Sinh viên cầm đồ “chưng diện” Tết

(Dân trí) - Với bộ cánh mới, mái tóc xoăn bồng bềnh, Thủy hí hửng khoe bạn bè là để có “bộ dạng” này về quê ăn cô đã cho đi… cả triệu bạc. Thủy không cần khoe thì mọi người cũng biết vì màn hình máy tính LCD của cô đã yên vị ngoài… hiệu cầm đồ.

Trước khi lên đường về quê ăn Tết mỗi sinh viên lại có một “hành trang” của mình. Đã là Tết thì ắt có nhiều khoản phải chi, nếu như trợ cấp vẫn không tăng, không ít bạn chọn phương án xách đồ đi cắm. 

Từ cầm thật…

Các hiệu cầm đồ quanh khu vực ký túc xá, trường học, khu đông sinh viên dịp áp Tết nhộn nhịp hơn vì đây cũng là thời điểm các thượng đế - phần đông là sinh viên - đang “giật” tiền chi Tết. Có muôn vàn lý do sinh viên cần tiền vào lúc này nhưng khác với ngày thường là chẳng phải cầm vì học phí đến hạn. Với nữ thì nhu cầu làm đẹp, mua sắm, còn cánh mày râu về Tết cũng phải có… đồng giắt túi để còn tụ tập với bạn bè.

Xách chiếc màn hình máy tính LCD, hãng ViewSonic ra gửi ở hiệu cầm đồ trên đường Láng lấy tiền đi “tút” lại nhan sắc đón tết, Thủy, sinh viên trường ĐH Luật thật thà: “Bố mẹ em khó lắm, chẳng cho thêm đồng nào đâu. Mà đã thành quen rồi, Tết là phải có quần áo, giày dép, tóc mới và đến tận cái móng tay cũng phải đẹp. Hai năm nay cứ dịp này em đều gửi đồ ngoài hiệu để lấy tiền làm đẹp. Về Tết góp tiền ra năm đi chuộc”.
 
Sinh viên cầm đồ “chưng diện” Tết - 1
Cuối năm, sinh viên đổ xô đi làm đẹp. (Ảnh: Hoài Nam).

 
Thủy giải thích như thể để mọi người hiểu không chỉ mình cô mới vào hiệu cầm đồ: “Cô bạn cùng phòng em cũng xách chiếc máy ảnh đi cắm lấy tiền “chưng diện” Tết. Cứ ra hiệu cầm đồ mà xem, tấp nập ấy chứ!”.

Xoay mọi cách mà vẫn không ra vài trăm sắm Tết vì cuối năm ai còn cho vay tiền, cuối cùng Th, cô nữ sinh ĐH Thương mại cũng làm liều tháo ổ cứng máy tính ra hiệu. Lần đầu đi cầm đồ, Th ngại còn nghĩ mình không dám vào. Cho đến khi ra hiệu cầm đồ trên đường Hồ Tùng Mậu, thấy nam nữ đủ cả, Th tự tin hẳn đưa ổ cứng ra “đấu giá”. Th nói: “Mình cần phải ép lại tóc này chứ thế này về quê bọn bạn cười vào mặt. Hơn nữa, còn phải mua cho đứa em đôi dày, cho mẹ chiếc áo mút nữa”.

Tiền trợ cấp đã hết mà  “nhậu” cuối năm vẫn chưa hết nên chẳng hề lăn tăn, Thành, ĐH Bách khoa đưa ngay chiếc ti vi bố mẹ sắm năm ngoái ra cắm được 1,2 triệu đồng. Thành tính: “Giờ đến ngày về ít nhất còn ba trận “tất niên”, sắm thêm chiếc quần bò hết khoảng 500 nghìn, trừ tiền xe cô về quê vẫn tha hồ cho mấy ngày Tết”.

Hỏi Thành ra Tết chuộc thế nào, cậu cười phớ lớ: “Tháng giêng là tháng nhiều tiền nhất nên lo gì không lấy được đồ. Mà đường cùng không lấy được thì… nhịn xem ti vi vậy”.

...đến cầm giả

Hiệu cầm đồ cuối năm tấp nập nhưng không phải sinh viên nào đến đây cũng cần tiền. Đây còn là mánh khóe của không ít sinh viên khi cần gửi đồ đạc để yên tâm ăn Tết.

Đây là năm thứ hai, dịp này sinh viên xóm trọ ở khu Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) lại rậm rịch đưa những đồ đạc có giá trị ra hiệu cầm đồ. Mang tiếng là cắm nhưng thật ra… “gửi đồ” thì đúng hơn. Họ không quan tâm đến số tiền mình cắm được, thậm chí cắm được càng thấp càng tốt vì sẽ gánh lãi nhẹ hơn.

Quân, ĐH Phương Đông thuê trọ ở đây cho hay: “Xóm trọ này chẳng an toàn tý nào, trước đâu đến Tết là cả xóm lại nhốn nháo tìm chỗ gửi đồ đạc. Nhờ có anh Hải trường Kinh tế bày chiêu “ra hiệu cầm đồ mà gửi” thế là cả xóm cùng cắm. Vừa an toàn vừa rẻ vì mình… cần ít tiền thôi”.
 
Sinh viên cầm đồ “chưng diện” Tết - 2
Không phải sinh viên nào đến hiệu cầm đồ cũng vì… cần tiền. (Ảnh: Hoài Nam).
 
Đưa xe máy và máy tính ra hiệu cầm đồ gửi nhưng Phong, ĐH Xây dựng có tình báo xe mình mất giấy tờ, còn máy tính thì bị hỏng nên toàn bộ cậu cắm được 1,5 triệu đồng. Phong nhẩm tính: “Lẽ ra phải cắm được 5 triệu đấy nhưng tớ phịa ra giấy tờ mất, máy tính hỏng nên chỉ được chừng ấy. Mỗi ngày 11.000 đồng tiền lãi, mình về một tuần cũng chưa hết trăm ngàn. Nếu mình gửi xe ở bãi trông xe, lại ngày Tết thì chỉ có chết tiền”.

Sinh viên mượn tạm hiệu cầm đồ để gửi đồ nên mới có chuyện một người lỉnh kỉnh đi cầm đủ thứ từ xe đạp, máy tính, ti vi mà chẳng mấy bận tâm đến giá trị mình cắm được. Tuy nhiên, chiêu này không phải lúc nào cũng “qua mặt” được các chủ hiệu cầm đồ.

Anh Khuyên, chủ một hiệu cầm đồ trên đường Khương Trung cho hay: “Đứa nào cần tiền, đứa nào nhờ gửi đồ mình biết ngay. Đứa cần tiền thì cắm được càng nhiều càng tốt, đứa gửi đồ thì… cháu cần ít thôi. Nhưng thây kệ, mục đích chúng cắm làm gì cũng mặc, ít nhiều gì thì cũng phải trả lãi”.

Tuy nhiên, “ký gửi đồ” không phải là không có xui xẻo. Mạnh, ĐH Quốc gia chia sẻ: “Năm ngoái, mình muốn gửi cây máy tính, lẽ ra được 1,7 triệu thì mình “chọt” vài lỗi cho hỏng nên chỉ được 500 nghìn. Tiền lãi chẳng đáng là bao, xem như mình có chỗ gửi đồ. Nhưng khổ nỗi, về Tết lộn xộn thế nào lại bị mất hóa đơn. Thế là mất toi luôn. Năm nay tớ không dám “chơi” trò này nữa, giờ còn chưa biết phải mang đồ gửi đâu”.

Hoài Nam