Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu:
“Roi vọt từng góp phần rèn chúng ta nên người, nhưng nay không còn phù hợp”
(Dân trí) - “Có một thời chúng ta đi học thường được thầy, cô sử dụng cây thước của mình góp phần rèn chúng ta nên người. Tuy nhiên, ngày nay việc đó đã không còn phù hợp nữa...”.
Tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành với thanh niên. Một trong những vấn đề được thanh niên nêu ra là tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ cho môi trường giáo dục, gia đình, xã hội…
Có thanh niên đặt vấn đề, trước tình trạng BLHĐ gia tăng thì ngành Giáo dục Bạc Liêu có giải pháp gì để làm giảm, ngăn chặn hành vi này.
Chia sẻ với thanh niên, ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ (GD-KH&CN) tỉnh Bạc Liêu, cho biết, trước tình trạng BLHĐ đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước.
Ngành Giáo dục luôn ý thức là phải làm gì để giúp cho học sinh trên địa bàn tỉnh được sống, học tập, vui chơi, rèn luyện trong môi trường an toàn.
Theo ông Tân, BLHĐ không phải là câu chuyện cũ, ở những mức độ khác nhau thì có thể nói thời nào cũng có. Thời gian qua, ở Bạc Liêu BLHĐ không thể nói là không xảy ra, nhưng những vụ việc lớn, điển hình thì không có. Đây là điều đáng mừng, kết quả nỗ lực rất nhiều của ngành Giáo dục nói riêng.
Để làm hạn chế tối đa tình trạng BLHĐ, theo Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, ngành đã triển khai rất nhiều giải pháp. Trước hết là công tác truyền thông, qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống BLHĐ, rèn luyện kỹ năng sống cho người học, nâng cao ý thức về mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc phát hiện, thông báo, ngăn ngừa hành vi BLHĐ.
“Vào đầu mỗi năm năm học, ngành Giáo dục của tỉnh đã quan tâm đến chuyện này. Năm nào cũng dành một tuần để chuẩn bị các công việc đầu năm, và một trong những việc phải làm là quán triệt nhận thức tư tưởng giúp thầy, cô giáo và học sinh có được điều này”, ông Tân nói.
Trong quá trình dạy học, ngành luôn chú ý lồng ghép kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, việc phòng chống, ngăn chặn và xử lý các hành vi BLHĐ... vào các môn học, trong đó có các môn lợi thế như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân hay một số môn gắn với hoạt động trải nghiệm của học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu Dương Hồng Tân nhận định, BLHĐ ngày nay không chỉ diễn ra ở trong thực tế mà còn diễn ra cả trên không gian mạng.
Do đó, ngành cũng tăng cường trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng chống xâm hại người học và bạo hành trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó là xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trường học. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tốt tư vấn tâm lý, trải nghiệm sáng tạo, góp phần định hướng thẩm mỹ lành mạnh, ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử, hình thành phát triển nhân cách cho người học qua việc áp dụng các biện pháp quản lý giáo dục tích cực không bạo lực đối với người học.
“Dân gian ta từ xưa nay vẫn bình thường nói là “Thương cho roi, cho vọt”. Cũng có một thời chúng ta đi học thường được thầy, cô sử dụng cây thước của mình góp phần rèn chúng ta nên người.
Trong thực tế, roi vọt trong chừng mực nào đó cũng góp phần rèn luyện nên sự trưởng thành của mỗi người. Tuy nhiên, ngày nay việc đó đã không còn phù hợp nữa.
Cho nên chủ trương của ngành Giáo dục nói chung, ngành Giáo dục Bạc Liêu nói riêng rất kiên quyết áp dụng phương pháp giáo dục mới, tăng cường quản lý giáo dục tích cực không bạo lực đối với người học. Nói như vậy không có nghĩa đã triệt để nhưng việc này đã được vận dụng khá hiệu quả”, ông Tân khẳng định.
Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu cũng cho rằng, một trong những biện pháp nữa là các trường tổ chức tốt việc bàn giao học sinh giữa thầy, cô giáo chủ nhiệm, bộ môn cũ với thầy, cô giáo chủ nhiệm, bộ môn mới để giúp các thầy, cô sớm nắm bắt được học sinh.
Qua đó, thầy, cô có được ngay từ ban đầu những giải pháp hợp lý nhất cho từng đối tượng, từ đó cũng đã ngăn chặn tốt những hành vi bạo lực có thể xảy ra.