Sinh viên Hà Nội hát chèo "từ sân đình về sân trường”
(Dân trí) - Đêm gala nghệ thuật truyền thống "Chèo 48h - Chèo từ sân đình về sân trường" vừa diễn ra vào tối ngày 14/1 tại hội trường ký túc xá Mễ Trì, Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Dự án "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" được bắt đầu từ năm 2014 với sứ mệnh truyền cảm hứng về văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại. Năm 2017, những bạn trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống đã triển khai kế hoạch "Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình về sân trường".
Tham gia dự án, các bạn trẻ được theo học lớp học chèo không chuyên có tên “Chèo 48h”. Cái tên “Chèo 48h” xuất phát từ thời gian mỗi học viên dành cho khóa học, 16 buổi, mỗi buổi 3 giờ.
Với thời gian ngắn ngủi như vậy, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các sinh viên tham gia đã được tiếp xúc một cách khá toàn diện với nghệ thuật chèo.
Qua hơn 3 tháng học hỏi, các bạn sinh viên phần nào đã hiểu hơn, yêu thích hơn những nét đẹp của nghệ thuật dân tộc. Chương trình gala "Chèo từ sân đình về sân trường" là điểm nhấn của dự án, nơi các bạn sinh viên thể hiện những điều đã học hỏi trong thời gian đồng hành cùng dự án trên sân khấu chuyên nghiệp.
Chương trình đã công diễn 6 tiết mục ở 3 bộ môn nghệ thuât: Chèo, Hát xẩm, Chầu văn với các trích đoạn đặc sắc như: Hát xẩm “Sướng khổ vì chồng”, “Quê choa”, Chèo “Nô, Màu, Phú ông”, “Sa Lệch Chênh” và 3 giá hầu đồng “Chầu Bé Bắc Lệ”, “Ông Hoàng Bảy” và “Cô Sáu”.
Các tiết mục đều do các học viên, phần lớn là sinh viên không chuyên biểu diễn dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam.
2 chàng trai trẻ tự tin vào vai người dẫn truyện với loại hình hề chèo “khó nhằn”
Bằng tình yêu với văn hóa dân gian, các bạn sinh viên đã đem đến một không gian nghệ thuật truyền thống trên một sân khấu hiện đại. Các bạn đã tiếp lửa cho nghệ thuật dân tộc, bảo tồn và phát huy di sản tinh thần cha ông để lại theo cách riêng của thế hệ trẻ.
Dù là những tiết mục biểu diễn của các “nghệ sĩ” nghiệp dư, thế nhưng, chương trình đón nhận được đông đảo sự quan tâm. Theo dõi từ đầu đến cuối chương trình, bác Vũ Thùy Thanh chia sẻ: “Sau đêm diễn, tôi cảm thấy rất vui bởi lẽ thế hệ trẻ đã bắt đầu đam mê nghệ thuật cổ truyền của cha ông để lại.
Hơn thế nữa, chỉ với 16 buổi, nhưng các bạn đã có thể biểu diễn trên sân khấu tương đối tốt. Tôi bày tỏ niềm cảm phục tới các bạn trẻ ngày hôm nay”.
Một trích đoạn trong vở chèo kinh điển Lưu Bình – Dương Lễ, khi Lưu Bình gặp Châu Long được 2 bạn trẻ thể hiện đầy tình cảm
Trích đoạn Nô, Màu, Phú ông trong vở Quan âm Thị Kính nổi tiếng được 2 diễn viên không chuyên “tung hứng” đầy sôi nổi trên sân khấu
Những nữ sinh xinh xắn hoàn toàn nhập tâm với giai điệu chèo truyền thống.
Hồng Minh