Sinh viên “sốt” vì... giá gạo
(Dân trí) - “Sống thế nào bây giờ…”, mặt Hương gần như xanh tái khi nghe cô hàng gạo nói giá, kèm theo lời khuyên… rùng mình: “Mua ngay đi, mai mốt còn tăng nữa”.
Cuối tuần là thời điểm để phòng trọ gồm 4 người ở của Hương, ĐH Hà Nội để mua sắm những thứ tiêu dùng cần thiết như gạo, mắm, muối… Sinh viên không có nhiều tiền để mua sẵn nhiều đồ dự trữ.
Đứng trước đại lý gạo ở chợ Phùng Khoang (Từ Liêm) mà mặt Hương gần như không cắt ra được giọt máu. Hai loại gạo rẻ nhất mà sinh viên thường dùng là tạp giao và si dẻo, cách đây vài ba hôm chỉ mới 10.000 đồng giờ đã là 15.000 đồng/kg. Hương tự nói với mình: “Sống thế nào bây giờ…”
Hương mua 2,5kg gạo si dẻo, thấy thế cô bán hàng khuyên: “Mua ngay đi, mai mốt còn tăng tiếp”. Thấy mọi người chen nhau mua cả tải gạo với giá trên trời, Hương giật mình đầy lo lắng: “Tiền ăn của em từ ra Tết dù đã được bố mẹ tăng từ 500.000 lên 700.000 đồng nhưng cũng phải “buộc bụng” lắm. Giá gạo thế này thì chắc chắn em phải sống chung với... đói”.
Xách túi gạo chừng 3kg trên tay đi vào xóm trọ ở đường Hoàng Văn Thái (Khương Trung, Thanh Xuân), Sơn, ĐH Kinh tế thông báo tin giật gân: “Chết luôn, sợ luôn, giá gạo tăng lên gần gấp đôi rồi, 17.000 đồng/kg”. Cả xóm trọ náo động bởi tin Sơn đưa đến, có bạn còn không tin nổi vào tai mình, ú ớ: “Làm gì có, tuần trước đã tăng lên ít rồi mà”.
Sơn chỉ vào túi gạo của mình: “Không phải kiểu tăng mấy trăm đồng như hôm trước mà tăng lên 6.000 đồng/kg. 3kg gần 50.000 đồng đấy!”. Một cô bạn cạnh phòng Sơn kêu trời: “Hôm trước, tớ đã định mua yến gạo, thế mà lại tính để cuối tuần”.
Cứ thế, cả xóm trọ bàn tán, người thì hy vọng: “Biết đâu vài hôm giảm”, bạn khác lại lắc đầu: “Thế này không tăng tiếp là may chứ đừng hy vọng giảm”.
Cô Minh, bán gạo ở sau chợ Xanh (Cầu Giấy) cũng phải xót xa: “Mấy hôm nay ai mua gạo cũng phải kêu. Nhưng “sốc” nhất vẫn là mấy cô cậu sinh viên, ai cũng như chết đứng. Cứ giá này, các cô cậu sao sống nổi… Mình chỉ là người bán lẻ, nhập vào đắt thì giá bán phải tăng”.
Sinh viên nấu ăn “sốc” vì biết giá gạo thì những sinh viên ăn cơm bụi lại không hiểu chuyện gì đang xảy ra khi mà các hàng cơm bụi đồng loạt tăng tiền cơm lên gấp đôi.
Quyền, ĐH Xây dựng nói như nghẹn: “Em thường ăn 3.000 đồng tiền cơm, hôm nay ra quán ít nhất 5.000 đồng tiền cơm mới bán mà còn lưng hơn cả ngày thường. Quả thật, em không biết phải xoay xở thế nào, biết lấy khoản nào bù đây khi cái gì cũng đắt đỏ”.
Nồi cơm sinh viên tiếp tục bị… cắt giảm. (Ảnh: H.Nam)
Bớt cơm hay thêm tiền?
Đứng trước cơn “sốc” giá gạo, không như mọi người còn có thể tiếp tục chịu đựng thì sinh viên lại phải “chấn chỉnh” theo giá ngay lập tức. Có hai phương án sinh viên lựa chọn: xin thêm bố mẹ tiền chi tiêu, hoặc… giảm cơm trong bữa ăn.
Anh Hưng, ĐH Thương mại cùng 2 cậu bạn cùng phòng lại chọn biện pháp… cắt tiền thức ăn để bù tiền gạo. “Với giá gạo này mỗi một người phải chi từ 10.000 - 12.000 đồng tiền gạo mỗi ngày, trước đây chỉ khoảng 7.000. Khoản “bù”này sẽ cắt vào tiền thức ăn. Con trai mà, có thể không ăn ngon nhưng cứ phải bo bụng đã”.
Tuy nhiên, Hưng cho biết thêm, thức ăn lâu nay cũng đã toàn là lạc vùi, ít rau, hôm nào thèm lắm mới có tý thịt với ít trứng. “Cắt thức ăn chỉ có nước ăn cơm chan với mắm”.
Sinh viên ăn cơm bụi, cũng rơi vào cảnh này, như Quyền nói: “Tiền ăn không có để mà thêm, tiền cơm tăng thì thức ăn phải giảm. Em nghe nói, giá gạo tăng chỉ do đầu cơ, không phải do thiếu nhưng chờ đến bao giờ giá mới giảm”.
Trang, HV Hành chính thở dài: “Ra hàng cơm bụi, một là phải bớt hơn nửa cơm, hoặc là thêm gấp đôi tiền cơm. Nhiều hàng còn không bán… ít cơm, lại phải thêm tiền mình là con gái mà đã phải mua từ 5.000 -6.000 cơm rồi. Hoảng quá! Thế mà mấy cô hàng cơm còn… tuyên bố: “Gạo đang thiếu, còn tăng nữa cơ”.
Trang cũng cho biết, ngay buổi học đầu tuần, từ ngoài cổng trường, ghế đá vào tận giảng đường, giá gạo chính là đề tài mà sinh viên bàn tán sôi nổi. Tất nhiên, kèm theo đó là những lo lắng… “Chúng em cũng biết, giá gạo chỉ tăng nhất thời, giờ đang nín thở… chờ giá xuống!”.
Sinh viên làng ĐH Thủ Đức lao đao vì bữa ăn
Các quán cơm ở làng Đại học Thủ Đức đã đột ngột tăng giá sau một ngày khi giá gạo tăng lên quá cao. Đây là một việc tất yếu khi mà họ cần phải làm vậy để tránh bị thua lỗ. Nhưng sự tăng giá đó đã khiến cho sinh viên lâm vào cảnh khó khăn khi phải lo từng bữa ăn cho mình để tiếp tục theo học trên giảng đường.
“Chỉ mới có một ngày thôi mà giá cơm tại các quán cơm ở đây đã tăng lên gấp đôi rồi. Nếu trước đây quán cơm rẻ nhất chỉ có 5000 một phần và đắt nhất là 10.000 đồng thì giờ các quán đồng loạt tăng giá và mức giá rẻ nhất là 10.000 đồng cho một phần cơm. Tăng giá đột ngột như thế bọn em biết làm sao bây giờ đây. Tiền hàng tháng thì cố định rồi, đang đi học thì làm sao có thể kiếm thêm được”, Nguyễn Phương Vy, sinh viên Khoa Kinh tế than thở.
Hoàng Duy, sinh viên Bách Khoa đang học Đại cương ở đây cũng kêu trời: “Nhà có tới 3 anh em đi học, mỗi tháng kiếm được vài trăm lo cho mấy đứa ba mẹ đã khổ lắm rồi. Giờ ngay cả cơm cũng tăng giá không biết phải làm sao đây. Một tháng ba mẹ chắt chiu được 1 triệu để gửi vào chi phí sách vở, tiền trọ, còn được một nửa lo tiền cơm. Giờ cơm 10.000 thì một tháng thì ít nhất cũng mất 600.000 cho tiền cơm rồi. Biết ăn uống sao bây giờ, chắc 1 bữa mì gói, 1 bữa cơm quá”.
Nguyễn Quốc Việt, sinh viên năm 2, trường KHXh&NV thì đang lo không biết có thể theo học tiếp hay không vì giá cơm tăng: “Nhà mình ở tận Bắc Ninh, nghèo lắm, hàng tháng ba mẹ chỉ gửi cho vài trăm chi phí học tập, còn lại đi làm thêm để phụ vào tiền học. Trước đến giờ ăn cơm khi nào cũng lựa quán rẻ nhất để ăn, mỗi bữa tốn chừng 5000 đồng. Giờ cơm lên giá cao như thế mình chẳng biết có thể lo được ngày hai bữa không nữa. Nếu mà không có dấu hiệu giảm xuống chắc phải nghỉ học một thời gian đi làm kiếm tiền học tiếp”.
Huy Trọng, đang ôn thi Đại học tại đây cũng không dám ăn cơm khi nhìn thấy giá cơm tăng lên chóng mặt như vậy: “Nhìn vào giá cơm không dám ăn luôn, bình thường có 5000 đến 7000 đồng đã khó khăn rồi, giờ tới 10.000 đồng. Mấy anh phải làm sao đi, chứ cứ để thế này bọn em chết mất”.
Theo các thông tin trên báo chí thì hiện tượng tăng giá này là do đầu cơ và chính phủ đang tiến hành xử lý. Tuy nhiên, nếu xử lý không kịp, giá gạo vẫn tăng như thời điểm hiện nay, thì sinh viên sẽ phải chịu rất nhiều khổ cực từ việc giá cơm tăng và chưa biết bao giờ có thể hạ xuống lại như bình thường.
Lê Mỹ |
Hoài Nam