Sáng tạo ứng dụng giám sát vận chuyển hàng hóa Logistics

Mỹ Hạnh

(Dân trí) - Về đích thứ nhì tại cuộc thi "Sáng tạo trẻ 2022", đội thi I-tech đã gây ấn tượng với sản phẩm "Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hóa vận chuyển trong Logistics".

Tại vòng chung kết của cuộc thi "Sáng tạo trẻ 2022", đội thi I-tech, nhóm các bạn trẻ đến từ Đại học Bách khoa và trường Đại học Kinh tế quốc dân đã xuất sắc giành được vị trí thứ hai với sản phẩm ấn tượng "Ứng dụng IoT (Internet vạn vật) trong giám sát và quản lý hàng hóa vận chuyển trong Logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa)".

Sáng tạo ứng dụng giám sát vận chuyển hàng hóa Logistics - 1
Đội thi I-tech tại chung kết cuộc thi "Sáng tạo trẻ 2022" (Ảnh: NVCC).

Đội thi bao gồm 5 thành viên: Trần Hạo Nam (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội), Ngô Anh Tuấn (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội), Đoàn Phan An (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân), Hoàng Đức Thịnh (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phan Nguyên Anh (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội).

Mô hình giúp hỗ trợ quản lý hàng hóa vận chuyển trong Logistics

Trao đổi với PV Dân trí, các thành viên của nhóm đã có dịp chia sẻ về ứng dụng cũng như định hướng phát triển của sản phẩm trong tương lai. Thành viên Ngô Anh Tuấn cho biết, sản phẩm này sẽ được áp dụng cho các công ty Logistics, vận chuyển hàng hóa liên quan tới các thực phẩm thủy, hải sản.

Đối tượng khách hàng mà nhóm hướng đến trước mắt là các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải nội địa. Sau đó, nhóm sẽ mở rộng tới các công ty vận tải quốc tế bằng đường biển và đường hàng không.

Về lý do chọn đề tài này, trưởng nhóm Trần Hạo Nam chia sẻ: "Có nhiều lý do vì sao chúng mình lại quyết định chọn ý tưởng về sản phẩm này để phát triển. Nói một cách đơn giản, sản phẩm của chúng mình có chức năng chính là theo dõi và cảnh báo môi trường bảo quản hàng hóa trong xe container lạnh.

Trước mỗi lần vận chuyển, các xe container lạnh đều bị niêm phong bằng khóa chì hoặc khóa điện tử. Do đó, chúng ta sẽ không thể theo dõi được tình trạng môi trường bảo quản trong container. Vì vậy, việc phát triển một thiết bị có khả năng theo dõi và cảnh báo môi trường trong container ngay cả khi không cần mở khóa là điều vô cùng cần thiết.

Đồng cảm với sự mất mát của người nông dân và những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông, thủy, hải sản tại Việt Nam, nhóm chúng mình xây dựng mô hình giải pháp mang tên Scubic với hai nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, cung cấp giải pháp hỗ trợ theo dõi và cảnh báo sớm điều kiện môi trường trong container lạnh.

Thứ hai, xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu giải quyết các bài toán trong chuỗi cung ứng.

Sáng tạo ứng dụng giám sát vận chuyển hàng hóa Logistics - 2
Mô hình ứng dụng của sản phẩm (Ảnh: NVCC).

Trong quá trình thực hiện, chúng mình cố gắng đảm bảo sự hài hòa giữa tính năng, giá thành của sản phẩm. Trên thị trường, có những loại thiết bị sẽ chỉ đáp ứng được từ một đến hai tính năng nhỏ, nhưng chúng mình mong muốn sản phẩm của chúng mình có thể được ứng dụng vào hẳn một công ty Logistics.

Điều này đồng nghĩa với việc, các chủ doanh nghiệp có thể nhận được toàn bộ dịch vụ từ vận hành đến cung ứng, chứ không chỉ đọc giá trị cảm biến và cảnh báo. Hơn nữa, các loại xe container thông minh sẽ xuất hiện trong thời gian tới và sẽ được tích hợp rất nhiều cảm biến. Tuy nhiên, cũng bởi loại xe này là một khối tích hợp nhiều cảm biến nên nó sẽ đắt hơn gấp nhiều lần.

Vậy nên, chúng mình hướng tới tạo ra một nhóm thiết bị có thể dễ dàng được đặt trong các xe container lạnh thông thường chứ không phải xe container thông minh, tức là các doanh nghiệp sẽ chỉ cần sử dụng một chiếc xe container lạnh cùng với sản phẩm của chúng mình, giúp đảm bảo tính năng và giá thành hợp lý".

Quá trình hoàn thiện sản phẩm trải qua không ít sự thay đổi

Trong quá trình thực hiện, I-tech đã gặp không ít khó khăn và trải qua nhiều các công đoạn cải tiến. Theo bạn Ngô Anh Tuấn, sản phẩm ý tưởng ban đầu của nhóm chỉ đơn giản là một chiếc hộp gắn trong xe container, có tác dụng truyền dữ liệu về cho người sử dụng.

Trong thời gian đầu, nhóm gặp khá nhiều khó khăn. Ví dụ như, thiết bị cần phải truyền dữ liệu về nhiệt độ môi trường, độ ẩm nhưng hiệu ứng lồng Faraday (các lớp vật liệu ngăn chặn dòng điện từ) của xe container lại không cho phép từ sóng từ wifi (mạng không dây) ra ngoài cabin.

Điều này khiến việc áp dụng mô hình rất khó. Vì vậy mà sau khi tìm hiểu và có được sự hỗ trợ của những người đi trước thì nhóm đã phát triển mô hình giải pháp bao gồm một bộ sản phẩm: Một master box (thiết bị xử lý) và một slave box (thiết bị thu thập dữ liệu môi trường), website và ứng dụng.

Sáng tạo ứng dụng giám sát vận chuyển hàng hóa Logistics - 3
Hình ảnh bộ sản phẩm sau khi cải tiến (Ảnh: NVCC).

Trong đó, slave box được gắn trong xe container và master box được gắn bên trong cabin xe. Chúng sẽ truyền dữ liệu cho nhau bằng sóng vô tuyến, với bước sóng dài thì nó có thể truyền dữ liệu ra ngoài xe container, phá được hiệu ứng lồng Faraday.

Slave box gắn bên trong thùng container sẽ được tích hợp cảm biến. Nó sẽ gửi tất cả dữ liệu này đến chiếc master box ở bên ngoài, là hộp sẽ thu thập toàn bộ dữ liệu trong thùng container. Master box sẽ thu thập dữ liệu sẽ tích hợp thêm định vị GPS.

Những dữ liệu này sau đó sẽ được đẩy lên điện toán đám mây. Sau đó, ứng dụng và website sẽ lấy dữ liệu. Từ đó mà người dùng có thể nhận được dữ liệu cảnh báo qua ứng dụng và website.

"Về ban đầu, sản phẩm của nhóm chỉ là khối hộp rubik cơ bản thôi, nhưng sau mỗi lần thử nghiệm thì, chúng mình đã phát triển được mô hình hoàn chỉnh nhất. Mô hình giải pháp của chúng mình là một bộ sản phẩm, bao gồm cả ứng dụng và website", Hạo Nam chia sẻ.

Dự định tích hợp AI vào sản phẩm trong tương lai

Thành viên Đoàn Phan An cho biết, tệp mà khách hàng nhóm hướng tới sẽ là các doanh nghiệp. Nhưng, để một sản phẩm có thể can thiệp vào quy trình của doanh nghiệp là cả một chặng đường dài. Trước mắt, nhóm sẽ tập trung cải tiến sản phẩm, làm cho sản phẩm phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp nhất có thể, sau đó mới liên hệ doanh nghiệp và tiến hành quảng bá.

Ngoài ra, Hạo Nam cũng nhấn mạnh, khi có định hướng như vậy thì nhóm sẽ tập trung sâu hơn vào phát triển sản phẩm sao cho gắn với thực tế nhất có thể. Đối với bài toán doanh nghiệp, mỗi công ty Logistic đều sẽ có phần mềm quản lý phục vụ riêng cho công ty đó.

Vì lý do này, khi phát triển sản phẩm, nhóm cũng tính tới trường hợp các công ty đó sẽ muốn nhúng toàn bộ hệ thống của chúng mình vào hệ thống quản lý của họ. Nhóm định hướng có thể nhúng được cả mô hình giải pháp vào hệ thống của doanh nghiệp, song song với việc đảm bảo việc bảo mật thông tin của khách hàng.

Hiện tại, IoT và AI (Trí tuệ nhân tạo) là xu hướng của tương lai. Hiện tại, sản phẩm đã có IoT, nên sắp tới, nhóm mong muốn có thể sử dụng được cả AI trong sản phẩm của mình. Ví dụ, sản phẩm sẽ có khả năng lấy được dữ liệu từ người dùng, tự học dựa trên bộ dữ liệu đó.

Sáng tạo ứng dụng giám sát vận chuyển hàng hóa Logistics - 4
Tích hợp AI sẽ là xu hướng phát triển của các sản phẩm trong tương lai (Ảnh: NVCC).

Trong những lần vận chuyển sau, từ những dữ liệu đã được học, nó sẽ tiếp tục  tự tính toán và đưa ra gợi ý. Giả sử, nếu cho dữ liệu đầu vào là sản phẩm chuối, thì những lần sau, khi tiếp tục vận chuyển chuối, nó sẽ dựa trên dữ liệu được thu thập từ trước, kết hợp với dữ liệu real-time (thời gian thực) về thời tiết, tình trạng giao thông để gợi ý các thông số bảo quản và lộ trình di chuyển phù hợp.

Ngoài ra, thành viên Phan Nguyên Anh bổ sung thêm, để áp dụng được sản phẩm vào doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều quy trình rườm rà, nhiều bước, liên quan tới cả vấn đề bảo mật và vấn đề xử lý dữ liệu. Việc này đòi hỏi quá trình nghiên cứu sâu hơn về nhiều vấn đề và sẽ là một quá trình khá gian nan.

Cũng liên quan tới bài toán doanh nghiệp, để áp dụng sản phẩm này còn cần một đội chuyên xử lý phần mềm. Sau khi xử lý, lại cần chuyển dữ liệu lên một vị trí mà có thể gửi cho người dùng nhanh nhất có thể dù họ ở bất cứ đâu. Vì vậy mà việc áp dụng vào doanh nghiệp có thể sẽ tốn một chút thời gian.

Dám biến những ý tưởng thành hiện thực thay vì lo lắng

Được biết, ý tưởng ban đầu của mô hình là do chính thành viên trong nhóm đưa ra. Bởi vậy, mô hình giải pháp này là một đứa con tinh thần, là tâm huyết của các thành viên.

Sau khi tham dự cuộc thi, các thành viên đều cảm thấy bản thân có sự trưởng thành hơn và nhận được nhiều bài học quan trọng. Các thành viên đã được thử sức với những nhiệm vụ mới, cảm thấy tự tin hơn vào bản thân, cùng cống hiến với những người bạn của mình để tạo ra thành quả tốt nhất.

"Kết thúc cuộc thi, mình nhận ra điều quan trọng nhất đó chính là dám biến những ý tưởng thành hiện thực. Ai cũng nghĩ rằng khi là sinh viên thì làm ra những sản phẩm như vậy là điều vô cùng khó khăn.

Ban đầu khi chúng mình thực hiện sản phẩm này thì nó chỉ là một ý tưởng, ý tưởng chiếm 1% trong quá trình tạo nên sự thành công. 99% còn lại đến từ việc chúng mình đã nỗ lực và tin tưởng vào nó.

Có niềm tin và sự nỗ lực, mình tin rằng nhất định chúng mình sẽ nhận được những thành quả xứng đáng với công sức đã bỏ ra", thành viên Đức Thịnh tâm sự về những điều cậu bạn đã học được sau cuộc thi này.

Nhóm trưởng Hạo Nam cũng cho hay, các thành viên trong nhóm đều là những người có trách nhiệm. Có lẽ đây chính là điều đã giúp nhóm đạt được thành công như ngày hôm nay. Với cương vị là một người dẫn đầu, Nam luôn cố gắng có một cái nhìn bao quát trong việc sắp xếp, quản lý hầu hết mọi việc, kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra.

Đối với Hạo Nam, đây là một trong những điều quan trọng và cần thiết để trở thành một trưởng nhóm tốt. Kỹ năng lãnh đạo của Hạo Nam cũng được rèn luyện và trở nên tốt hơn khá nhiều sau khi tham gia cuộc thi.