Sinh viên ở chung với… chuột

(Dân trí) - Khi mọi người đang say giấc nồng bỗng có tiếng thét lên, mọi người xúm lại xem có chuyện gì thì thấy ngón tay Loan đang chảy toe toét máu. Loan cho biết cô vừa bị chuột cắn nhưng vẫn nghĩ mình đang mơ.

Chuột tự nhiên hơn... ruồi

 

Từ khi công trình xây dựng ở ký túc xá Mễ Trì khởi công, ở trên các phòng ở của Sinh viên ở nội trú xuất hiện khá nhiều chuột. Nhất là các bạn ở trên tầng 4 nhà C1 - dãy nhà gần sát ngay khu vực có công trình xây dựng.

 

Theo nhiều bạn sinh viên sống ở C1, thời gian gần đây ở phòng ở của mình xuất hiện rất nhiều chuột. Càng ngày chuột càng bạo dạn hơn, chúng hoạt động tự nhiên trong phòng như không có người. Chuyện lũ chuột kéo nhau lên giường của các bạn sinh viên tàn phá chăn chiếu và các vật dụng ở “mảnh trời riêng” của các bạn sinh viên không còn xa lạ gì. Thảo một người sống trong ký túc xá Mễ Trì buồn rầu cho biết: “Sau thời gian nghỉ Tết, em lên nhận phòng với tình trạng chăn chiếu của mình đã bị chuột cắn nát tươm, em phải mua ngay cái chiếu mới để thế vào mới có thể tiếp tục sử dụng chiếc giường quen thuộc của mình”.

 

Việc chuột “tự do” hoành hành cắn phá đồ đạc dần dần cũng thành quen. Nhưng gần đây một số sinh viên còn bị chuột cắn ngay trong lúc ngủ. Loan vừa tắt máy tính ngủ được một lát thì bị chuột cắn vào ngón tay khiến ngón tay em chảy toe toét máu. Vết thương tuy không quá sâu nhưng cũng khiến  Loan đau nhức cả cánh tay khiến cô không thể ngủ tiếp cho đến sáng. 

 

Không chỉ ở khu ký túc xá, sinh viên thuê trọ ở những dãy nhà cấp bốn lụp xụp lại càng dễ gặp tình huống “sống chung với chuột” hơn. Chủ nhà chỉ có thể hào phóng đến mức trang bị cho mỗi phòng một tấm pro xi măng loại rẻ tiền nhất. Những khe hở giữa mái nhà và tường nhà là nơi cư trú và là địa bàn hoạt động lý tưởng cho họ hàng nhà chuột “lộng hành”. Không có ngóc ngách nào của phòng trọ là không có dấu chân chuột chạy qua.


Sinh viên ở chung với… chuột - 1

Bạn nữ này quá đau đầu vì lũ chuột thường xuyên cắt đứt dây máy tính. (Ảnh: Nguyễn Đóa)

 

Lệ Thuỷ ( Khoa điện tử viễn thông, Viện đại học Mở) hiện đang sống ở Triều Khúc, Thanh Xuân kêu ca: “Không còn cái nắp hộp nào lành lặn. Cái túi gạo em treo trên tường cũng bị chúng đục khoét. Sáng dậy, gạo vãi tung toé khắp nền nhà, mớ rau bị cắn một nửa, hai quả trứng rơi vỡ tan tành. Ghét lũ chuột mà không làm gì được”. Nguyễn Oanh phòng bên cạnh đau xót hơn khi chiếc áo mới vừa mua đã bị cắn rách, thủng một lỗ to tướng trước ngực.

 

Chuột hoành hành cắn phá không trừ một thứ gì. Tai hại hơn chúng còn gặm nhấm cả sách vở lẫn máy tính, vật dụng yêu thích của sinh viên.

 

Vốn là một nhân yêu quý sách, Lê Dương ( Khoa Xây dựng, Cao đẳng Xây dựng) hiện đang sống ở Trung Văn, Thanh Trì bức xúc: “Bọn chúng cắn nát từng trang, bìa sách cũng rụng tơi tả”. Khánh Ly ( Khoa Báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) trước kia từng trọ ở Phùng Khoang đau lòng chia sẻ: “Toàn bộ đầu dây nối nguồn với máy tính bị cắn đứt. Chưa thoả mãn, nó còn tìm đến con chuột của máy để cắn nốt cái đuôi của nó. Phải mất mấy ngày, mình mới khắc phục được sự cố không mong đợi này”. Hàm răng sắc như một vũ khí lợi hại giúp chuột thoải mái phá phách những gì chuột thích mà không có sự can thiệp của bất cứ ai.

 

Không thể sống chung mãi với chuột

 

Hào - trưởng phòng 412C1 cho biết: “Không hiểu tại sao gần đây phòng em xuất hiện rất nhiều chuột. Khi thấy một số người trong phòng bị chuột cắn trong lúc ngủ em đã mua keo dính chuột về giăng ở các gầm giường, nhưng chỉ lần đầu tiên là bắt được vài con”.

 

Đa phần các bạn sinh viên diệt chuột bằng cách dùng keo dính chuột, nhưng kết quả cho thấy cũng không được khả quan. Một số phòng phát hiện thấy đường đi thường xuyên của chuột là bám theo các ống dẫn nước ở phía sau phòng nên đã bẫy chuột bằng cách múc một ít nước vào một cái chậu lớn để ngay phía dưới các ống dẫn nước trong nhà tắm. Dùng phương pháp bẫy chuột ngày đôi khi cũng bắt được một số con do chúng sa chân rơi xuống khi đang chạy từ phía trên xuống.

 

Một số sinh viên đã có ý định mua thuốc chuột về trộn lẫn với đồ ăn để bẫy chuột nhưng lại sợ khi chuột ăn phải lại chết ở các vị trí khó phát hiện thì dễ gây ra mùi khó chịu. Về phía ban quản lý ký túc xá, hiện nay vẫn chưa có phương pháp diệt chuột nào triệt để để giúp đỡ các bạn sinh viên.
 
Sinh viên ở chung với… chuột - 2

Sắp xếp sách vở lên cao, gọn gàng cũng giúp hạn chế sự phá hoại của lũ chuột. (Ảnh: Nguyễn Đóa)

 

Tuy nhiên, không bằng cách này hay cách khác, nhiều bạn sinh viên vẫn kiên quyết bài trừ chuột ra khỏi nơi ở, Thủy chọn “biện pháp” treo lơ lửng mọi thứ đồ ăn thức uống. Dương thì cẩn thận hơn, cậu để những thứ quan trọng và những cuốn sách quý trong một cái hòm, đề phòng chuột cắn phá. Vì thế mà, những cuốn sách quý của Dương vẫn còn nguyên vẹn. Cũng chính nhờ sự xâm lấn và hoành hành của lũ chuột mà căn phòng của Hùng đã sạch sẽ, gọn gàng hơn. Đồ đạc được để ngăn nắp, phân loại thứ nào ra thứ nấy, những gì không cần thiết thì bỏ vào thùng rác. Nơi ở càng thoáng sạch thì càng không có nơi để chuột cư trú.

 

 

Nguyễn Đóa - Hồng Tuyết