Ra nước ngoài tình nguyện, có gì khác?

Lạc đường, mất hành lý, không liên lạc được với ai và phải tự xoay xở mọi thứ hay những cuộc chia tay đầy nước mắt, tình nguyện viên người Việt ở nước ngoài đã trưởng thành hơn trong những tình huống dở khóc dở cười trên nước bạn.

Vượt qua định kiến

Quyết định kết thúc sự tẻ nhạt của cuộc sống sinh viên sau năm nhất đại học, Phan Thị Ngọc Trâm (23 tuổi, Đà Nẵng) quyết định lên đường đến Thái Lan, dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở tại các vùng quê ở đất nước này.

Nhận ra mình còn giữ quá nhiều định kiến về thế giới, tự hạn chế, cô lập bản thân với mọi người, chuyến đi tình nguyện kéo dài 6 tuần ở đất khách khiến Ngọc Trâm thay đổi rất nhiều.

Kể về chuyến tình nguyện “sẵn sàng đi để học và chẳng ai cản được” ấy, Ngọc Trâm hào hứng: “Năm đó mình ở cùng phòng với Maggie - một bạn gái người Trung Quốc. Mình khá khó chịu và rất ghen tị với những bạn khác được ở cùng phòng với các bạn Anh, Mỹ.

Nhưng thực sự trong suốt quá trình sinh sống tại đây mình nhận ra rất may mắn khi được làm việc chung với Maggie. Lịch sự và rất tình cảm, Maggie giúp mình hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc. Mình biết rằng không nên đặt quá nhiều định kiến và việc mình nhìn nhận người khác cũng phải xuất phát từ chính bản thân họ”.

Không chỉ đơn thuần làm những công việc giúp đỡ người dân bản địa, các tình nguyện viên quốc tế luôn phải nỗ lực góp nhặt kiến thức, kỹ năng để vượt qua những sự cố ngoài dự tính. Những cô gái, chàng trai trẻ tuổi buộc phải tự học cách thích nghi với môi trường mới, trang bị những kiến thức bảo vệ bản thân và hòa nhập với cộng đồng mới.


Nguyễn Thị Khánh Vân (ngoài cùng bên trái) và học sinh trong tiết học cuối cùng tại Campuchia.

Nguyễn Thị Khánh Vân (ngoài cùng bên trái) và học sinh trong tiết học cuối cùng tại Campuchia.

Nhiều trải nghiệm độc đáo

Đánh dấu tuổi 20 bằng chuyến tình nguyện ở Campuchia, Nguyễn Thị Khánh Vân (21 tuổi, Huế) “liều” đi để mở mang hiểu biết. Mặc nhiều người e ngại vì vóc dáng nhỏ bé, Vân quyết tâm đi để tìm kiếm những trải nghiệm độc, lạ.

Gần hai tháng ở xứ lạ, đã có lúc tiền trong túi cạn kiệt, lại không thể đi làm thêm để trang trải, Khánh Vân phải “cầu cứu” những người bạn ở quê nhà. Không thiếu những lần Vân một mình tò mò đến Cánh Đồng Chết, mày mò đến Siem Reap bằng xe điện và gặp rắc rối khi xe… hết điện, hay lang thang ngoài đường từ khuya tới sáng và gặp rất nhiều người với nhiều nghề khác nhau.

“Chỉ hai tháng thôi nhưng những trải nghiệm này ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản thân mình, điều mà hơn 20 năm sống ở nhà mình còn chưa có được”, Vân cười.

Chuyến tình nguyện ở nước ngoài thường kéo dài từ 4 – 6 tuần. Khoảng thời gian vừa đủ để nuôi dưỡng những tình cảm đẹp đối với tình nguyện viên và người dân bản địa. Những cuộc chia tay đẫm nước mắt của kẻ ở, người đi và lời hẹn ngày gặp lại là sợi dây kết nối những con người của những dân tộc khác nhau.

Vừa trở về từ chuyến đi đến Thái Lan dạy tiếng Anh cho các em học sinh tiểu học, Phạm Thị Khánh Linh (20 tuổi, Quảng Trị), chia sẻ: “Mình đã khóc tưởng không dừng được lúc phát biểu trong giờ chào cờ để chia tay học sinh. May mà lúc đó, một giáo viên người Thái đã đọc giúp mình bức thư gửi các em. Học sinh khóc và vẫy tay chào mình đến khi vào tận cửa lớp để bắt đầu giờ học”.

Những tình cảm trong veo, cái ôm chặt và những câu nói tiếng Anh bập bẹ của học sinh đã khiến Linh không nỡ rời đi. “Cho đến khi mình sắp lên xe rời trường, các em học sinh vẫn chạy theo gọi “teacher, teacher” và tặng rất nhiều hoa, quà, thư tay.

Tình nguyện viên ở nước ngoài buộc phải tự học cách thích nghi với môi trường mới, trang bị những kiến thức bảo vệ bản thân và hòa nhập với người bản địa. Khánh Vân kể, có đi mới thấy bạn bè quốc tế tài giỏi ra sao. “Mình đã hoàn toàn thay đổi thái độ và kinh ngạc khi thấy các bạn người Campuchia hùng biện trên sân khấu”


Theo Mỹ Tiên

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm