữa cậu và mọi người vẫn không thể “xem như chưa có chuyện gì”. L vẫn mong sẽ nhận được lời xin lỗi của mọi người nhưng đó là chuyện không bao giờ xảy ra.

Đối với sinh viên sống xa nhà, cuộc sống tập thể rất quan trọng vì còn có người chia sẻ, chăm sóc lúc ốm đau nhưng cuộc sống chung bao giờ cũng phức tạp, thậm chí đối với nhiều bạn đến mức suốt ngày phải “ấm ức” vì bạn cùng phòng.

“Khi sống chung ít nhiều mỗi người phải phải biết “gác” cái “riêng” mình. Tốt nhất là nên đã trao với nhau suy nghĩ của mình. Khi không vừa ý với nhau điều gì về nhau mà thấy không thể nói thẳng với nhau thì có thể ghi vào tờ giấy để trên bàn, rồi cùng nhau tìm cách giải quyết. Còn với những nghi ngờ không có cách giải toả thì hãy chuyển chỗ ở, đừng để căng thẳng hay ấm ức” - Sương, khoa Luật Kinh doanh, ĐH Luật chia sẻ.  

Hoài Nam