Sinh viên “quất ngựa truy phong”… tiền trọ

(Dân trí) - Đến ngày thu tiền nhà, thấy phòng cuối cùng khóa cửa im thin thít, bà T chủ trọ vẫn đinh ninh chúng về quê chưa lên. Mãi sau bà mới tin, hai cậu sinh viên “tri thức nhất xóm” đã một đi không trở lại cùng gần 5 triệu tiền phòng, điện nước…

Những vụ “mất tích” kỳ lạ

Tại khu nhà trọ trên đường Âu Cơ (quận 11), khu vực gần trường ĐH Bách khoa TPHCM, bà chủ nhà tên T rất được lòng SV thuê phòng. Thương sinh viên nên bà T cho thuê phòng với giá vừa phải, không yêu cầu phải đặt cọc, SV ở quen có thiếu bà vài tháng tiền phòng bà cũng du di.

Thế nhưng mới đây, hàng chục SV thuê trọ lâu nay tá hỏa khi đón nhận quy định mới, phải đóng tiền đặt cọc bằng tiền thuê phòng, tiền trọ phải thanh toán từ đầu tháng, không được chậm một ngày. Nguyên nhân là bà chủ nhà này vừa bị hai cậu SV bà quý mến nhất ra cú đòn “mất tích” với một khoản tiền trọ lớn.

Một phòng trọ trống trơn khi SV đang ở bỗng dưng mất tích.

Một phòng trọ trống trơn khi SV đang ở bỗng dưng "mất tích".

Hai cậu này mới chuyển đều hồi đầu năm, rất được vợ chồng bà T rất quý mến vì không chỉ chịu khó mà ăn nói cũng rất dễ nghe, cặp kính cận tri thức. Có món gì ngon bà cũng gọi qua, hay thiếu tiền trọ bà đều cho khất mà không hề lăn tăn bởi “chúng thật thà lắm, nợ tháng này là tháng sau trả ngay”.

Mới đây, hai cậu xin khất tiền trọ tháng 5 và tháng 6, chờ về quê chơi hè vài ngày rồi cầm tiền lên trả luôn thể, bà T không chút lăn tăn. Tính tổng tiền nhà và điện nước hai tháng cũng gần 4 triệu đồng. Chỉ đến khi nhiều SV trong xóm báo rằng, hai đứa nó chuồn rồi, phòng đã dọn sạch trơn, mà T thử gọi điện nhiều lần, đầu dây ò í e bà mới tin mình bị lừa.

“Chưa hết, ông chồng tôi lúc này nói thằng Trung còn vay ông một triệu để đóng tiền học. Hóa ra chúng đã lên kế hoạch “hốt cú chót” cả rồi. Không còn tin tưởng nên giờ SV nào đến ở phải đóng tiền đặc cọc”, bà T nói.

Cô Nguyễn Thị Nga, chủ dãy trọ ở Q.12 cho hay đã gặp không ít vố SV thuê trọ dồn tiền nợ thành cục lớn rồi một đi không trở lại. Theo cô Nga, những SV chơi nhiều hơn học trốn tiền phòng đã đành, có những SV nhìn rất tử tế, lấy được lòng tin của chủ nhà nên nợ dồn rồi lên kế hoạch “bùng”.

Theo cô Nga, mỗi lần SV “âm thầm ra đi”, không chỉ mất tiền, mất niềm tin mà khổ nhất còn phải tìm cách phá cửa phòng. “Chúng bỏ đi là chẳng còn gì trong phòng, để vậy đừng khóa mình còn đỡ cực chứ phá khóa là dễ hỏng luôn cả cánh cửa”.

Hiểu rằng những SV “ẵm” tiền trọ chỉ là con số nhỏ nên cô Nga không vì thế làm khó các SV khác như yêu cầu đóng tiền đầu tháng hay đặt cọc tiền thuê phòng. Sau vài lần bị “nít ranh nó lừa” cô rút ra kinh nghiệm, SV nào đến thuê phòng mà đồ đạc nhỏ gọn thì cần phải để phòng.

“Có mỗi túi đồ nhẹ tênh, mấy đứa muốn đi lúc nào chả được. Ai đến thuê phòng thấy đồ đạc dễ vận chuyển là tôi yêu cầu phải đặt cọc tiền phòng”, cô Nga cho biết.

Làm liều vì túng?

Việc SV “bỗng dưng mất tích” không quá xa lạ với nhiều khu trọ SV. Thậm chí không ít SV còn “chuyên gia” ở trọ không mất tiền với chiêu thức lợi dụng lòng tin của chủ nhà như trên.

Không ít SV dễ dàng bùng tiền nợ nhờ hành trang gọn nhẹ

Không ít SV dễ dàng "bùng" tiền nợ nhờ hành trang gọn nhẹ.

“Tao “chuồn” rồi, được mớ tiền phòng” là điệp khúc vài tháng một lần, bạn bè lại nghe Công, SV một trường ĐH nằm ở Gò Vấp thông báo cùng vẻ mặt hí hửng của cậu khi nghĩ đến cảnh chủ nhà đang phát điên.
 
Hành trang của Công rất đơn giản, chỉ va li đồ đạc với xe máy để dễ “tẩu thoát”. Công chỉ nhằm đến những dãy trọ không phải đóng tiền cọc, đến sống thời gian đầu tỏ ra ngoan ngoãn, gần gũi để lấy lòng chủ nhà cho dễ nợ tiền phòng. Đến tháng thứ 2 thứ 3, chủ nhà nào không cho thiếu thì cứ 1 tháng là cậu chuyển chỗ mới.
 
Với các mác SV đại học, không chỉ tiền trọ, Công còn ăn uống, mua sắm nợ tiền hàng quán tạp hóa, quán cơm gần chỗ trọ, thậm chí vay tiền của SV trong dãy rồi “truất ngựa truy phong”.
 
Cả hai năm nay, dù phải sống chui sống lủi nhưng Công luôn tự hào là mình chả mất tiền nhà. Theo bạn bè của cậu, mới đầu Công túng quá làm liều bỏ trốn, sau này thấy “dễ xơi” nên “bùng” thành quen để có tiền tiêu xài.
 
Không chỉ nam sinh mà còn có những nữ sinh cũng dùng chiêu trốn liều lĩnh này. Trốn nợ của chủ nhà trọ đã đành, có SV sống ghép cũng để cục nợ cho người ở lại. Các con nợ không hoàn trả thường lý giải… do đường cùng, hết cách nhưng rất khó mà chấp nhận vì họ đang tự hạ thấp bản thân mình.
 
Nhất là đối với những chủ nhà thật sự thông cảm thì SV mới có thể “cầm đằng chuôi” như vậy. Chưa kể thái độ, nhiều bạn sau mỗi phi vụ thành công, họ tỏ ra rất khoái chí vì “ăn không” của người khác.

Các chủ nhà trọ mất tiền cũng ấm ức nhưng hầu hết họ đều dễ dàng bỏ qua vì không có thời gian hoặc cũng không nỡ truy tận trường học. Có người còn có niềm tin, một ngày SV sẽ quay lại trả tiền.

Cô Nga kể, cách đây gần chục năm có cô SV trường ĐH Điện lực biến mất cùng mấy tháng tiền trọ. “Mới đây em ấy quay lại cùng chồng trả tiền trọ ngày đó cho mình, nói trước đây do túng quá làm mình cũng xúc động. Đây là trường hợp hiếm…”.

Hoài Nam