Shisha “biến tướng”, hậu quả khôn lường
Với mức giá không quá đắt, shisha được nhiều học sinh, sinh viên ở Hà Nội sử dụng trong quán cà phê karaoke, bar… như một cách thể hiện cá tính bản thân. Nhưng sau cái mác “sang chảnh”, “đẳng cấp” là những hệ lụy nguy hiểm khôn lường.
“Hút cho vui”
Dọc các phố Đào Duy Từ, Triều Khúc, quanh hồ Văn Quán (Hà Đông), không khó để tìm các quán cà phê, trà chanh, karaoke... bán shisha. Nhiều quán công khai để bình shisha ngay trước cửa để “quảng cáo” cho những khách hàng có nhu cầu.
Trong quán cà phê của anh Hoàng, có hai nhóm bạn trẻ đang sử dụng shisha, nhiều bạn mặc đồng phục THPT. Trong quán, khói bay nghi ngút hương thơm của táo.
“Nhiều quán bán cả shisha cho học sinh, nhưng quán mình thì không. Nhiều lần các em học sinh cấp 2, 3 vào quán uống cà phê gọi shisha nhưng mình kiên quyết không bán. Khách hút shisha chủ yếu các bạn trẻ đã đi làm và sinh viên”, anh Hoàng cho biết.
Khi được hỏi về mấy bạn mặc áo đồng phục THPT đang hút shisha trong quán, anh Hoàng cho biết, “mấy em đó đi với anh chị nên khi anh chị họ gọi shisha mình vẫn bán. Nhiều khi cũng không kiểm soát được hết”, anh Hoàng nói.
Nhiều bạn trẻ đang hút shisha cho biết, không rõ shisha có nguồn gốc từ đâu và hút shisha “cho vui” chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Lúc đầu em cũng không dám hút, nhưng thấy bạn bè dùng nên hút thử. Thử một hai lần thấy hay hay, thơm mùi hoa quả nên dần thành quen. Bây giờ đi uống cà phê không hút lại thấy thiêu thiếu”, Tuấn Tú, học sinh một trường THPT chia sẻ.
Đào Hoàng Quân (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cho rằng, hút thuốc lá, ma túy mới độc hại, còn hút shisha có mùi thơm dễ chịu, thoải mái chứ không có hại.
“Qua tìm hiểu, mình được biết thành phần thuốc chủ yếu là mật ong, lá và rễ cây được ướp hương các loại trái cây như nho, cam, táo, dâu… nên yên tâm hút”, Quân nói.
“Biến tướng” nguy hiểm
Để tìm hiểu rõ hơn về shisha, tôi xin đi hát cùng nhóm bạn của Nguyễn Quang Minh (sinh viên một học viện ở Hà Nội). Minh cho biết, cậu đã từng thử qua ke, lắc, shisha, cỏ Mỹ...
Ngày trước, muốn hút shisha phải vào vũ trường, bar lớn. Giờ shisha bán đầy ở các quán trà chanh, cà phê, karaoke. “Bây giờ hút mỗi shisha là bình thường. Muốn phê thì chế thêm rượu vào”, Minh nói.
Đi hát cùng Minh có thêm Huệ Phương - bạn gái và đứa bạn cùng lớp tên Bảo Nam. Nhóm bạn vào một quán karaoke ở phố Triều Khúc.
Vào phòng, Minh bảo chủ quán “cho một bình shisha như cũ”. “Dạo này quán chỉ có mỗi shisha không thôi. Quán không trộn với cỏ Mỹ nữa, có trộn chỉ trộn với rượu thôi”, ông Huy, chủ quán trả lời.
Khi Minh thắc mắc hỏi lần trước có bán sao giờ lại không bán nữa, chủ quán cho biết, lần trước có đám sinh viên đến hát rồi hút shisha trộn với cỏ, nhưng không quen bị phê thuốc. Có người còn phải gọi người nhà đến cõng về nên quán không bán nữa vì sợ phiền phức. Bình shisha Minh gọi có vị dâu tây, trong tiếng nhạc, nhóm bạn trẻ uống bia, thay nhau nhả khói.
“Shisha có thể trộn lẫn nhiều chất kích thích lắm. Nếu con gái không cẩn thận, hút vào sẽ không làm chủ được bản thân, dễ bị lợi dụng”, Huệ Phương nói.
Tiếp lời Huệ Phương, Bảo Nam ngồi cạnh bảo: “Mình có thằng bạn, khi dẫn bạn gái mới quen đi chơi nó thường cho thuốc cỏ lẫn vào bình shisha sau đó dụ bạn gái hút thử. Nó bảo mình làm thế sẽ dễ chinh phục các cô gái hơn”.
Lê Văn Chung sinh viên năm 3 (ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải), phục vụ tại quán karaoke ở phố Triều Khúc cho biết, nhiều quán karaoke ở đây bán shisha. Để hút khách, nhiều chủ quán “sáng tạo” cho thêm rượu, chất kích thích vào trong bình shisha để tăng cảm giác.
Thường, khi khách yêu cầu quán mới làm, không được tự ý cho thêm vào. “Làm việc ở quán, mình từng chứng kiến những bạn trẻ vào quán hút shisha trộn lẫn ke, cỏ Mỹ... xong không quen phê thuốc nên bạn trai phải cõng về”, Chung nói.
Trao đổi với PV, nguyên một lãnh đạo Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện, đối với thuốc lá, chúng ta đã có khuyến cáo và cấm hút thuốc rất ráo riết ở một số nơi; nhưng với shisha, dù được cảnh báo nguy hại đến sức khỏe con người hơn thuốc lá nhưng hiện chưa kiểm soát được. Vì cung lớn nên nguồn nhập shisha cũng dồi dào, có thể từ Mỹ, Australia, Trung Quốc, Trung Đông…
Để quản lý shisha, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc để có những nghiên cứu đánh giá mức độ tác hại của shisha. Từ đó, đưa ra những cảnh báo chính thức và các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với loại hàng hóa được coi như độc dược với giới trẻ này. N.P.C |
Theo Quang Lộc
Tiền Phong