Sinh viên táo bạo "chữa" bánh truyền thống bằng... thạch dừa

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM mạnh dạn với ý tưởng thay thế một phần bột mì bằng thạch dừa thô trong bánh bông lan Castella.

Nhóm Pantasia gồm 4 sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM với đề tài "Bánh Castella cao cấp giàu chất xơ" vừa vượt qua hàng chục đội thi giành giải nhất cuộc thi Bách khoa Innovation 2022.  

Sinh viên táo bạo chữa bánh truyền thống bằng... thạch dừa - 1

Nhóm sinh viên giành giải nhất cuộc thi giới thiệu sản phẩm tại buổi đánh giá cảm quan (Ảnh: Hoài Nam)

Đây là cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra thường niên dành cho thanh thiếu niên trên địa bàn TPHCM và các vùng lân cận thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia. 

Nói về dự án "Bánh Castella cao cấp giàu chất xơ" của đội, nhóm trưởng Trần Hoàng Khánh Linh cho biết cũng như các loại bánh ngọt khác, lượng lipid (51.5%) và tinh bột (42.8%) trong công thức làm bánh Castella vẫn rất cao, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người mang bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì vì cung cấp quá nhiều năng lượng, ước chừng khoảng 297 kcal trong 100 gram bánh.

Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã tìm cách để giảm năng lượng cung cấp từ bánh Castella. Họ nghiên cứu ra nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau để thay thế một phần bột mì (nguyên liệu chính để làm bánh) bằng các loại ngũ cốc, yến mạch nhằm tăng hàm lượng chất xơ trong bánh. 

Qua tìm hiểu và nghiên cứu, các bạn sinh viên trong nhóm đã tìm ra công thức cũng như phương pháp chế biến thành công trong việc sử dụng thạch dừa thô kết hợp vào bánh Castella tạo ra thực phẩm thơm ngon.  

Thạch dừa có hàm lượng cellulose vi khuẩn rất cao. Không giống như các nguồn xơ thực vật khác, với tên gọi là cellulose vi khuẩn, loại chất xơ này được bắt nguồn từ vi sinh vật làm nên đột phá của dự án. 

Theo nhóm tác giả, sản phẩm này cho phép người tiêu dùng có thể thoải mái ăn bánh ngọt với một lượng calories thấp hơn bánh truyền thống cũng như hướng đến một lối sống lành mạnh. 

Ngoài dự án trên, cuộc thi cũng có nhiều đề tài nổi bật trong chăm sóc sức khỏe như làm mỹ phẩm từ thạch dừa, cách giảm tải trong khám chữa bệnh, ứng dụng kết nối những người có vấn đề sức khỏe tâm lý; các đề tài về trí tuệ nhân tạo như xử lý dữ liệu, dịch ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản, hệ thống IoT tự vận hành...

Các sản phẩm hướng tới việc giải quyết các nhu cầu thực tế của xã hội bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và quản trị; đồng thời kết nối sinh viên các trường với nhau và với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Sinh viên táo bạo chữa bánh truyền thống bằng... thạch dừa - 2

Các đội giới thiệu về ý tưởng dự án của mình (Ảnh: Hoài Nam)

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết hiện nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai các đề án, hoạt động hỗ trợ về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo dành cho công dân Việt Nam nói chung và dành cho học sinh, sinh viên nói riêng, thông qua hai đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".

Cuộc thi Bách Khoa Innovation là một trong những hoạt động chủ chốt và góp phần thúc đẩy tốc độ quốc tế hóa, quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ.