Sinh viên thời… khát rau xanh
(Dân trí) - “Thường ngày cũng đậu phụ, cá khô, trứng rán... và thứ không thể thiếu là rau. Nhưng từ hôm Tết tới giờ, rau đắt hơn tôm tươi, em chưa có tí màu xanh nào vào bụng. Triệu chứng thiếu rau đã… xuất hiện” - Hiền chỉ vào khuôn mặt lấm tấm nổi mụn của mình.
Đâu dám ăn “đặc sản”
“Cô ơi, cải ngọt bao nhiêu” - “14.000 đồng cân. Mua mấy lạng?” Nghe cô hàng rau “báo giá”, Quỳnh chìa 4.000 đồng lẻ trong tay ra, được già 2 lạng rưỡi rau cho bốn người ăn.
Phòng trọ của Thu Quỳnh, ĐH Văn hoá có 4 người, chế độ một ngày là 6.000 đồng tiền rau. Trước đây từng đó, bữa ăn có thể toàn rau nhưng giờ… không mua nổi rau gì dù đã tăng “chế độ rau” lên 8.000 đồng/ngày.
Quỳnh méo mặt: “Rau muống 15.000 đồng/mớ, bắp cải 8.000 đồng/kg, cải ngọt 13-15.000 đồng/kg, su hào 4.000/củ. Các loại rau nấu canh như mồng tơi, rau ngót… tìm hoa mắt cũng chẳng thấy. Đi chợ mua rau là mình lại “xốn” cả ruột, cứ 3-4 ngày bọn mình mới dám ăn một bữa rau”.
Từ sau Tết, giá rau xanh tăng lên gấp nhiều lần làm nhiều người phải… cắt bớt khẩu phần xanh trong bữa ăn. Nhưng đối với nhiều sinh viên, lâu nay bữa ăn là đậu phụ, rau muống giờ… rau đã trở thành món đặc sản mà không phải ai cũng “chơi” nổi.
Thu Mai, HV Ngân hàng, nói: “Sống ở ký túc, những lúc ăn mỳ tôm thay cơm, bọn mình thường mua thêm nghìn rau cải nấu lẫn, nhưng giờ điều đó trở thành xa xỉ. Vài ba nghìn không thể mua được rau”.
Mai cũng cho biết thêm: “Mình ăn cơm ở căng-tin, trước đây thường “chi” 1-2 nghìn tiền rau là đủ bữa. Thế mà bây giờ muốn có gắp rau cải, phải bỏ tới 5 nghìn đồng. Chẳng ai dám ăn rau, chỉ ăn tí cơm với ít thức ăn mặn”.
Đức Cường, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng nhăn nhó: “Từ trước tới giờ chỉ lo mỗi thiếu thịt cá, giờ rau cũng đắt chẳng kém. Vài nghìn giờ còn mua được quả trứng, bìa đậu chứ rau thì chịu. Đi ăn cơm bụi, chẳng mấy khi dám gọi rau. Gọi cũng phải… dè chừng. Có mấy cậu trong phòng mình từ Tết tới giờ còn chưa dám ăn rau”.
“Dính” bệnh vì thiếu rau
Rau cỏ đắt đỏ quá sức tưởng tượng, nên mới có cảnh sinh viên hàng tuần không đụng đũa đến rau. Chính vì thế, những triệu chứng thiếu rau đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều sinh viên.
Xóm trọ của Minh Đức đã có đến 4 sinh viên bị táo bón, trong đó 2 cậu đã phải đến đi viện khám. Nhiều người khác cũng có dấu hiệu… “khó giải quyết”.
Đức nói: “Lúc đầu bọn mình còn tưởng là bị dịch gì đó, nhưng ngẫm đi ngẫm lại mới biết lâu nay toàn ăn chất đạm. Chất xơ thiếu nghiêm trọng không bị táo bón mới lạ”.
Không chỉ bị táo bón, thiếu rau làm sức khoẻ sinh viên giảm đi rõ rệt. Hữu Hoàng, cậu bạn cùng phòng trọ với Đức, một trong những người dính bệnh táo bón thật thà: “Tính ra cũng hơn 10 ngày rồi mình chưa có cọng rau nào vào bụng. Đắt thế, không dám ăn sang. Bị táo bón thì rõ, lại thêm người lúc nào cũng mệt mỏi, lờ đờ”.
Đối với nữ sinh lại có thêm những nỗi lo về nhan sắc do thiếu rau gây ra.
“Thường ngày cũng đậu phụ, cũng cá khô, trứng rán… nhưng ít ra còn có tí rau. Chứ từ hôm sau Tết tới giờ, rau đắt hơn tôm tươi, em chưa có tí mà xanh nào vào bụng. Triệu chứng thiếu rau đã… xuất hiện” - Hiền, ĐH Sư phạm chỉ vào khuôn mặt đang lấm tấm nổi mụn của mình than thở.
“Ai cũng thế, thiếu rau nên da dẻ xấu rõ. Mùa khát rau này đến lớp lại thấy rõ nhiều bạn bị mọc mụn hơn. Nhìn cứ tưởng mình giờ mới bước vào tuổi dậy thì” - Hiền hóm hỉnh.
Biết bệnh do thiếu rau gây ra nhưng với giá rau vẫn đang trên trời như hiện nay, cộng thêm giá cả mọi thứ đều đắt đỏ thì việc sinh viên dám ăn rau không dễ dàng chút nào.
“Bệnh thì chịu bệnh thôi, chứ mỗi sinh viên thường cũng chỉ được trợ cấp 500.000 - 700.000 đồng tiền ăn/tháng, “đẻ” đâu được thêm mà đòi ăn… “đặc sản”. Lâu lâu “nếm” tý cho có vị. Giá rau mà cứ thế này chẳng biết rồi sinh viên sẽ thế nào nữa” - Hữu Hoàng thở dài.
Hoài Nam