Quảng Trị: Chàng trai 9X tiên phong trồng dưa lưới hiệu quả trên vùng đất đỏ
(Dân trí) - Sau 4 tháng xây dựng mô hình, miệt mài gieo giống, dưa lưới của chàng thanh niên 9X đã phát triển hiệu quả trên vùng đất đỏ. Đây cũng là mô hình dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng đầu tiên tại Vĩnh Linh, hứa hẹn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Thật khó tin, chủ của mô hình trồng dưa này là chàng thanh niên còn rất trẻ - anh Lê Văn Vượng (SN 1994, trú tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Xuất ngũ trở về nhà trồng dưa
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, chàng trai trẻ Lê Văn Vượng “nuôi” quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp. Anh đã kế tục nghề nghiệp của gia đình và tập trung vào lĩnh vực trồng trọt.
Thời điểm này, sau những ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, chính quyền địa phương đang khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, vừa đảm bảo an toàn.
Nắm bắt cơ hội này, Vượng đã mạnh dạn thực hiện và được tạo điều kiện đi học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh miền Bắc. Khi trở về quê hương, anh đã thành lập HTX Trường Sơn gồm có 15 thành viên do anh làm Giám đốc.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tiên tại Vĩnh Linh của chàng trai 9X được hình thành tháng 7/2017, với diện tích hơn 2.000 m2. Vượng cho biết, số tiền để đầu tư xây dựng mô hình gần 1 tỷ đồng, trong đó huyện Vĩnh Linh hỗ trợ 300 triệu đồng. Bên trong nhà màng, Vượng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống phun sương cho cây trồng.
Sau 1 tháng, khi đã chuẩn bị đất, xử lý vi khuẩn, Vượng đã trồng khoảng 4.800 gốc dưa lưới và dưa hấu trong nhà màng. Được đánh giá là giống cây mới, kén đất trồng, thế nhưng loại dưa lưới được anh Vượng trồng thành công và cho hiệu quả cao khi trồng bằng phương pháp này. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao trên 70%, tổng sản lượng ước đạt từ 4-4,5 tấn. Theo anh Vượng, chỉ trong vòng khoảng nửa tháng nữa số dưa này sẽ đến kỳ thu hoạch, hứa hẹn mang lại một vụ mùa bội thu.
Anh Vượng cho biết: "Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, kỹ thuật bón phân, nước tưới... Đặc biệt, do cây được trồng trong nhà kính nên hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch.
Mặc dù, đây là vụ dưa đầu tiên nhưng tỷ lệ đậu quả rất lớn, cây phát triển nhanh, cho trái đồng đều. Riêng cây dưa hấu mùa đông không trồng được với môi trường bên ngoài thì lại phát triển tốt trong nhà kính và cho sản lượng cao".
Mô hình dưa trong nhà có thể sản xuất 3 vụ/năm. Dưa lưới sắp cho thu hoạch, mỗi quả nặng hơn 0,5kg
Vượng cho hay, do được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới tiêu tự động nên khi thu hoạch xong, sử dụng cây mới trồng thay tế cho cây cũ. Vì vậy, có thể canh tác quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết, thường mỗi năm có thể sản xuất 3 vụ dưa.
Hiện nay, theo giá thị trường mỗi kg dưa hấu có giá 10.000 đồng, 1kg dưa lưới có giá 40.000 đồng bán ra sẽ thu lại từ 150-160 triệu đồng.
Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao
Tại huyện Vĩnh Linh hiện đang có 4 mô hình nhà màng trồng rau, củ, quả sạch, bao gồm 3 mô hình thổ canh và 1 mô hình thủy canh tại 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tú với tổng diện tích 5.500 m2. Tổng kinh phí đầu tư các mô hình trên 4,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 900 triệu đồng. Dự kiến vào tháng 12 sẽ triển khai thêm 2 mô hình mới.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Vĩnh Linh đã có phương án giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trồng tại các mô hình ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm nông sản sạch trên địa bàn tới người tiêu thụ.
Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho biết: "Khi áp dụng phương pháp canh tác truyền thống ngoài trời rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và sâu bệnh rất nhiều. Tuy nhiên, sản xuất trong nhà màng sẽ hạn chế được tất cả các nhược điểm trên đồng thời nhà vườn có thể chủ động được độ ẩm trong đất hạn chế được các loại dịch bệnh đối với cây trồng nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".
Qua triển khai các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn cho thấy, phương pháp canh tác trong nhà kính tăng năng suất so với phương pháp canh tác truyền thống từ 30-50%.
Theo bà Kiều, trong thời gian tới địa phương tập trung chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch để bà con nông dân có thể sản xuất và canh tác trái vụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Đăng Đức