Sinh năm 1975: Thế hệ hòa bình và đi tới
Họ cùng sinh năm 1975, cùng có chung một tuổi thơ vất vả với TPHCM trong những ngày đầu giải phóng và cùng vụt lớn nhanh với một thành phố hừng hực đổi mới và phát triển những năm gần đây.
Sáng 24/4/2005, họ đã gặp gỡ, giao lưu với hơn 500 thanh thiếu niên và các thế hệ đàn anh (Nhà Thiếu nhi TPHCM tổ chức)... Họ đã nghĩ gì, nói gì với buổi gặp gỡ ấy?
Ngô Quang Thanh Trúc (chuyên viên kinh tế) bồi hồi nhớ lại: “Hồi tôi 10-15 tuổi, TP những năm đầu giải phóng còn bao việc cần làm. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chúng tôi thi đua làm kế hoạch, lượm giấy vụn, giữ gìn vệ sinh môi trường, phong trào đội nhóm giúp bạn vượt khó... khí thế lắm. Như các cô chú ra trận, chúng tôi chiến đấu cùng đói nghèo, lạc hậu”.
Dù tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành ngoại thương, Thanh Trúc đi làm nhưng quyết định vẫn học tại chức ĐH KHXH & NV TPHCM khoa tiếng Anh, đồng thời theo học cao học ngành kinh tế phát triển. “Chúng tôi hiểu vai trò trụ cột của thế hệ mình trong dựng xây đất nước. Là chuyên viên phân tích tài chính, gắn bó với những con số tưởng như khô khan nhưng với tôi, nó như những nốt nhạc trong đời sống khi nhìn thấy những chỉ số kinh tế phát triển” - Thanh Trúc ví von.
Không chỉ Trúc, bạn nào cũng bày tỏ sự tự hào của thế hệ mình: đĩnh đạc lớn lên từ những phong trào của đoàn thể cách mạng. Ly Hoàng Ly (họa sĩ, nhà thơ, biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ) 20 năm sinh hoạt tích cực trong những CLB đội nhóm thanh thiếu nhi.
Ly tâm sự: “Thế hệ chúng tôi may mắn ra đời lúc đất nước thống nhất. Như bao gia đình VN sau năm tháng chiến tranh, cái khó, cái nghèo đã không ngăn cản con đường chúng tôi tới lớp. Đam mê vẽ, nhiều khi tôi cuốc bộ hơn 5km từ nhà đến Nhà Thiếu nhi học vẽ”.
Cả trường cấp III hàng ngàn HS của Ly chỉ có một cô gái thi vào Trường ĐH Mỹ thuật: Ly Hoàng Ly. Và để nuôi ước mơ, Hoàng Ly tâm sự mình đã từng tập dịch sách, kiếm tiền mua vật dụng học tập. Thành công với một giải Mai vàng lĩnh vực thi ca, nhiều triển lãm tranh cá nhân là cả quá trình đi lên của Hoàng Ly.
Với Nguyễn Đình Hải - giáo viên Trường trung học Công nghiệp TP, mẹ mất sớm, Hải phải thay mẹ chăm em. Không có điều kiện tham gia các hoạt động phong trào nên Hải trở thành đoàn viên khá muộn khi đã tốt nghiệp ĐH, dù vẫn mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người tiên phong.
Thầy giáo Hải không ngừng cố gắng để từ một “đoàn viên già” thành bí thư đoàn trường, một giáo viên giỏi (chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi dành cho giáo viên giỏi nghề). “Môi trường hoạt động xã hội là cái nôi cho mình trưởng thành và nuôi dưỡng ước mơ, biến khả năng của mình thành những điều có ích”, Hải tự rút ra kết luận cho mình.
Riêng anh phụ trách Đội Phạm Quang Thiện (cán bộ phụ trách Đội Nhà Thiếu nhi TP) thì “tự tin khi vào đời, luôn làm việc với ý chí chiến thắng” khiến Thiện trở nên gắn bó với hoạt động Đoàn - Hội và trở thành thủ lĩnh phong trào thanh thiếu nhi của Nhà Thiếu nhi TP nhiều năm nay. Tại buổi giao lưu, Quang Thiện bày tỏ tâm huyết của mình: “Tuổi trẻ chúng ta hạnh phúc vì được cống hiến”.
Phải chăng từ suy nghĩ “cho cũng là nhận”, người bạn trẻ này không chỉ dành phần lớn thời gian thiết kế các chương trình vui chơi, sinh hoạt kỹ năng cho thiếu nhi mà còn là một thành viên tích cực của “đội hiến máu xung kích” - sẵn sàng chờ hiến những giọt máu của mình bất cứ khi nào có người cần.
Theo Nguyễn Bay
Tuổi Trẻ