Vài năm trở lại đây, hình ảnh các linh vật trên cả nước luôn thu hút sự quan tâm khi được "trình làng" vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Trong đó, nhiều mô hình "gây sốt" vì có tạo hình bắt mắt hoặc độc lạ, có một không hai.
Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, các mô hình rồng trang trí lần lượt ra mắt công chúng. Một trong số tác phẩm được chú ý là hai linh vật rồng làm từ những chiếc lu ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (tỉnh Bình Dương) do nghệ nhân Nguyễn Minh Thuận lên ý tưởng. Đầu rồng được thiết kế bằng đất sét, nặn bằng tay rồi nung bằng lò củi, còn thân rồng được làm bằng 36 chiếc lu in nổi hình rồng. Đây là những sản phẩm vốn có, nổi tiếng của địa phương. Sau khi hai linh vật rồng xuất hiện, nhiều người thích thú và khen ngợi là "rồng nhà người ta", "đệ nhất song long" (Ảnh: Phạm Diện).
Không tạo hình uy nghiêm như thường thấy, linh vật rồng tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) "gây sốt" vì mang nét dễ thương và gần gũi như nhân vật hoạt hình. Bức tượng được cư dân mạng gọi là "rồng mầm non", bên cạnh một số ý kiến cho rằng nhân vật này "lai Tây" vì có đôi cánh nhỏ. Anh Bùi Văn Quân (32 tuổi) - người tạo nên mô hình - đặt tên cho bức tượng là rồng hạnh phúc với hy vọng dù người lớn hay trẻ em khi nhìn vào đều cảm nhận được sự dễ thương và thân thiện. Con rồng được thực hiện trong hơn 70 ngày, cao 4,5m bao gồm bệ đỡ, nặng 10-12 tấn, sơn màu cam. Linh vật này sẽ được trưng bày tại vườn của anh Quân ở xã Hùng Sơn (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) chào đón miễn phí người dân đến tham quan trong dịp Tết (Ảnh: Bùi Văn Quân).
3 năm nay, các linh vật trang trí Tết ở tỉnh Quảng Trị luôn thu hút nhiều sự quan tâm nhờ thiết kế tinh xảo, có độ thẩm mỹ cao. Sau nhiều ngày được chờ đợi, nghệ nhân Đinh Văn Tâm (SN 1990, ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) ra mắt linh vật rồng Tết Nguyên đán 2024 với tạo hình dũng mãnh, uy nghiêm. Mô hình này được UBND thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đặt hàng từ đầu tháng 10/2023. Linh vật rồng cao khoảng 4,5m, thân uốn lượn dài khoảng 7m, tổng trọng lượng khoảng 500kg. Dưới chân của tượng rồng có một quả cầu màu vàng, tượng trưng cho tài lộc. Mô hình sẽ được trưng bày ở công viên trung tâm thị trấn Lao Bảo, phục vụ người dân chiêm ngưỡng, chụp ảnh (Ảnh: Nhật Anh).
Bên cạnh mô hình rồng trang trí ở thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), nghệ nhân Đinh Văn Tâm còn thực hiện bộ đôi linh vật rồng đặt tại chùa Vân An, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Hai mô hình này dài khoảng 3m, cao hơn 2,5m, được bố trí theo thế chầu ở hai bên cửa chùa. Rồng có màu vàng chủ đạo, mang dáng vẻ oai phong, được đắp bằng bê tông, bên trong có cốt thép kiên cố. Nhiều người tấm tắc trước tài năng của nghệ nhân Đinh Văn Tâm đồng thời dự đoán 3 linh vật do anh và nhóm thợ thực hiện sẽ tiếp tục lọt top mô hình ấn tượng nhất năm nay (Ảnh: Đinh Văn Tâm).
Linh vật của Tết Quý Mão 2023 là con mèo. Trong đó, mô hình "hoa hậu mèo" ở tỉnh Quảng Trị được đánh giá là tác phẩm đẹp nhất mùa Tết năm ấy. Linh vật này do nghệ nhân Đinh Văn Tâm và một số công nhân thực hiện có chiều cao 3,1m, rộng 2,2m, dài 2,8m, được lấy cảm hứng từ giống mèo tam thể. Mô hình được tạo nên từ đa số vật liệu nhẹ như thạch cao và xốp. Ngay khi "trình làng", bức tượng được nhiều người khen ngợi bởi ngoại hình chú mèo đáng yêu và giống thật (Ảnh: Tiến Thành).
Hai linh vật "mèo tập tạ" ở tỉnh Bến Tre cũng "gây sốt" trên mạng xã hội vào mùa Tết 2023 nhờ tạo hình độc đáo. Cặp mèo cao khoảng 1,80m, mỗi con có điểm nhấn là một cánh tay to lớn, được nhận xét vui là "tập tạ quá đà". Anh Phan Văn Thông - "cha đẻ" của hai mô hình mèo - tạo tác cặp linh vật này bằng bê tông trong hơn một tuần. Anh lên ý tưởng với các tiêu chí mèo phải độc đáo, khỏe mạnh, ngộ nghĩnh và tạo được niềm vui cho bất kỳ ai nhìn thấy. Bên cạnh cánh tay tập gym, mèo được đeo kính để trông thêm "ngầu" (Ảnh: CTV).
Nghệ nhân Đinh Văn Tâm ở Quảng Trị cũng chính là người nổi tiếng với việc chế tác linh vật hổ oai phong vào dịp Tết Nhâm Dần 2022. Mô hình này cao 2,5m, được đặt trước công viên Lê Duẩn, ở trung tâm thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Hổ được các nghệ nhân dùng xốp tạo hình, sau đó lấy bột thạch cao trát xung quanh, cuối cùng tô vẽ những nét đặc trưng của "chúa sơn lâm" như râu, răng, móng vuốt tạo ra diện mạo chân thực (Ảnh: Tiến Thành).
Oai phong không kém chú hổ tại Quảng Trị, linh vật "siêu hổ" ở tỉnh Phú Yên cũng từng nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng mạng vào dịp Tết 2022. Màu sắc vàng kim óng ánh, dáng vẻ oai vệ của mô hình này khiến người dân rất thích thú, liên tục đổ về chụp ảnh (Ảnh: FB).