Sinh viên miệt mài làm thêm kiếm tiền trong dịp Tết
Trong khi cậu bạn cùng phòng vác ba lô ra bến xe về quê thì Phạm Văn Thông, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lại chuẩn bị đi làm thêm quán sửa xe. “Về sớm cũng không làm gì, em tranh thủ kiếm ít tiền về tiêu Tết,” Thông vui vẻ nói.
Không chỉ có Thông, làm thêm dịp Tết cũng là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ.
Ảnh minh hoạ. (Tâm Tâm/Vietnam+)
Tính kế kiếm tiền
Thông kể, hí hoáy ngồi tra mạng mấy hôm, em mới tìm được địa chỉ một cơ sở sửa chữa xe cách trường không xa, mức thu nhập cũng khá nên liên hệ để xin đến làm.
Những ngày đầu chưa quen việc cậu còn lúng túng, các anh chị bảo làm gì thì làm theo, nhưng chỉ sau một tuần Thông đã thạo việc. Vì học chuyên ngành về cơ khí nên mấy thứ sửa chữa này không làm nản lòng chàng sinh viên trẻ tuổi.
Công việc ngày làm 8 tiếng, có ăn trưa và nghỉ 30 phút. Tháng này, Thông đã tích cóp được gần 3 triệu. Đó là khoản tiền không hề nhỏ với một cậu sinh viên lần đầu tiên đi làm thêm như Thông.
May mắn tìm được công việc đúng chuyên ngành khiến Thông đam mê hơn, thậm chí còn xin làm tăng ca, thêm giờ để kiếm thêm chút đỉnh, vì ở lại đồng nghĩa với những chuyến xe về quê muộn, ăn ở sinh hoạt phải tự túc, nên phải tính toán sao cho khỏi phí khi quyết định nán lại ở thủ đô.
Giống như Thông, Thu Hoài, cô sinh viên trường Học viện Ngân hàng, quê Hải Dương, cũng tranh thủ dịp Tết đi bán hàng cho cửa hàng thời trang gần chỗ trọ kiếm thêm tiền, dành đóng học phí cho kỳ sau.
Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên trong năm học, Hoài đi làm gia sư. “Nhưng dịp này, học sinh đã thi xong, tâm lý phụ huynh đều muốn cho con nghỉ ngơi sau một kỳ học căng thẳng, nên ít người thuê, em đành tính “kế” khác,” Hoài vui vẻ cho biết.
Tuy nhiên, theo Hoài, thời điểm kinh tế khó khăn chung, để tìm được một công việc như ý không hề dễ. Trên các trang mạng đều tuyển người có kinh nghiệm, nếu nhận sinh viên thì cũng với giá bèo bọt. Tình cờ, một hôm lang thang qua mấy cửa hàng gần nhà, Hoài thấy biển tuyển nhân viên bán hàng nên ghé vào hỏi thử.
Với vóc dáng thanh mảnh, ưa nhìn, tính tình hoạt bát lại có tài ăn nói, cô sinh viên ngành tín dụng được nhận vào làm ngay với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Cô nàng tính toán chỗ làm gần nhà nên bớt được khoản tiền xe buýt, tính ra, tiết kiệm được 10.000 đồng mỗi ngày. Giờ làm việc bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, phụ cấp 2 bữa ăn. “Ngoài ra, nếu bán được hàng còn thêm khoản hoa hồng chia theo doanh số nữa. Nếu kỳ sau sắp xếp được lịch học em sẽ xin làm theo ca, gánh bớt tiền học phí,” Hoài hớn hở nói.
Một công… đôi việc
Không chỉ có thêm thu nhập, đi làm thêm dịp Tết cũng là cách để sinh viên bước ra khỏi “tháp ngà” của giảng đường đại học để có thêm vốn sống.
Hoài chia sẻ, việc bán hàng đã giúp em trưởng thành hơn khi phải va chạm với rất nhiều người, thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội.
Có lần gặp khách khó tính, đòi thử hết đồ này đến đồ khác, rồi chê lên chê xuống, dù khá ức chế nhưng em vẫn phải cố gắng kiên nhẫn, vui vẻ, niềm nở. Lại có hôm cả ngày gần như không bán được gì. Thấy em buồn buồn thì chị chủ hàng bảo: đó là bình thường, cũng như cuộc sống không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái.
“Chỉ là những chi tiết rất nhỏ nhưng nó giúp em vỡ vạc ra rằng phải biết chấp nhận những thất bại một cách nhẹ nhàng,” cô sinh viên trẻ nói đầy triết lý.
Đi làm, được trưởng thành hơn cũng là chia sẻ của Thông. Theo cậu bạn này, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó thì công việc cũng không đến mức nặng nhọc quá sức. Điều quan trọng là từ khi đi làm, cậu đã bỏ được tính nhút nhát của mình và sống hòa đồng hơn với mọi người.
“Hơn nữa, đây là cơ hội thực tế hữu ích. Ở trên trường, tuy học về cơ khí nhưng hiếm khi được sờ tới máy móc, ốc vít. Sinh viên cơ khí nhưng hồi đầu đi làm, em vặn ốc còn bị ngược chiều,” Thông vui vẻ cho biết.
Có lẽ cũng vì muốn trải nghiệm cuộc sống ở một góc độ khác nên nhiều bạn sinh viên gia đình khá giả cũng vẫn đăng ký đi làm thêm.
Trường hợp của cô sinh viên Phạm Thị Điểm, quê Vĩnh Phúc, là một ví dụ. Không nặng về tài chính nên Điểm chọn một công việc khá đặc biệt, không đem lại thu nhập cao nhưng lại đòi hỏi nhiều công sức là quét rác.
Giữa tiết trời giá rét của mùa đông Hà Nội nhưng hàng ngày, Điểm phải dậy từ 4 giờ sáng, tranh thủ ăn uống thật nhanh để đi quét dọn cùng các chị, các cô, có hôm lọ mọ đến 23 giờ khuya mới về đến phòng trọ.
Lý giải cho sự lựa chọn này, Điểm cho biết: “Công việc không phân cao, thấp, sang, hèn, miễn là kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình. Khi làm việc, mình biết trân trọng những đồng tiền tự tay kiếm được.”
Rồi giọng trầm ấm hơn, Điểm bảo, điều lớn nhất em học được khi đi làm một trong những công việc bình thường nhất này là biết trân trọng cuộc sống và những người xung quanh mình. “Làm công nhân quét rác đa số là những người có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng họ lại rất yêu đời và tốt bụng. Ở với các chị, các cô, các bác em mới hiểu mình rất hạnh phúc khi có bố mẹ lo cho mọi thứ, được học hành đến nơi đến chốn và được yêu thương,” Điểm xúc động.
Cũng theo cô sinh viên này, trong khi nền giáo dục Việt Nam vẫn còn nặng về kiến thức sách vở, ít thực hành thì đi làm thêm là một cách tốt nhất để mỗi sinh viên tự trang bị vốn thực tế cho mình. Đó cũng chính là lý do để cô cũng như rất rất nhiều các sinh viên khác luôn tìm cơ hội để thử sức, và để biết rằng cuộc sống muôn màu.
Theo Mai Tâm
Vietnam+