Sinh viên “mặc nhiên”…
(Dân trí) - Có trường còn treo trên mỗi cột đèn một tấm biến ghi rõ: “Thực hiện nếp sống văn hoá, làm đẹp cho trường, cho mỗi chúng ta” nhưng trên ghế đá, họ vẫn mặc nhiên tâm sự, ôm ấp, thể hiện tình cảm như trong công viên mà không hề ngại ngùng một điều gì.
Giảng đường đại học là nơi để các sinh viên học tập, là môi trường văn hoá đào tạo những tri thức tương lai. Nhưng bên cạnh những điều đó nhiều giảng đường đang tồn tại những hình ảnh trái ngược với văn hoá của môi trường sư phạm… “Tác giả” của những hình ảnh đó là những sinh viên không coi trọng việc học, họ đến giảng đường chỉ là để “chơi” hay thực hiện “nghĩa vụ” cho gia đình.
Bước chân vào cổng trường đại học, các tân sinh viên bước sang một môi trường mới khác nhiều so với trường phổ thông. Các cậu ấm, cô chiêu không còn chịu sự quản lý khắt khe từ việc ăn mặc, đầu tóc tới chuyện học hành... Cũng bởi từ sự thoải mái tự do ấy mà giảng đường ngày càng mang nhiều “màu sắc” mới, những cách thể hiện táo bạo của sinh viên hiện đại.
Đa phần họ đều cho rằng khi bước chân vào giảng đường đại học họ đã trưởng thành và lúc này họ có quyền lựa chọn cho mình một phong cách riêng. Đó là quyền được thể hiện cái “tôi” trong nhịp sống hiện đại. Và như vậy, những bộ cánh mới nhất, sành điều nhất, những kiểu tóc lạ nhất, “độc” nhất cứ đua nhau xuất hiện trên giảng đường…với cách thể hiện này của mình họ đã làm cho nhiều người nhầm tưởng giảng đường là sàn diễn thời trang.
Bên cạnh những sinh viên ngày ngày đèn sách vẫn tồn tại rất nhiều sinh viên lên giảng đường chỉ để “đua đòi” vui chơi. Chuyện đua nhau “tậu dế độc”, đi “ xe sang” …đang ngày càng phổ biến và lan tràn mạnh mẽ tại hầu hết các trường đại học. Thậm chí, cảnh tượng khiến nhiều người không khỏi sửng sốt. Đó là những pha tình nhân sinh viên “ hồn nhiên” bày tỏ tình cảm ngay giữa giảng đường, khuôn viên hoặc ký túc xá.
Những trường có khuôn viên rộng thì chuyện “giảng đường trở thành công viên” xuất hiện nhiều năm nay. Mặc dù nhà trường đã có nhiều biện pháp hạn chế, có trường còn treo trên mỗi cột đèn một tấm biến ghi rõ hàng chữ “Thực hiện nếp sống văn hoá, làm đẹp cho trường, cho mỗi chúng ta” nhưng trên ghế đá, họ vẫn mặc nhiên tâm sự, ôm ấp, thể hiện tình cảm như trong công viên mà không hề ngại ngùng một điều gì.
Các cặp tình nhân sinh viên hầu như sáng sáng, chiều chiều vẫn ra tình tự trên những chiếc ghế đá như vậy, người cũ thì quen chỗ, người mới thì hơi e dè nhưng một lần rồi cũng quen. Họ “hồn nhiên” như thể đang ở một nơi chỉ có 2 người. Có lẽ với họ giảng đường, khuôn viên và công viên không khác là mấy.
Những vấn đề nảy sinh trong lối sống của nhiều sinh viên làm các bậc phụ huynh, xã hội thực sự lo ngại. Văn hoá giảng đường cần phải được báo động trước khi mang lại nhiều hệ luỵ đáng tiếc.
Huy Tuấn