Sáng kiến tiết kiệm tiền tỷ của cô học trò nhỏ

Trang kể: “Bố và mình đều là người bảo thủ. Mình có ý tưởng và kiến thức lý thuyết, còn bố lại có kinh nghiệm thực tế. Hai bố con đã nhiều lần tranh luận đến tận đêm khuya mà vẫn không tìm ra hướng giải quyết”.

“Một lần, đến thăm nhà máy sản xuất kính an toàn của bố, mình nhận thấy một lượng lớn khí nén áp suất cao trong lò nung, sau khi đã tạo ra kính thành phẩm, được xả thẳng ra môi trường. Điều này, vừa gây lãng phí, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, do khí khi xả có nhiệt độ rất cao”… Vũ Huyền Trang (học sinh lớp 10, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) kể về lý do đưa cô bạn nhỏ đến với mô hình đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 10″, năm 2014.

 

Tranh luận với bố đến tận khuya

 

Khảo sát thêm các nhà máy khác, Trang nhận thấy rằng, chưa có cơ sở sản xuất nào quan tâm đến việc tận dụng nguồn khí thải này. Trung bình, với lò sản xuất kính thông thường, có dung tích 46m3 thì một năm, chúng ta sản xuất được 312.000 m2 kính an toàn và lãng phí khoảng 33.580 m3 khí nén có áp suất cao (6,5 atm).

 

Lượng khí thải này hoàn toàn có thể thu hồi và tái nạp cho chu trình sản xuất kế tiếp hoặc phục vụ cho các nhu cầu khác. “Trên thực tế, ở Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất kính an toàn và hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ đang sản xuất theo quy trình cũ. Vì vậy, lượng khí nén xả đi hằng năm bị lãng phí là rất lớn”, Trang nhận định.
 
Vũ Huyền Trang
Vũ Huyền Trang

 

Trang kể: “Bố và mình đều là người bảo thủ. Mình có ý tưởng và kiến thức lý thuyết, còn bố lại có kinh nghiệm thực tế. Hai bố con đã nhiều lần tranh luận đến tận đêm khuya mà vẫn không tìm ra hướng giải quyết”.

 

Để có số liệu thực tế, Trang phải đi khảo sát ở nhiều nhà máy nên thời gian dành cho việc học ở trường và hoàn thành đề tài càng trở nên khó khăn. Mệt mỏi, đã có lúc Trang muốn bỏ cuộc nhưng muốn biết khả năng của mình đến đâu, đặc biệt, muốn thử nghiệm cách học, cách tư duy mới, cô bạn lại tiếp tục cố gắng.

 

Đi nhiều nơi và làm nhiều việc có ích

 

Qua quá trình nghiên cứu, triển khai, áp dụng thử nghiệm tại nhà máy sản xuất kính an toàn Trường Sơn (kho 3 Liên Mạc, Từ Liêm, Hà Nội) và một số nhà máy sản xuất kính khác, Trang đã chế tạo thành công mô hình tái sử dụng khí nén xả ra từ lò nung kính an toàn. Điểm mấu chốt của mô hình chính là hai bình thu hồi khí nén được thải ra trong quá trình nung kính.

 

Trang lấy ví dụ cụ thể, với 2 bình tích khí có dung tích 23 m3 để thu hồi khí thải từ lò 46 m3,, áp suất 13/2 atm, sau khi nạp lại cho quá trình tiếp theo, áp suất trong bình 46m3 là 13/8 atm. Lượng khí còn lại trong lò vẫn còn ở áp suất cao, sẽ được đưa ra ngoài bằng cách chạy qua một tua bin gió để phát ra điện.

 

Mỗi quy trình tái sử dụng sẽ tiết kiệm được 1,625 atm khí nén ban đầu. Vậy máy nén khí chỉ phải hoạt động 7/8 công suất so với thông thường, tức là ta đã tiết kiệm được dầu bôi trơn, điện năng và giảm khấu hao máy lên đến 12,5%, đồng thời, có thể giảm thiểu 15 phút/mẻ sản xuất.

 

Với những tính năng này, một nhà máy sản xuất quy mô nhỏ có thể tiết kiệm được 116,663 triệu đồng/năm. “Số tiền đầu tư ban đầu là 250 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 2 năm là có thể thu hồi được vốn. Với những nhà máy sản xuất quy mô lớn, mỗi năm có thể tiết kiệm gần 1 tỷ đồng”, Trang tính toán.

 

Mô hình không chỉ có tính ứng dụng đối với dây chuyền sản xuất kính an toàn mà còn có thể áp dụng rộng rãi cho các nhà máy sản xuất gạch không nung, hoặc các dây chuyền sản xuất tương tự. Vì vậy, mô hình này đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc”, năm 2014.

 

Điều tuyệt vời hơn, với đề tài này, Vũ Huyền Trang, từ một người nhút nhát, thụ động đã trở nên tự tin, bản lĩnh hơn rất nhiều. Và một điều hết sức thú vị: Trang học chuyên Địa lý và yêu thích văn học từ nhỏ nhưng lại đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Ngoài giải thưởng vừa nêu, cô bạn còn “rinh” giải Nhì toàn quốc và giải Nhất cấp thành phố, cuộc thi “Intel Isef”.

 

Ước mơ của Trang là được làm một công việc có thể đi đến nhiều nơi trên thế giới, giúp đỡ nhiều người, nhất là trẻ em và những người thiếu may mắn.

 

Để thực hiện ước mơ này, cô bạn đã luôn tuân thủ phương châm sống: “Ta sẽ chẳng là gì, nếu ta từ bỏ nhưng sẽ là một cái gì đó, nếu ta thất bại. Vậy thay vì làm kẻ từ bỏ, mỗi chúng ta hãy cố gắng, dẫu có thất bại cũng là một cách để khẳng định mình”, Trang nói.

 

Theo Kim Thoa

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm