Sinh viên “đốt” ngày lễ với những trò vô bổ, hại thân

(Dân trí) - Trong khi nhiều sinh viên tận dụng kỳ nghỉ lễ dài ngày vào những hoạt động, vui chơi có ích, thì một số người lại “đốt” thời gian quý báu đó vào không ít trò vô bổ, thậm chí còn hại thân.

Kêu than không có tiền để về quê thăm nhà, để đi du lịch hay chí ít là đi xem phim trong những ngày lễ… nhưng chính những SV đó lại dư giả để “ngập mình” trong các cuộc vui vô bổ như tụ tập nhậu nhẹt, đánh bài, đi chơi đêm, ghi lô đề… Thậm chí ngày lễ được xem là dịp “xả phanh” nên họ chơi với cường độ cao hơn bất cứ lúc nào.

Các khu trọ SV ở quanh các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM như ĐH Sài Gòn (Q.5), ĐH Ngoại thương, ĐH Khoa học Kỹ thuật Công nghệ, Văn lang (Q. Bình Thạnh), ĐH Công nghiệp TPHCM, CĐ Bách Việt (Gò Vấp)… trong kỳ nghỉ lễ vắng vẻ hơn ngày thường rất nhiều. Hầu hết SV đều có những kế hoạch rời phòng trọ trong ngày nghỉ lễ như về quê thăm gia đình, tham gia hoạt động từ thiện, du dịch với bạn bè hay tranh thủ đi làm thêm... Còn những SV ở lại có không ít thú vui cho mình.

Sinh viên “đốt” ngày lễ với những trò vô bổ, hại thân - 1

Không có tiền đi du lịch, về quê nhưng nhiều SV không ngại việc “đốt” tiền cho những bữa nhậu

Bề ngoài khu trọ khá yên ắng như vậy nhưng rất nhiều “cơn sóng ngầm” trong ngày lễ. Sau ngày lễ đầu tiên, dù đã hơn 10 giờ trưa, tại nhiều dãy trọ nằm trong hẻm 20 Nguyễn Xí (Bình Thạnh), nhiều phòng vẫn chốt kín cửa chưa có dấu hiệu SV ngủ dậy. Hỏi ra mới hay, cả ngày hôm qua, nhiều SV ở đây tụ tập nhậu nhẹt đến tận sáng nên giờ… ngủ dưỡng sức để tối lại tiếp tục chinh chiến.

Vừa ngáp ngắn ngáp dài giặt vội đống quần áo, T (SV ĐH GTVT TP.HCM) cho biết đêm qua, dân cư khu trọ chỗ mình hò nhau uống đến 4 giờ sáng nên giờ ai cũng lờ đờ. Thế nhưng “Có đi phải có lại, hôm qua nhậu ở phòng thằng Quang, tối nay sẽ đến lượt phòng mình”.

Hỏi sao nghỉ lễ không tham gia những hoạt động hay vui chơi khác có ích hơn, T thanh minh: “Cũng có mấy đứa bạn rủ đi du lịch nhưng không có tiền đóng 300.000 đồng nên đành ở nhà”. T nói như vậy nhưng rõ ràng mỗi bữa nhậu T tham gia, mà tối nay đến lượt cậu là “chủ chi” chắc chắn không kém hơn số tiền trên.
 
Đơn giản theo lý lẽ của T đồ nhậu có thể mua nợ chủ tạp hóa ở đầu ngõ nhưng tiền mặt thì cậu không có. “Thường ngày cuối tuần bọn em cũng nhậu. Nhưng nhậu đơn giản hơn, có gì uống nấy, chỉ ngày lễ mới sang thế này”, T nói thêm.
 
Sinh viên “đốt” ngày lễ với những trò vô bổ, hại thân - 2

Cờ bạc là một cách “giết thời gian” nguy hại vẫn được nhiều người tận dụng cho ngày nghỉ lễ (Ảnh minh họa)

Rẽ sang một khu trọ khác ở đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp)… thì thú vui được nhiều SV cả nam lẫn nữ ở đây kết nhất chơi lô tô. Cả chục người ngồi trải dài từ một phòng trọ ra ngoài sân cùng chúi đầu kiểm tra những con số. Người “cân” (thắng) thì hét lên sung sướng, ăn tiền của những người còn lại còn những người thua thì tỏ ra bức xúc, buông lời khó chịu.

Ngày thường, họ chỉ chơi cho vui hoặc chơi mức tiền nhỏ thì ngày lễ là phải… chơi thật, mức tiền chơi cao nên không đơn thuần chơi giết thời gian mà còn cả sự thắng thua. Khi thua số tiền mất không hề nhỏ nên mọi người càng “hăng”, chơi liên tục từ sáng đến tối, chỉ đến khi ai đuối sức thì nghỉ.

Phương (quê ở Ninh Thuận) cho hay mình rất muốn về quê nhưng sợ tốn kém nên đành ở lại. Cũng có nhóm bạn rủ đến mái ấm trao quà cho trẻ em nghèo nhưng Phương từ chối. Thậm chí Phương còn than: “Không muốn đi đâu vì chả có tiền. Chờ trúng lô tô sẽ đi xem bằng được bộ phim mới ra mắt ngoài rạp”.

“Được mấy ngày nghỉ ở nhà chơi cho sướng, đi làm từ thiện gì cho phí”, một cậu SV đang xếp lại bảng lô tô lên tiếng thì mới hiểu lý do Phương và một số SV ở đây thà ở nhà chơi bài bạc còn hơn tham gia các hoạt động xã hội.

Không thích trò lô tô “trẻ con”, một số SV khác tại khu trọ này lại dành tiền tiêu trong kỳ nghỉ lễ để ghi lô đề. Được nghỉ, họ lượn lờ tại những quán nước đầu ngõ để bàn luận về lô về đề. Tiền ghi lô đề trong những này của nhiều SV cao hơn hẳn, có lúc lên đến hàng trăm nghìn cho một con số dù họ luôn kêu chẳng có tiền để đi du lịch hay đi mua sắm.

Thế nên mới có chuyện, sau kỳ nghỉ lễ là có nhiều cô cậu vỡ nợ. Tiền đi chơi, về quê không có chứ tiền đánh bài, ghi lô đề cả triệu… Ham mấy trò đỏ đen hại thân, sau lễ  nhiều SV phải chạy vạy nợ nần, nợ tiền phòng, thậm chí còn phải “cầm hơi” để sống.

Bài và ảnh: H.N