Sinh viên Mỹ thiếu kỹ năng sống

Evan Diamond, một sinh viên Mỹ mới ra trường, đã tìm ngay được việc làm trong lĩnh vực truyền thanh. Nhưng anh cũng sớm bỏ việc vì sự nghiệp không thăng tiến nhanh như anh mong đợi.

“Mọi thứ không diễn ra giống như tôi lập kế hoạch”, Diamond nói. Mong muốn nhanh chóng có một cuộc sống tốt đẹp là một đặc điểm nổi bật trong thế hệ của Diamond. Để đối mặt với những mối lo âu xuất phát từ những mong đợi không thực tế, nhiều người trong số họ đã phải tìm đến những nhà tư vấn đời sống.

 

Ở Mỹ, trước đây, các nhà tư vấn đời sống là những người đưa ra những lời khuyên lạc quan giúp những giám đốc điều hành đang gặp nhiều phiền muộn lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Nhưng ngày nay, những thanh niên bình thường nhất cũng tìm đến họ. Dưới góc nhìn xã hội, đó là một điều tự nhiên đối với một thế hệ thường xuyên chứng kiến bố mẹ mình trả tiền cho người khác để giải quyết những vấn đề rắc rối.

 

Theo ABC News, phương châm của thanh niên Mỹ ngày nay là: “Tôi luôn muốn đạt được nhiều thứ hơn và nhanh hơn, tôi sẵn sàng dùng người khác giúp tôi làm điều đó”. Theo đó, một ngành công nghiệp mới của những nhà cố vấn “hậu trường học” đã ra đời và nhanh chóng lớn mạnh.

 

Vô số quyển sách, hội thảo, tranh luận trên Internet đưa ra lời khuyên cho thế hệ trẻ từ việc làm thế nào để đối phó với một cuộc gọi lạnh nhạt đến ăn nói ra sao khi bạn bước chân vào một môi trường mới. Truyền hình cũng sớm nhập cuộc. “Làm thế nào để “tóm” được một anh chàng” là tên gọi một show truyền hình mới của ABC vừa được mở ra để các nhà tư vấn đời sống hướng dẫn các cô gái trẻ tìm được người bạn đời như ý.

 

“Những hướng dẫn giành cho thế hệ trước hoàn toàn không thể áp dụng cho giới trẻ hiện nay”, Marcos Salazar, tác giả của một cuốn sách về giải pháp cho những thanh niên gặp rối loạn trong cuộc sống phát biểu.

 

Các chuyên gia cho rằng những thanh niên tốt nghiệp đại học ngày nay rất khác biệt so với thế hệ cha mẹ của họ. Không phải họ không có được sự độc lập tương tự nhưng họ hoài nghi nhiều hơn. Thế hệ ngày nay được nuông chiều nhiều hơn, họ quá quen thuộc với những giáo viên phụ đạo do bố mẹ thuê hoặc những người hướng dẫn trong trường học.

 

Trudy Sopp, Giám đốc trung tâm tổ chức kỹ năng sống tại San Diego, nhận định: “Thanh niên Mỹ ngày nay không bị vất vả trong cuộc sống nhưng họ bị quá tải về thời khóa biểu và có ít thời gian để tự mình trải nghiệm. Họ đối mặt với những cạnh tranh quá cường điệu trong trường học. Tóm lại, cách nhìn nhận cuộc sống thường không thực tế”.

 

Abby Miller một nhà phân tích chính sách giáo dục bậc cao cũng cho rằng: “Thanh niên Mỹ không ngại nói về việc chinh phục thế giới, phát triển giấc mơ của bản thân, nhưng họ không thường xuyên nghĩ nhiều về những thách thức đang chờ đợi, do đó sớm phiền lòng khi cuộc sống không diễn ra đúng như theo ý muốn”.

 

Một yếu tố khác dẫn tới làn sóng đổ xô đến các nhà tư vấn đời sống chính là do các bậc cha mẹ. Những nhà quản lý nguồn nhân lực trên toàn nước Mỹ khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ đang can thiệp sâu vào công việc của con cái. “Các ông bố, bà mẹ cho rằng, con cái của họ sau 2-3 năm rời khỏi trường học không được tuyển dụng thỏa đáng”, Peter Morici, một nhà kinh tế học tại trường đại học Maryland và cũng là ông bố của một sinh viên mới ra trường, cho biết. “Họ muốn con cái của mình nhanh chóng ổn định công việc hơn bằng cách tìm đến các nhà tư vấn”.

 

Nhiệm vụ của các nhà cố vấn “hậu trường học” chính là báo trước tình trạng bấp bênh ở thị trường việc làm cũng như những bất cập có thể có trong mức thu nhập của các sinh viên khi ra trường. “Cần phải cho họ biết trước xu hướng tuyển dụng ở những nơi như phố Wall để tránh cho họ khỏi “vỡ mộng”, Peter Morici nói.

 

Những sinh viên mới khởi nghiệp như Diamond sau khi tham gia các cuộc hội thảo dù lạc quan nhưng đã bắt đầu biết cảnh giác hơn. “Tôi có một vài ý tưởng làm thế nào để tiến lên phía trước. Tôi có nhiều cơ hội nhưng để thành đạt mới là việc thực sự khó khăn”.

 

Theo Thu Lê
Ngôi Sao