Rong ruổi đúc tượng mưu sinh

(Dân trí) - Trần Văn Tuấn - 1980, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Khác với bạn bè, Tuấn không “hứng” làm ở công ty mà cùng 3 người bạn lập nghiệp bằng con đường… đúc tượng thạch cao.

Nhóm bạn này bắt đầu bằng việc: đi dọc đất nước, tới các thành phố lớn, đông sinh viên để mưu sinh. “Tuy không ổn định bằng làm ở công ty nhưng kiếm được nhiều tiền hơn, sau này “mỏi” thì mình sẽ tìm cách khác” - Tuấn bắt đầu câu chuyện.

Vất vả những vẫn đam mê

Tuấn cho biết, anh làm nghề đúc tượng này cũng đã được khá lâu. Những sản phẩm mà anh làm ra từ tượng thú, tượng Quan âm, các vị “La Hán”, tượng Phật Di lặc, tượng các Ông Phúc, Lộc, Thọ… Hết Sài Gòn, Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Tuấn và nhóm bạn rong ruổi đến Huế. Đi đến đâu Tuấn cũng có những ấn tượng riêng, cảm xúc đặc biệt về công việc cũng như như cách “chơi” của sinh viên các trường.

“Mình làm nghề này được hơn 4 năm nay rồi, nơi nào cũng đã “từng”, Bắc chí Nam, đợt này Tuấn thử tới Huế xem tình hình thế nào, nếu bán được thì sẽ ở lại khoảng một tuần còn không thì sẽ vào Đà Nẵng”. Mỗi nơi lượng tiêu thụ hàng khác nhau, Tuấn cho biết ở Vinh hay ở Thanh Hóa bán rất chạy “mỗi ngày tiêu thụ hơn một bao thạch cao, tính ra lời hơn 1 triệu đồng, còn ở Huế thì ít người mua hơn. Hàng ế nhiều, sinh viên ở đây cùng ít chơi”.

Rong ruổi đúc tượng mưu sinh - 1

Đồ nghề của Tuấn là một chiếc xe máy, một bộ đồ đúc tượng, bột cacao, sơn màu. Đơn giản chỉ có thế, nhưng với lòng đam mê Tuấn đã đem lại những niềm vui không nhỏ với mọi người, nhất là các bạn sinh viên. Tuấn cho biết làm nghề này phải chịu khó đi. “Chạy” nhiều nơi thì hàng mới tiêu thụ nhanh và tiền lời cũng tương đối.

Anh chàng nhẩm tính: “Một bao thạch cao 100.000 tiền sơn, tiền bao li lông đủ các loại khoảng 250 đến 300 ngàn. Làm hết chỗ thạch cao tiền lời khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Có ngày ở Vinh mình bán lời được tận 3 triệu đồng”.

Những sản phẩm của Tuấn làm ra bán cho đối tượng là sinh viên nên không đắt, có 3 loại. Tượng nhỏ 5000 đồng/ tượng, cỡ trung bình 15.000 đồng, loại to 30.000 đồng/ tượng. Bán chạy nhất là những tượng có giá thấp và trung bình. Do tượng làm ra chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên Tuấn được nhiều cửa hàng lưu niệm, nhà sách… đặt hàng. “Có đợt làm 5 ngày liền cho một của hàng lưu niệm lớn ở Sài Gòn, mệt rã người nhưng khi cầm tiền trên tay cũng thấy “đã” - Tuấn tâm sự.

Rong ruổi đúc tượng mưu sinh - 2

Cá biệt có những đơn hàng rất “độc” thuộc về những đôi uyên ương. Họ đặt Tuấn đắp tượng của họ tại phòng với giá thường là 1 triệu đồng/cặp: “Hồi còn làm ở Thanh Hóa, các đôi đến đặt đưa hình cho mình. Có ảnh rồi thì dựa vào đó đắp thạch cao, tượng to lắm, có khi bằng người thật luôn. Đắp những bức tượng như thế có khi phải làm liên tục từ sáng sớm đến đêm luôn” - Tuấn ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ của mình.

Quyết bám trụ với nghề

Tốt nghiệp Đại học, Tuấn làm cho một công ty. Sau một năm, cậu quyết định chuyển hướng và bám trụ với sở thích của mình: “Ban đầu chỉ là thú vui, lấy đất sét đắp những con vật cho bạn bè. Đắp thủ công lâu quá mà không hiệu quả, mình quyết tâm mầy mò để tạo khuôn. Tất nhiên cũng phải tham khảo, học hỏi nhiều nơi, phải mất hơn một năm mới tạo ra được những khuôn mẫu ưng ý. Đó quả thực là những ngày tháng gian nan, thử thách”.

Một bộ tượng đúc mà Tuấn làm có khoảng 20 hình hài khác nhau. Vài người hỏi mua trọn bộ, Tuấn miệt mài bắt tay làm và có thể thu về 5 triệu/ 1 bộ.
 
Công việc đòi hỏi phải có sức khỏe, kiên trì, ngoài ra phải nhanh nhạy tìm , bắt mối. “Có những lần mình nghĩ đến chuyện bỏ nghề vì quá vất vả. Không phải lúc nào cũng bán chạy. Nhưng có sự động viên của bạn bè, gia đình ủng hộ nên em quyết tâm đến bây giờ”. Nhiều tuần phải đi 3- 4 tỉnh mời chào vì không tiêu thụ được. Tuấn linh động đem tượng đến cửa hàng lưu niệm bán rẻ cho họ.

Rong ruổi đúc tượng mưu sinh - 3

Ở Huế lượng tiêu thụ cũng hạn chế, có khi 2 ngày mà không hết một bao thạch cao - “tình hình này mình phải vào Đà Nẵng thôi, ở Huế ít người mua quá”. Phải đi nhiều nơi trong một tháng nên Tuấn phải thuê nhà nghỉ, một ngày trung bình cũng “ngốn” 100.000 đồng. “Tuy có vất vả nhưng vẫn thấy vui, yêu đời vì đem được cái đẹp đến cho mọi người”.

Khi chúng tôi hỏi về tương lai, vợ con , Tuấn chỉ cười và nói “cũng không biết thế nào cả, mình chỉ chắc chắn sẽ vẫn đúc tượng, gắn kết tình yêu của các bạn trẻ cho đến khi nào sức mình không còn phục vụ được thì thôi. Còn chuyện vợ con thì... từ từ chứ”.

Vũ Ngọc Dương