Sinh viên háo hức đổi đồ vì môi trường xanh
(Dân trí) - Sách, quần áo, máy tính bỏ túi, đồ sạc điện thoại cũ tưởng chừng như không còn hữu dụng đã trở thành những món hàng trao đổi thú vị trong chương trình đổi đồ được tổ chức hôm qua (15/5) tại Cung văn hóa Lao động.
Bạn Nguyễn Thị Hương, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế có mặt từ rất sớm và mang theo đống quần áo cũ mà bạn không mặc vừa. Ngay sau khi đổi được 125 điểm từ đống quần áo đó, Hương háo hức tìm đến những gian hàng khác để đổi món đồ mình đang cần. Chen trong đám đông tại gian hàng sách cũ, Hương hớn hở khoe: “Em đổi được 2 quyển sách rất hay mà lâu nay đang tìm”.
Vừa đổi được món đồ mình thích, bạn Minh Quang, sinh viên trường ĐH Ngân hàng vui vẻ cho biết: “Chương trình này thật ý nghĩa khi những món đồ mà mình không cần nữa thì người khác lại cần và ngược lại.”
Hoạt động đổi đồ mà các sinh viên tham gia chỉ là một phần của chương trình do các sinh viên kinh tế tổ chức. Đổi đồ cũ Mottainai vốn một nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản đã lan tỏa ra nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Từ hoạt động này, các bạn rút ra được một bài học là trao đổi những tài nguyên sao cho hiệu quả và tiết kiệm.
Bạn Thiều Thị Thúy, sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế, thành viên nhóm Sáng tác sinh viên kiêm vai trò thành viên Ban tổ chức chương trình cho biết: “Hiện tượng trái đất nóng lên, khí hậu thay đổi là điều mà mọi người phải quan tâm. Chúng em hi vọng từ đây khơi gợi ý thức xanh, bảo vệ môi trường đã vốn có trong mỗi người để từ đó cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường và xây dựng trái đất ổn định”.
Vấn đề “Phát triển bền vững” là một nội dung mà các sinh viên chuyên ngành kinh tế đều được học đến. Tuy nhiên, khi làm kinh tế, nhiều người đã bỏ qua chuyện và thậm chí đôi khi còn làm tổn hại đến môi trường. Mặc dù hiện nay đã có những doanh nghiệp thành công khi biết gắng liền với bảo vệ môi trường cho cộng đồng nhưng đa phần thì chưa ý thức được điều này.
“Vấn đề rất khó nhưng chương trình này chúng mình chỉ làm những điều nhỏ nhất là khơi gợi trong mỗi sinh viên kinh tế ý thức với cộng đồng xung quanh. Thay đổi ý thức và thói quen của sinh viên vì chính các bạn ấy là những nhà doanh nghiệp trong tương lai”, bạn Thúy bày tỏ.
Đúng như tiêu chí ngày hội xanh, ngoài đổi đồ, khi đến tham gia lễ hội, mọi người còn được tham quan và học cách làm các món hàng tự chế từ gian hàng Handmade. Thật bất ngờ khi những chiếc vòng tay, vòng cổ, đồng hồ, chuông gió … rất dễ thương lại là sản phẩm từ những vỏ bia, giấy, dây, vỏ hộp, vỏ chai nhựa….tưởng chừng như không thể sử dụng được.
Cạnh đó, câu lạc bộ thư pháp của ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng mang đến một gian hàng toàn những chữ viết thư pháp bảo vệ môi trường. Còn câu lạc bộ CYM thì triển lãm bản đồ tư duy mindmap về môi trường đầy màu sắc và sống động.
Có mặt tại ngày hội, anh Phan Ngọc Anh, phó bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế không khỏi tự hào về sinh viên trường mình: “ Khi các bạn nhóm “Sáng tác sinh viên” trình bày ý tưởng tổ chức chương trình thì chúng tôi thấy rằng đó là ý tưởng rất tốt. Vì thế, trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em tổ chức”.
Anh Ngọc Anh cũng cho biết, trường cũng đã đẩy mạnh xây dựng chương trình “Văn hóa giảng đường” suốt 2 năm qua. Những hoạt động này góp phần giúp các sinh viên ý thức được vai trò của mình đối với môi trường hiện tại và hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Lê Phương