Sinh viên nặng nợ vì chứng khoán

Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên năm thứ 3 Đại học Công nghiệp TPHCM, xưa nay chưa bao giờ biết đi làm thêm vì có gia đình hỗ trợ. Thế mà giờ cậu phải tìm một công việc nào đó có thu nhập để trả nợ chơi chứng khoán.

Nam bắt đầu trở thành "tín đồ" của sàn chứng khoán từ tháng 12 năm ngoái, qua giới thiệu từ bạn bè.

Cứ giờ rảnh, thậm chí cúp cua tiết học, vì các phiên giao dịch đều diễn ra trong buổi đến trường, Nam lại lê la ở sàn, rồi vào quán cà phê chứng khoán giỏng tai nghe lóm thiên hạ bàn nào là Ri (REE) lên, "Prù" (Prudential) xuống điểm...

Trong vòng 6 tháng, nghe lời giải thích ngọt ngào của bạn bè, người quen, môi giới, nhà đầu tư trẻ này đã mượn của bạn bè, xin xỏ bố mẹ và lấy tiền dành dụm cá nhân nhiều năm nay, "nướng" 20 triệu đồng vào cổ phiếu BMC.

Cậu còn mò ra chợ đen để sở hữu một ít cổ phiếu OTC. Trái đắng đến ngay, Nam liên tục thua chứ chưa từng nếm hương vị chiến thắng.

"Đến nay chưa thu lại vốn, phải nuốt đắng mà không dám kêu với ai", sinh viên này cho biết. Hiện Nam còn nắm trong tay một ít cổ phiếu OTC, đừng nói là hòa vốn, bán rẻ cũng không ai dám mua.

Nam thú thật mình thất bại là do thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm về các loại cổ phiếu và cả thị trường chứng khoán.

Tự nhủ “bây giờ coi như thúc thủ, đành gác những lo lắng qua một bên, chờ thị trường sáng sủa trở lại rồi mới tính tiếp”, cậu sinh viên giấu biến "quả" kinh doanh thất bại với gia đình, lặng lẽ tìm việc làm để kiếm tiền trả nợ bạn bè. Tiền của nhà từ từ tính sau.   

Trên các sàn giao dịch chứng khoán hiện nay không thiếu những nhà đầu tư có gương mặt non choẹt đang ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Nhiều sinh viên cho biết chơi là để hiểu thị trường, có kiến thức thực tế và phục vụ cho công tác học tập. Họ cũng không giấu khát khao được làm giàu nhờ trúng cổ phiếu. Nhưng dường như không ít người đã rút được bài học, thậm chí chùn bước với chứng khoán khi thua nhiều hơn thắng. 

Học môn chứng khoán trong giảng đường đại học, còn tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn bên ngoài, Thanh Phương, sinh viên Kinh tế ngành quản trị kinh doanh đã chơi chứng khoán được một năm.

Phương cho biết bị lỗ nặng lần đầu tiên là lúc mua cổ phiếu IMP. Vì cố giữ lại cổ phiếu chờ tăng giá nên nhà đầu tư nghiệp dư này đã bỏ qua thời cơ bán ra. “Cuối cùng, khi IMP liên tục sụt thảm hại, tôi đành chịu lỗ bán ra để không bị mất trắng. Thất bại đó, tôi nhớ tới tận bây giờ”, Phương kể lại.

Kinh nghiệm mà Phương rút ra là "thị trường chứng khoán đang biến động, mua và bán đều giảm, chỉ nên phòng thủ chứ đừng đầu tư vào cổ phiếu nào vì nguy cơ thua lỗ rất cao".

Theo Phương, hiện tại những phân tích của các chuyên gia về thị trường chứng khoán luôn hướng đến thời điểm trung và dài hạn. Vì vậy, nếu không đầu tư nghiêm túc, thiếu thông tin hoặc chưa tìm hiểu mà vội vàng mua vào bán ra thì rất dễ bị mất trắng.

Trong khi đó, cô sinh viên năm cuối ngành ngân hàng Nguyễn Hồng Hạnh đã mất đứt 10 triệu đồng chỉ trong tích tắc do giá cổ phiếu rớt.

Rất mê chứng khoán, lại đang học năm cuối ngành ngân hàng, nhà khá giả, Hạnh được gia đình cho hẳn 50 triệu đồng để đầu tư.

Hạnh kể, tháng 10 năm ngoái bắt đầu học lớp chứng khoán và cùng một số bạn bè đua đòi trở thành nhà đầu tư. Ban đầu Hạnh chọn mua cổ phiếu Sacombank và đã thắng chút đỉnh. Thế nhưng sau đó thua dài dài đến quyết định dừng hẳn.

Khi được hỏi về quyết định đầu tư hiện tại, Hạnh nhận xét: “Bây giờ là thời kỳ khó khăn vì thị trường đang đi ngang, có khi lại xuống thấp, mua vào rủi ro cao, bán ra lại rất khó. Tôi ngừng mua bán trong thời điểm này”.

Cô cũng cho rằng, không nên quá tin vào những nhận định chủ quan của nhiều đơn vị kinh tế gần đây mà mua đứt bán đoạn cổ phiếu. Lý do là chuyên gia chỉ phân tích sự chuyển đổi lâu dài chứ không chỉ ra ngày mai cổ phiếu nào sẽ tăng.

Tuy nhiên, Hạnh khuyên như một nhà chiến lược: “Nếu chơi cổ phiếu theo kiểu con bạc đỏ đen thì đây là thời điểm ngừng lại. Thị trường lúc này chỉ dung nạp những người có tầm nhìn xa và đầu tư lâu dài".

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cũng nhìn nhận, có không ít nhà đầu tư sinh viên trên các sàn giao dịch chứng khoán. Đối với ông, sinh viên ngành tài chính ngân hàng mà chơi chứng khoán là quá tuyệt, phù hợp và cần thiết cho kiến thức đang học ở trường.

Tuy nhiên, theo ông, sinh viên thường còn phải lệ thuộc vào gia đình, chưa trực tiếp làm ra tiền nên muốn ra sàn chứng khoán phải vay mượn tài chính ở nhiều nơi.

Do đó nếu chạy theo đầu cơ, ăn dầm nằm dề với thua thiệt thì nhà đầu tư sinh viên sẽ không theo kịp giới chuyên nghiệp, bởi không đủ vốn và kiến thức.

Ông Nam nhấn mạnh, sinh viên nên dừng ở mức đầu tư chứng khoán như cách học hỏi, tiếp cận thị trường: "Nếu không, sàn giao dịch chứng khoán với rất nhiều cám dỗ về tài chính, khả năng thắng thua như canh bạc, có thể sẽ khiến các em bỏ học, vay mượn, nợ nần...".

Theo VnExpress