“Say nắng” vì làm... Bí thư Đoàn

(Dân trí) - “Bất cứ cán bộ đoàn nào cũng phải “chơi được với đoàn viên”, vì có “chơi” được với đoàn viên thì mới hiểu được tâm tư nguyện vọng, những đóng góp và cống hiến của họ, từ đó mình biết sẽ phải làm gì để hỗ trợ họ...”

Đã từng là MC, điển trai, tài giỏi, nhiệt huyết, có nhiều cống hiến cho “nghiệp” Đoàn, Ths. Giảng viên Nguyễn Hoàng Hà (Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội) được TW Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội, TW Hội Sinh viên trao tặng nhiều bằng khen và vinh danh là 1 trong 80 Đảng viên trẻ tiêu biểu xuất sắc của thủ đô Hà Nội. Trò chuyện với Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân, anh chia sẻ: "Có lẽ là do tính rụt rè nhút nhát từ bé, đến hết năm thứ nhất đại học tôi vẫn không thể cải thiện, lúc này tôi suy nghĩ nếu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân ra trường như thế này thì hỏng và thế là tôi đã “lao” vào tham gia hoạt động đoàn".  

“Say nắng” vì làm... Bí thư Đoàn - 1
Hoàng Hà (phải) và MC Lê Anh trong Lễ tuyên dương 80 Đảng viên trẻ tiêu biểu thủ đô Hà Nội
 
Được biết, anh là cựu SV của trường ĐH Kinh tế Quốc dân và trong những năm học ĐH anh cũng là Bí thư chi đoàn, nay lại là Bí thư Đoàn trường, có sự giống và khác như thế giữa 2 cương vị này?

Giống nhau là mình được sống, làm việc, học tập và rèn luyện cùng với đoàn viên thanh niên trong một môi trường. Khác nhau đó là Bí thư chi đoàn phạm vi tương tác hẹp hơn so với Bí thư đoàn trường. Tuy nhiên muốn trở thành Bí thư Đoàn trường theo tôi không thể không trải qua cán bộ đoàn từ chi đoàn.

Là giảng viên ĐH và hàng ngày tiếp xúc rất nhiều với các bạn SV, đó là một lợi thế. Vậy công tác giảng dạy và công tác đoàn có sự hỗ trợ cho nhau như thế nào?

Đúng vậy, khi tham gia ở cả hai lĩnh vực này sẽ có nhiều điều kiện để quan sát hơn, từ đó có thể phân công, bố trí công việc phù hợp và phát huy tối đa khả năng, sở trường của đoàn viên sinh viên. Hai công việc này bổ trợ cho nhau nên tôi luôn thấy có cảm hứng và không bị áp lực, còn nếu đứng độc lập thì 2 công việc rất vất vả.
 
“Say nắng” vì làm... Bí thư Đoàn - 2
Thầy giáo Hoàng Hà làm "sinh viên" tình nguyện mùa hè năm 2009

Trong công tác đoàn, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với anh?

Đó là mùa hè sinh viên tình nguyện năm 2002 tại Huyện Bắc Mê - Hà Giang, tôi đã trải nghiệm và cảm nhận được đầy đủ những gì về cuộc sống. Có lần 9h tối chúng tôi đi dậy học về thì gặp lũ làm sạt lở đất ven núi và chắn ngang người, lúc đó sự sống của chúng tôi chỉ được tính trong gang tấc, nhưng chúng tôi đã bình tĩnh nắm chặt tay nhau và vượt qua khó khăn đó. Sau này nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn, tôi nhận ra rằng trong khó khăn người ta mới trân trọng những gì mình đang có và mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
 
“Say nắng” vì làm... Bí thư Đoàn - 3
Hoàng Hà tâm niệm: “Hãy coi đoàn viên như người bạn lớn, người em, người học trò"...

Tôi thấy hầu hết sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân đều gọi Hoàng Hà là anh chứ không gọi là thầy, tại sao vậy?

(Cười )... Có lẽ là vì trong trường có nhiều đoàn viên quá thôi mà. Thực ra, khi ở trên lớp các bạn SV vẫn gọi là thầy, nhưng có một số bạn SV sau khi học hết môn thì xin phép thầy đổi cách xưng hô vì nếu gọi cứ gọi là thầy thì sẽ khó mà hoà nhập được trong hoạt động đoàn... Theo bạn, thì lúc này xử lý như thế nào?

Là một anh Bí thư Đoàn trường điển trai, là một giảng viên trẻ đầy nhiệt huyết, đã bao giờ anh phải bối rối vì trường hợp sinh viên “say nắng” vì mình?

Tôi thấy mình bị “say nắng” nhiều hơn, vì ba lý do: thứ nhất “say” vì ngỡ ngàng bởi bây giờ các bạn đoàn viên rất giỏi, đa năng; thứ hai, nếu không “say” thì không làm được công tác đoàn và “say” vì tôi cũng hay phải chạy “ra nắng” để tổ chức các hoạt động đoàn… (Cười).
 
“Say nắng” vì làm... Bí thư Đoàn - 4
... và: “Hãy yêu thương và cho người khác nhiều hơn là yêu cầu người khác”.
(Trong ảnh: Hoàng Hà khi còn là MC trong chương trình Một điều ước của Đài THVN)
 
Trước khi làm giảng viên ĐH, nhiều người biết đến Hoàng Hà là MC của Đài THVN. Anh có thể nói đôi điều về ngày ấy và sự chuyển hướng nghề nghiệp?

Tôi đã có 2 năm làm MC của chương trình Tôi Yêu Việt Nam, 60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên kênh VTV1, chương trình Một điều ước trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam. Mặc dù nhận được nhiều lời mời của các Đài truyền hình với mức thu nhập cao, nhưng đến năm 2006 tôi phải đứng trước sự lựa chọn giữa nghề giáo và nghiệp MC, điều đó thực sự rất khó khăn.

Suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng tôi đã quyết định chọn và gắn bó với nghề nhà giáo, tôi nghĩ đó là con đường phù hợp và bền vững hơn cả. Dù biết chặng đường mình sẽ bước đi có rất nhiều khó khăn, nhưng thêm 1 lí do nữa thôi thúc là “nghiệp Đoàn đã ăn sâu vào máu từ lúc nào không biết”, vì thế tôi càng quyết tâm và bước vào cổng trường ĐH Kinh tế Quốc dân để làm một người thầy giáo.

Anh muốn nhắn nhủ gì với các bạn trẻ hôm nay?

Hoàng Hà rất thích một câu khuyết danh: “Hãy yêu thương và cho người khác nhiều hơn là yêu cầu người khác”. Còn các bạn, không biết các bạn nghĩ sao về điều này?
 

Châu Như Quỳnh (thực hiện)