Qua ống kính trẻ thơ 2018 – Những thước phim chạm vào cuộc sống

(Dân trí) - Không dừng lại ở một cuộc thi, chương trình đào tạo làm phim Panasonic Kid Witness News - Qua ống kính trẻ thơ là cơ hội để các bạn nhỏ có dịp thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình về thế giới một cách chân thật, hồn nhiên và giàu xúc cảm.

Những góc nhìn trẻ thơ độc đáo...

Chương trình làm phim Kid Witness News - Qua ống kính trẻ thơ (KWN 2108) do Panasonic tổ chức vừa kết thúc vào giữa tháng 11 vừa qua. Năm 2018, tiếp tục với 3 chủ đề quen thuộc Thể thao, Môi trường và Giao tiếp, nhưng KWN 2018 đã tăng sức nóng của mình với nhiều kỷ lục mới, thu hút 122 kịch bản từ hơn 11,000 bạn học sinh Hà Nội thuộc 2 lứa tuổi Tiểu học và Trung học.

Từ đó, 13 đội với kịch bản xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết. Sau hơn 5 tháng được đào tạo và thực hành, nhiều tác phẩm độc đáo của các nhà làm phim nhí đã lộ diện.

Một giờ thực hành ngoài trời kết hợp dã ngoại của các đội tham gia KWN 2018 tại Bản Lác – Mai Châu – Hòa Bình
Một giờ thực hành ngoài trời kết hợp dã ngoại của các đội tham gia KWN 2018 tại Bản Lác – Mai Châu – Hòa Bình

Mỗi bộ phim là một góc nhìn và cách tiếp mới lạ về những vấn đề trong cuộc sống. Đội trường Spring Hill lựa chọn việc tìm hiểu ngôn ngữ giao tiếp của người Mường và đến Hòa Bình - nơi có đồng bào dân tộc sinh sống để làm phim tài liệu; THPT Tân Lập với “Bữa cơm cùng mẹ” lấy đề tài hâm mộ thần tượng hiện nay của giới trẻ, còn đội Đoàn Thị Điểm Greenfield lại thông qua câu chuyện về một cái cây để gửi gắm bài học cùng gìn giữ màu xanh và môi trường…

Một trong 13 đội chơi, THCS Nam Từ Liêm lọt vào vòng chung kết với tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của chai nhựa”. Khi được hỏi vì sao lựa chọn đề tài này, Thúy Hằng, đạo diễn nhí kiêm biên kịch cho biết: “Khi đi học, em thường xuyên gặp những chai nhựa bị vứt lăn lóc trên vỉa hè, dưới mặt đường. Chúng em rất tò mò muốn tìm hiểu xem, một chiếc chai nhựa sẽ có hành trình ra sao sau khi được mua từ siêu thị và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường như thế nào”..

Kết quả chung cuộc, giải Nhất lứa tuổi tiểu học thuộc về đội Tiểu học Thịnh Quang với bộ phim “Happy Birthday”, kể về câu chuyện gia đình nhiều cảm xúc của bé Nam. Lần đầu tiên, một cậu bé 10 tuổi có thể lan tỏa được ý nghĩa thiêng liêng của ngày sinh mình, không ai khác chính là ngày dành tặng cho mẹ, là Ngày của Mẹ.

Giải Nhất lứa tuổi Trung học thuộc về đội THCS Archimedes Academy, với hình thức thể hiện độc đáo đã nhấn mạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường thông qua câu chuyện tự thuật của chú cá vàng trong ngày ông Công ông Táo với hành trình từ lúc bị đem ra chợ bán, đến khi bị thả ra những dòng sông ô nhiễm cùng những chú cá khác.

KWN 2018 gọi tên hai đội là Tiểu học Thịnh Quang (bên trái) và THCS Archimedes Academy (bên phải)
KWN 2018 gọi tên hai đội là Tiểu học Thịnh Quang (bên trái) và THCS Archimedes Academy (bên phải)

Được vun đắp từ sự đồng hành lớn lao

Hành trình làm phim của các bạn nhỏ tại KWN 2018 không thể thiếu sự đồng hành bền bỉ của các giảng viên điện ảnh, các bậc phụ huynh, các cô chú phụ trách dự án tại Panasonic cũng như thầy cô giáo tại mỗi trường có học sinh tham gia.

Đánh giá cao vai trò của quan điểm và ý tưởng của các bạn nhỏ khi thực hiện bộ phim đầu tay, Đạo diễn Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, người dẫn dắt các nhà làm phim nhí của KWN cho biết: “Thế giới của trẻ nhỏ luôn rộng lớn và nhiều màu sắc. Cách tiếp cận của các em với những điều quanh mình khiến cho tôi cũng phải nhìn lại cuộc sống xung quanh tôi. Đây là điều khiến tôi thấy thú vị nhất với chương trình. Những ý tưởng được thể hiện lên phim, đôi khi còn sự vụng về trong cách kể chuyện sử dụng hình ảnh, nhưng đối với tôi, tất cả những gì nguyên bản nhất thuộc về các em là nhũng điều tuyệt vời nhất.”

Tự tay thực hiện bộ phim đầu tiên của mình khiến các bạn nhỏ vô cùng hứng thú
Tự tay thực hiện bộ phim đầu tiên của mình khiến các bạn nhỏ vô cùng hứng thú

Chị Thùy Hương, phụ huynh của một nhà làm phim nhí của Pony team hồ hởi: “Theo sát con trong quá trình làm phim, tôi thấy các bạn trưởng thành lên từng ngày, trong từng buổi học, buổi đi quay, từng email viết gửi thầy cô và các bạn. Sản phẩm có thể đâu đó chưa trọn vẹn, nhưng đây sẽ là khoảng thời gian đầy ý nghĩa với các con.”

Nói về KWN 2018 và ý nghĩa của nó, ông Kazuhiro Matsushita, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam chia sẻ: “Với thời gian hơn 5 tháng cùng nhiều hoạt động đa dạng từ học tập tới thực hành, chúng tôi mong muốn truyền tới các bạn trẻ niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ bảy cũng như khát khao khám phá và giao tiếp với thế giới. Panasonic mong rằng, thông điệp các bạn nhỏ gửi gắm trong tác phẩm của KWN 2018 sẽ được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.”

Với 13 đội chơi, KWN 2018 là bước chân đầu tiên chạm ngõ thế giới điện ảnh. Hi vọng rằng cuộc thi không chỉ thắp lên ngọn lửa đam mê cho các bạn nhỏ trên con đường tìm hiểu thế giới nghệ thuật thứ 7 đầy màu sắc, mà còn truyền cảm hứng để mỗi cá nhân mạnh dạn thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình.

Chương trình làm phim KWN 2018 – Qua ống kính trẻ thơ là một trong nhiều hoạt động đóng góp cho xã hội của Panasonic Việt Nam nhằm mang tới “Một cuộc sống tốt đẹp hơn, một thế giới tươi đẹp hơn”. KWN 2018 nằm trong chuỗi hoạt động chào đón lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, với kỳ vọng mang đến cơ hội khám phá thế giới phim ảnh, vun đắp môi trường giáo dục và nhân văn cho thế hệ trẻ Việt. Khởi đầu từ năm 2006, đến nay, chương trình đã thu hút hơn 17.000 học sinh từ 10 đến 18 tuổi từ hơn 160 trường tham gia.

Phương Trang