Sinh viên làm ôsin
Nhu cầu tuyển sinh viên giúp việc nhà đang nổi lên, chiếm đến 20% số việc làm thời vụ như tiếp thị, dạy kèm, bán hàng, phát tờ rơi... Sinh viên cũng nhanh chóng thích ứng với cái nghề vốn không được xem trọng này.
Nỗi niềm lắm!
Minh A., sinh viên năm 2, chuyên ngành kinh tế, trước có thời gian làm gia sư, do phải phụ thuộc thời gian vào việc học nên chuyển sang nghề giúp việc nhà. Không như nhiều bạn khác, A. “không hề cảm thấy khó chịu khi bạn bè biết chuyện đi làm. Xin được chỗ tốt, mình báo cho bạn bè và điện thoại về quê khoe mẹ. Mỗi tháng kiếm được 600.000đ, tôi sung sướng vì đã tự lực tiền thuê nhà, ăn uống, sách vở…”
Cô còn cho biết, gia đình chủ cũng rất tôn trọng, động viên, để A. sắp xếp cuộc sống khoa học hơn. Dù thế, qua 5 tháng làm việc nhà, cũng có mấy lần cô sụt sùi, tủi thân, nhất là khi thấy gia đình chủ quây quần vui vẻ bên mâm cơm khiến A. chạnh lòng nhớ nhà.
Còn Thu H., Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, lại khác. “Không biết hên hay xui mà mình lọt vào gia đình sống bằng đô la Việt kiều. Gia đình chủ ít việc nhưng cả nhà đều lười, cứ dồn hết cho mình. Ông chủ còn tin tưởng, giao thêm nhiệm vụ dạy bảo hai thằng quý tử tinh nghịch. Có lần chúng giật ghế làm mình té lăn ra nền gạch, rồi chúng phá lên cười, giận quá định nghỉ nhưng lại thôi”.
H. cho biết, nhìn chung, công việc ở đây khá thoải mái, phù hợp khả năng và “cátxê” hậu hĩnh: đến 10.000 đồng/giờ. Tuy thế, H. vẫn sợ bạn bè phát hiện. Có đứa cảm thông, có đứa ác ý gọi là con ở đợ hay ôsin trá hình.
Có ăn đứt chuyên nghiệp?
Cô Mi, nhà ở đường Lê Văn Sỹ, Q. 3, cho biết đã nhận nhiều người giúp việc nhưng hài lòng nhất là Trang, sinh viên trường KTCN. Cứ mỗi chiều, Trang đạp xe đến làm khoảng 3 giờ với giá 5.000đ/giờ. Do gia đình cô Mi ít người nên công việc cũng khá nhàn.
Hàng ngày, Trang chỉ vệ sinh phòng ốc, phụ nấu ăn và dọn dẹp. Tuy không quen việc, chậm chạp nhưng cô Mi thích chọn sinh viên hơn vì họ có giáo dục. “Có kiến thức thì làm việc gì cũng trôi chảy, dễ dàng hơn. Với lại em Trang lại biết việc, năng động, thật thà và ít nói”.
Hài lòng với cô giúp việc đảm đang của mình, chị Diệp, ở đường Cách Mạng Tháng 8, Q. Tân Bình còn tìm thêm một bạn sinh viên để giúp việc ở nhà con chị. Tiêu chuẩn chọn người giúp việc của chị là hiền ngoan, dễ thương để giúp chị giải quyết công chuyện, nhận bill và thanh toán tiền điện nước.
“Tôi thấy tin tưởng vào sinh viên hơn”, cô Thu Hà, cán bộ trường dân lập Ngoại ngữ tin học, đánh giá. Từng tuyển ba sinh viên giúp việc, cô kinh nghiệm: “So với các việc làm thời vụ khác, giúp việc nhà cũng khá phù hợp với sinh viên vì công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không đòi hỏi ngoại ngữ, ngoại hình và nhiều thời gian như bán hàng, cũng không có áp lực về kết quả như dạy kèm, tiếp thị...”.
Trong nhờ, đục... rút
Mỗi ngày, Thơm - Đại học Hùng Vương, chỉ cần dậy sớm một chút để quét nhà, tưới cây cho chị Lý là đủ đóng tiền thuê nhà hàng tháng. Chị Lý hướng dẫn tỉ mỉ từ cách sử dụng những đồ gia dụng hiện đại, cách sắp xếp bài trí nhà cửa đến lề lối cư xử của con gái.
Xem sinh viên như con cháu trong nhà, chị luôn động viên để các bạn xoá bỏ mặc cảm, thái độ thu mình và khép nép vốn có. Chị Lý bù đắp bằng cách cho Thơm nhiều sách báo, thậm chí cho mượn máy vi tính để làm luận văn tốt nghiệp.
Không may mắn như Thơm, M. H., sinh viên đại học Khoa học xã hội và nhân văn, kể rằng cô bị chủ nhà xem thường và bóc lột sức lao động. Gần hết giờ, bà Hai, ở Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, tranh thủ dồn cho cô hàng đống công việc. Mỗi khi nhà có đám tiệc, công việc nặng nhọc gấp đôi mà bà Hai vẫn chấm bấy nhiêu lương.
Có hôm M. H. vừa lau nhà xong, quay lại đã thấy đầy rác rưởi, xương xẩu tuôn ra từ tô cơm của mẹ con bà Hai. Khi M. H. phản ứng thì bà chửi như tát nước: “Thế tôi bỏ tiền ra thuê để cô ngồi làm kiểng à?”. Tức giận M. H. định nghỉ việc nhưng lại tiếc chưa lãnh lương. Cô ngậm bồ hòn làm ngọt, vừa lau nhà vừa khóc. Cô cũng chẳng tâm sự được với ai vì không cho bạn bè biết mình đi làm.
Dần dà, M. H. ngả vào vòng tay an ủi của... chú Hai. Ông đã quá chán bà vợ già đanh đá nên càng bị quyến rũ bởi nét xinh xắn, dịu dàng, phơi phới của cô ôsin áo trắng. Về phần mình, M. H. cố chăm sóc ông chủ, đấm lưng và giặt cả quần áo lót, để tìm cơ hội đổi đời như lời ông hứa: cấp cho số vốn hoặc giới thiệu cô làm việc ở công ty nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
Ý định của cô là làm cho bà chủ phải điêu đứng. Đến khi bà Hai bắt gặp lá thư hẹn hò dưới gối của ông, M. H. buộc chấm dứt công việc ngay lập tức.
Đề cập đến vấn đề nhạy cảm này, chị Lý - người có nhiều kinh nghiệm trong việc thuê người giúp việc cho rằng: đó là chuyện đương nhiên xảy ra trong tiếp xúc giữa những người khác phái. Trường hợp có vấn đề xảy ra giữa sinh viên giúp việc và ông chủ không hiếm gặp. Huống chi nữ sinh viên còn trẻ, nhiều bạn lại xinh xắn, duyên dáng.
Do chỉ làm việc ngắn hạn, không chút ràng buộc nên khi có dấu hiệu bất ổn, nữ sinh tự bảo vệ mình rất dễ. Chiêu hay nhất là rút lui. Nếu cứ cố tình duy trì thì đó là lỗi của cả hai bên.
Còn chị Thu Hà tuy không bị “sốc” bởi chuyện “rơm gần lửa” nhưng cũng từng gặp một tình huống bất ngờ. Cô sinh viên giúp việc làm mới hai ngày đã vội xin nghỉ việc với lý do thi cử và thực tập xa. Mấy hôm sau, cậu con trai 11 tuổi của cô Hà định nhét tiền tiết kiệm vào con vịt sắt thì bất ngờ thấy khoá bung ra từ lúc nào. Bên trong không còn một đồng.
Kể về sự cố nhỏ nhưng đáng tiếc này, chị Hà nói: “Đây chỉ là một con sâu làm rầu nồi canh. Còn thực tế đa phần các nữ sinh viên rất trung thực, chịu khó, đáng được các gia đình tạo điều kiện giúp đỡ để kiếm thêm tiền cho chuyện học hành”.
Theo Diệu Hiền
Sài Gòn Tiếp Thị