Sinh ngày 30/4/1975
Chào đời trong những giây phút lịch sử của đất nước (30/4/1975). Với những họ tên mang khát vọng hòa bình, đại thắng... họ lớn lên cùng những tháng ngày mới của một thành phố vừa bước ra khỏi chiến tranh. Chỉ ít ngày nữa họ sẽ tròn 30 tuổi!
“Sự tích” những họ tên
Sinh ở xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên nhưng Lê Thành Nam Giải Phóng lại lớn lên ở TPHCM. Người mẹ quê kể: “Lúc mang thai cả nhà đều mong cháu sẽ là con trai, ông nội ướm sẵn cho cái tên Lê Thành Nam. Cháu chào đời đúng vào lúc tiếng radio đang náo nức khắp xóm: “Sài Gòn đã giải phóng rồi” (11h30), ông nhà tôi quyết định nới dài tên con thêm hai chữ Giải Phóng”.
Những bất ngờ trong việc đặt tên như thế không hiếm. Người con trai đầu lòng Nguyễn Hòa Bình cũng được ba mẹ chuẩn bị sẵn cái tên Nguyễn Văn Thành. Sau khi đói lả hai ngày do loạn lạc, 1h15 sáng 30/4/1975 người mẹ chuyển dạ ở Bệnh viện Gia Định (TPHCM). Người bố lúc ấy còn đang trong hàng ngũ lính “cộng hòa” trốn về thăm con trong những giây phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, ông đã lấy hai chữ Hòa Bình đặt lại tên con.
“Đây là cái tên mang niềm mong mỏi của tất cả mọi người Việt Nam” - bố thường lý giải như vậy mỗi khi Hòa Bình thắc mắc.
Với những gia đình góp phần làm nên cuộc chiến thắng, tên của con lại càng rõ hơn niềm khao khát mãnh liệt vốn của cả một dân tộc ấy. Như hai chị em sinh đôi Phạm Thị Chiến, Phạm Thị Thắng (Q.2), Nguyễn Xuân Đại Thắng (Q.1)...
Ở tuổi 80, ông Lê Thanh (P.11, Q.Tân Bình) - một cựu chiến binh trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở vùng đất Qui Nhơn, vẫn nhớ như in những ngày tháng tuyệt đẹp ấy - xúc động kể lại: “Sau khi Qui Nhơn được giải phóng (ngày 30/3), tin vui chiến thắng ở những địa phương khác cứ dồn dập báo về.
Những người lính chúng tôi luôn mong mỏi từng giờ từng phút đất nước sạch bóng quân thù. Ngày Sài Gòn giải phóng là niềm vui lớn nhất, và cũng là ngày gia đình tôi đón chào một thành viên mới - đứa con trai út. Tôi đặt ngay tên cho con là Lê Đại Thắng như một kỷ niệm, như một “bằng chứng” của lịch sử”.
Còn với Tạ Thống Nhất chào đời ở HTX Nông nghiệp, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, khi người cha đang là bác sĩ quân y phục vụ ở chiến trường miền Nam. Ít ngày sau khi lá cờ đỏ sao vàng cắm trên nóc dinh Độc Lập, một lá thư từ miền Nam gửi về: “Đã sinh con chưa? Nếu là con trai thì đặt tên là Chiến Thắng hoặc Thống Nhất”.
Thống Nhất kể: “Cả nhà bàn luận và chọn cái tên Tạ Thống Nhất”. Niềm vui như vỡ òa khi người bác sĩ của chiến trường biết được con mình ra đời đúng vào thời khắc lịch sử.
Với bà Phạm Thị Nga (62 tuổi, ở Q.3), tên Hùng Dũng của con trai không chỉ là mơ ước mà gắn với một thực tế sống động: “Rạng sáng 30/4, đường sá bị tắc nghẽn không thể đến được BV Phụ sản Từ Dũ, tôi đành ghé vào BV Saint Paul (nay là Bệnh viện Mắt TPHCM). Tiếng súng đạn vang khắp nơi. Phòng sinh vắng tanh, tất cả bác sĩ khoa sản đã di tản khỏi BV, chỉ còn duy nhất một nữ hộ sinh...
Trong danh sách hơn 2.000 bạn trẻ ở TPHCM chào đời ngày 30/4/1975, có hàng trăm bạn mang những cái tên gắn liền với sự kiện lịch sử như thế.
Trong đó, chỉ riêng Hòa Bình là tên của hơn 50 bạn... |
5h25, vừa sinh xong thì một quả bom nổ ầm rung chuyển cả BV, hai mẹ con được di tản đi tránh bom. May mà vẫn “mẹ tròn con vuông”!”.
Kháu khỉnh, khỏe mạnh cùng mẹ vượt qua những giây phút sinh tử, cậu bé được ba mẹ đặt tên Trần Các Hùng Dũng như một “lời tuyên dương” dành cho công dân tí hon này. Thú vị hơn, hiện Hùng Dũng đang là bác sĩ của BV Phụ sản Từ Dũ.
Lớn lên cùng thành phố
Cùng với sự chuyển mình đầy khó khăn của đất nước, của một thành phố trẻ, người anh cả Nguyễn Hòa Bình phải đương đầu với bao vất vả. Bình kể : “Từ khi bước vào cấp II, ngoài giờ học phải đi làm đỡ đần gia đình. Khi học cấp III mình luôn đứng giữa hai lựa chọn: bỏ học mưu sinh hay tiếp tục. Lúc ấy chính cái tên Hòa Bình lại như một sự động viên mình phải cố gắng học hỏi, phấn đấu và ít nhất là làm gương cho các em”.
Bình đậu vào khoa ngoại ngữ chuyên ngành kinh doanh - báo chí - du lịch, học ở tận Đà Lạt. Ra trường Bình về lại mảnh đất mình sinh ra với công việc gia sư, làm ở báo Đầu Tư... và hiện Bình đang là giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thắng với công việc phát hành gần 1.000 đầu báo, tạp chí, ấn phẩm trong và ngoài nước.
Sống xa gia đình từ 8 tuổi, đến nay Giải Phóng luôn xem đất Sài Gòn đã rèn luyện tính cách của mình: năng động, độc lập thích nghi với mọi môi trường. Và tính cách ấy đã quyết định công việc khi người bạn trẻ này rời ngành ngoại thương Trường ĐH Kinh tế vào lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm - một ngành còn mới mẻ ở Việt Nam. Sau giờ làm việc, Giải Phóng “thư giãn” với bạn bè ở CLB Lý luận trẻ NVH Thanh niên thành phố mà đã có lúc bạn từng là chủ nhiệm.
Với thạc sĩ kiến trúc sư Đoàn Ngọc Hiệp, đang là giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, “tuổi thơ của mình cũng khó khăn như thành phố lúc ấy”. Sáng học, chiều ra chợ phụ mẹ bán nhưng con đường học tập của Hiệp “ghi” được nhiều bàn thắng. Với đồ án “Cải tạo một phần trung tâm thành phố”, Hiệp đã tốt nghiệp thủ khoa khoa qui hoạch Trường ĐH Kiến trúc. Tiếp tục lên cao học, Hiệp lại là thủ khoa với “Đô thị vệ tinh”.
“Lớn lên cùng sự phát triển của thành phố mình không chỉ tự hào mà luôn tâm niệm phải làm một điều gì đó để đóng góp cho sự phát triển chung, dù rất nhỏ” - cô bạn mồ côi cha Nguyễn Thụy Phượng Đình Trang, hiện là kế toán trưởng cho một công ty hóa mỹ phẩm, bộc bạch.
Còn Hiệp cho biết: “Có những công trình do mình thiết kế sẽ được khởi công đúng dịp 30/4 như quảng trường chiến thắng Bảo Lộc, Nhà văn hóa lao động huyện Bình Chánh và đặc biệt là trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang...
Theo Tố Oanh, Kim Anh - Tuổi Trẻ