Sinh viên: Ăn sạch không bằng... ăn no!

(Dân trí) - Đầu tháng 3/2007, một công bố về tình trạng nhiễm giun của sinh viên trường ĐH Y Thái Bình khiến nhiều người giật mình về việc ăn uống vạ vật, cẩu thả của sinh viên. Đúng là phải “đi guốc” vào bụng sinh viên mới biết các cử nhân, kỹ sư tương lai ăn uống kém vệ sinh thế nào!

Trong số những nguyên nhân khiến đa số sinh viên mắc bệnh giun như: Không tẩy giun sán đúng định kì, chung đồ dùng, môi trường sống bẩn… thì nguyên nhân chủ yếu nhất là do việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

 

Tiện đâu, ăn đấy!

 

“Với sinh viên thì nhanh-gọn-tiện-rẻ là lựa chọn số 1, mà các quán ăn ở vỉa hè lại có tất cả những yêu cầu đó nên chúng tôi thích ăn là điều dễ hiểu thôi” - Long, SV năm thứ 3, ĐH Thuỷ lợi giải thích. 

 

Còn Chuyên (SV năm 2, Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho rằng: “Bất cứ ở đâu các quán ăn vỉa hè cũng là “người bạn đồng hành” tốt nhất cho dạ dày của sinh viên, nhất là với sinh viên báo chí như mình - thích lang thang, chơi bời nên cứ hễ đói bụng thì dù ở đâu, vỉa hè hay quán cóc cũng phải tìm cách cho nó (cái dạ dày) khỏi kêu đã rồi tính tiếp…”.

 

Mặc dù hiểu rất rõ nguyên nhân của các bệnh giun sán, ngộ độc thực phẩm là do việc ăn uống thiếu vệ sinh nhưng Hùng và Trung (SV năm nhất, Trường Y học Tuệ Tĩnh) vẫn thích ăn ở các quán vỉa hè vì “chưa bị đau bụng bao giờ, lại nhanh, không mất công nấu nướng nên chưa thấy sợ”.

 

Trong khi đó, đã từng vài lần nhóm “cạ cứng 7 người” của Lê Hương, ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) có đứa bị đau bụng mất mấy ngày liền vì ăn phải món cháo sườn ở phố Hạ Đình nhưng cả nhóm vẫn không chịu từ bỏ việc ăn uống, tụ họp ở các quán vỉa hè.

 

Hương kể: “Trong nhóm, hễ ai có gì mới, được học bổng hay có anh nào đang rình rập tán tỉnh là cả nhóm lại kéo nhau đi bù khú, ăn uống một trận no nê ở các phố ăn uống của sinh viên như Nguyễn Qúy Đức, Phùng Khoang, Triều Khúc… Có khi kéo nhau lên tận cổng trường Bách khoa. Đó là sở thích và thói quen của cả nhóm, nên chẳng thể từ bỏ được”.

 

Tuấn, ĐHGTVT không ngần ngại kể: “5 năm liền mình ăn cơm bụi. Lúc thì ăn ở căng tin KTX, khi thì đến quán cơm ở cổng trường. Mình ở KTX cách trường khá xa nên phải đi học bằng xe buýt, nhiều hôm đang đi đói quá lại rẽ vào quán bún bên đường ăn tạm một bát rồi nhảy xe đi tiếp”.

 

Xa nhà, sống tập thể, ký túc cấm nấu ăn thế là mọi sự no-đói, bẩn-sạch nhờ tất vào bàn tay của các “u” bán cơm bụi gần trường. Khảo sát các quán cơm bụi gần các trường ĐH ở Hà Nội cho thấy: 100% các quán rơi vào tình trạng mất vệ sinh, vi phạm an toàn thực phẩm. Thức ăn ê hề bày cả lên bàn cạnh mặt đường đầy bụi; bao nhiêu đồ dùng, bát đũa được rửa trong hai xô nước con con; rau sống, gia vị rửa cẩu thả, để tràn lan… là thực trạng chung ở các quán ăn uống vỉa hè. Tất cả đều là nguyên nhân của các bệnh như: ngộ độc thực phẩm, đường ruột, giun sán…

 

Những nguy cơ đó hầu hết sinh viên đều hiểu rất rõ, nhưng do thói quen, sở thích, sự tiện lợi nên các “quán ăn đường”, các “gánh hàng ăn di động” trên vỉa hè vẫn được giới sinh viên chuộng nhất. “Thường thì sinh viên chúng nó hay tặc lưỡi “khuất mắt trông coi”. Biết nhưng vẫn bỏ qua, không để ý nhiều đến vệ sinh. Cứ tiện và rẻ là được!” - bác Khang, 53 tuổi, một chủ nhà trọ sinh viên ở Khương Trung nhận xét.

 

Nói về tình trạng ăn uống mất vệ sinh của sinh viên, bác Khang lý giải thêm: “Phần lớn các quán ăn đều bán ở đường tránh sao được bụi bặm. Vào lúc đông khách, bát đũa có khi rửa chưa kịp khô đã lấy ra dùng nên chúng nó mắc bệnh giun sán nhiều là phải. Hơn nữa tụi sinh viên cơm ăn chỉ có 4-5 nghìn đồng, nếu làm sạch, làm ngon thì chủ quán cũng kiếm đâu ra lời lãi”.

 

Ăn uống không khoa học

 

Không chỉ nhiễm bệnh giun sán, mà sinh viên còn mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác, do ăn uống mất vệ sinh, không khoa học. Thích là ăn, thèm thì ăn, không cần đúng giờ giấc. Đó là thói quen của nhiều sinh viên hiện nay.

           

Minh (SV năm 2 trường ĐH Xây dựng) cho biết: “Mình không quan trọng việc ăn uống phải khoa học, chẳng mấy khi mình ăn đúng bữa, đúng giờ. Có hôm bận cả ngày chỉ ăn cái bánh mì, đến đêm về mới ăn bù, ăn hết thứ này đến thứ khác”.

 

Còn Ngọc (SV khoa Báo, Học viện Báo chí Tuyên truyền) thì cho rằng việc ăn uống không đúng giờ giấc là cách giảm béo hữu hiệu (?). Cô tâm sự: “Em không bao giờ ăn đúng bữa cả, em không ăn sáng, ăn trưa lúc 2h chiều, tối không ăn cơm cố chịu đến 10h ăn tạm gói mì tôm”.

 

Chuyện ăn uống thiếu khoa học, thường gặp nhất ở sinh viên KTX. Hoa (KTX ĐH Tài chính) được cả phòng phong cho danh hiệu “Hoa thực phẩm”, bởi cô ăn nhiều và ăn tạp. Ngăn tủ của Hoa lúc nào cũng chật ních đồ ăn: nào bánh đủ các loại, hoa quả, mì. Thậm chí có đêm ăn no quá nhưng vẫn thèm, cô liền đi tắm cho đói bớt rồi vào ăn tiếp.

 

Nguyên (SV trường Kiến trúc) còn tệ hơn. Cả phòng không bao giờ thấy cậu ta ăn đúng bữa. Có hôm nửa đêm Nguyên tỉnh dậy vay tạm gói mì tôm để ăn, không có bát cậu lấy luôn chiếc cốc đã pha bột đậu xanh chưa rửa, rồi thả mì vào. Dù váng bột đậu xanh nổi lềnh phềnh nhưng Nguyên vẫn ăn ngon lành. Hậu quả là cậu ta phải uống becberin trong ba ngày vì đau bụng.

 

Chỉ sau một năm trở thành sinh viên, Minh đã mắc chứng đau dạ dày, phải kiêng khem nhiều thứ. Còn Ngọc chỉ thực hiện được chế độ ăn kiêng khoảng một tháng thì phải nhập viện, bồi bổ nhiều chất mà vẫn không lại. Hoa thì cũng một lần đi cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm...

 

Tình trạng ăn uống mất vệ sinh trong sinh viên ngày càng báo động, rất nhiều bệnh nguy hiểm được sinh ra từ thói quen ăn uống mất vệ sinh này. Mỗi sinh viên hãy tự bảo vệ sức khoẻ của mình bằng cách ăn sạch, uống sạch và khoa học.

 

Nhóm sinh viên Trần Trọng Duy, Hoàng Thị Hương Giang, Đặng Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Quang Trung - trường Đại học Y Thái Bình vừa thực hiện công trình nghiên cứu khoa học “Thực trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột ở sinh viên dài hạn năm thứ nhất và năm thứ ba trường Đại học Y Thái Bình năm 2005 - 2006”.

Qua xét nghiệm, tỷ lệ nhiễm giun chung của sinh viên 2 khối là 46,6%. Trong đó nhiễm giun đũa 40,7%, giun tóc 29,4%, giun móc 5,5%, nhiễm đơn bào là 16%. Tỷ lệ nhiễm các loại giun, đơn bào giữa nam và nữ sinh viên không có sự khác biệt.

Nhóm nghiên cứu còn có các nhận định khác quan trọng như: Tỷ lệ nhiễm giun đũa, giun tóc, đơn bào ở sinh viên tự nấu ăn thấp hơn sinh viên ăn cơm quán. Trong số nhiễm thì đa nhiễm chiếm tỷ lệ 71,5% (cao nhất). Những sinh viên ăn ở căn-tin trường tỷ lệ nhiễm giun đũa, giun tóc thấp hơn những sinh viên ăn ở những quán bán ở ngoài đường.

Qua những thông tin tham khảo nói trên, cho thấy sinh viên cần và cần được quan tâm hơn đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi chưa thể đối phó với thực phẩm thiếu an toàn ở phần lớn quán ăn ngoài thì rất cần có nhiều buổi tuyên truyền về cách phòng chống các bệnh ký sinh trùng đường ruột cho các khóa sinh viên mới nhập trường.

Theo Hải Nguyệt
Thanh Niên

 

Phan Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm