Phút nông nổi...

Sau cuộc liên hoan rôm rả, chúng tôi phừng phừng trên cơn mê hơi bia rượu. Như thường lệ, mỗi lần có men say vào là tôi không thể đi đâu và chỉ biết nằm ngủ. Thế nhưng hôm nay lại khác...

Tôi bước đi trong lặng yên lòng nao nao mà dường như không thể nói lên lời. Hè ơi sao lại đem đến cho tôi sự tuyệt vọng, nỗi hối hận lớn quá, sự sợ hãi đã in đậm một mùa hè, một mùa hè mà cả cuộc đời này không thể nào quên đuợc nó như dấu ấn khắc sâu trong lòng.

Tôi không phải là đứa học sinh nghịch ngợm, quấy phá, bản tính hiền lành và chăm chỉ tôi học được từ cha, sự nhường nhịn và vị tha bắt nguồn từ mẹ, có thể như đó là một sự khởi đầu cho một đoàn viên thanh niên tốt, một công dân có ích cho xã hội sau này. Thế nhưng chỉ một giây lát thôi một vài câu nói bông đùa khiêu khích của đám bạn lêu têu nghịch ngợm mà giờ đây tôi đã gây ra biết bao nhiêu tai họa, đau khổ cho nguời khác.

Mùa hè năm nay với tôi và chúng bạn thật hoàn hảo và với những dự định thú vị mà lũ chúng tôi đã vạch ra theo từng kế hoạch, nào là đi Hà Nội thăm người thân ngắm phố, đi rong ruổi bãi tắm Đồ Sơn, ngao du miền Trung nắng cháy với những bãi cát vàng trải dài mênh mông... từng ấy thôi đã muôn điều thú vị rồi nhưng đó sẽ mãi là một giấc mơ một kế hoạch dở dang còn nằm lại sau những nỗi buồn .

Sau cuộc liên hoan rôm rả, chúng tôi chia nhau theo từng nhóm túm tụm bàn tán đầy ngẫu hứng như bao cuộc liên hoan tiệc tùng khác. Chính vì cái lẽ đó mà chúng tôi đứa nào cũng phừng phừng trên cơn đê mê của hơi bia rượu. Giá như thường lệ mỗi lần có men say vào là tôi không thể đi đâu và chỉ biết nằm ngủ. Thế nhưng hôm nay lại khác, khi say tôi không ngủ, tôi lấy xe chở người bạn gái thân nhất về nhà trong khi đó hơi men say vẫn ngùn ngụt có lẽ tôi không làm chủ được mình.

Tôi nhớ tôi đi rất nhanh, nhanh lắm nhanh đến nỗi khi tôi tỉnh dậy đầu tiên tôi nhìn thấy là ánh mắt đỏ hoe của mẹ, là hơi thở dài của cha mà nhìn họ tôi lại thấy lạ lẫm như hai ba năm nay tôi chưa từng gặp.

Khuôn mặt hốc hác của cha sự cứng rắn nghiêm túc khi xưa bây giờ chỉ còn là sự ưu phiền và tiều tụy, tôi thấy đau nhức toàn thân mà không biết chuyện gì dã xảy ra. Như tôi vừa ngủ một giấc ngủ dài vậy. Thấy mắt tôi hé mở khuôn mặt bàng hoàng của mẹ chợt lặng câm cha như đang giật mình, thế nhưng tôi không nghe ai nói một lời nào, câu nói đầu tiên tôi nói được là “Tôi đang ở đâu vậy? Bà là ai?''

Mẹ tôi ngơ ngác như không hiểu chuyện kèm theo là sự kinh ngạc, bà luống cuống hốt hoảng gọi tên tôi: “Hoàng, mẹ đây mà, con không sao chứ? Con tỉnh dậy rồi, cuối cùng con đã tỉnh dậy”. Nước mắt bà tuôn rơi, một nụ cười còn trong sự sợ hãi và ngờ vực bởi lời nói của tôi làm mẹ sợ thì phải .

“Mẹ ư sao bà lại là mẹ tôi, mẹ tôi là ai?”. Cha tôi luống cuống: “Cái thằng này mày sao thế? Hay là...”. Ánh mắt ba hốt hoảng khi nhớ lời bác sỹ.

Họ nhìn nhau mà lòng quặn thắt nhưng khi trấn an lại cha tôi chạy ngay gọi bác sỹ, khi khám cho tôi xong hai người đàn ông nhìn nhau, nhưng những gì bác sỹ không nói cha tôi cũng có thể hiểu. Tôi đã mất trí nhớ bởi chấn thương sọ não sau vụ tai nạn kinh hoàng đó.

Khi tôi tỉnh dậy thì người bạn của tôi cũng như người tôi đã húc phải kia họ đều không thể tỉnh dậy được nữa. Tôi giờ đây không nhớ được gì, suốt ngày ngây ngây ngô ngô sống không hồn. Vậy là không chỉ đã trực tiếp gây nên cái chết của hai con người vô tội kia, tôi còn là gánh nặng - một gánh nặng lớn cho gia đình từ nay về sau.

Vì tôi mà cha mẹ phải cầm cố nhà cửa vay nặng lãi món nợ lớn ập đến nhà cửa tan hoang không thể gì hơn lúc này nữa. Tôi thì vẫn thế vẫn ngây ngô lạ thường lúc tỉnh lúc mơ cũng chính vì điều này mà giờ đây tôi chỉ còn một người bạn một người bạn hàng xóm.

Nó nhỏ hơn tôi hai tuổi có thể nói chuyện cùng tôi mà không lo tôi nổi cơn điên làm hại. Đã bao lần nó bị thương, đã bao lần bị tôi cào xé xây xước mặt mày mỗi lần trở trời trái gió... Lần đầu nó sợ tôi lắm, cả mẹ nó nữa đã cấm nó sang nhà gặp tôi, nhưng dường như chính vì điều ấy mà nó lại hay sang thăm lại thương cảm tôi nhiều hơn, bây giờ đây nó đã quen rồi. Chúng tôi chơi với nhau thân thiết.

Tôi là đứa con nít to con nhưng thấy ai cũng sợ và hốt hoảng khi thấy người lạ, tiếng xe máy chạy qua cũng làm tôi co cụm người núp sau cái thân hình nhỏ bé gầy gầy của nó để mong tìm được sự an toàn, có nó tôi thấy an lòng hơn. Cha tôi là công viên chức nhà nước, mẹ là giáo viên tiểu học, đồng lương nhỏ nhoi của họ đã bị con bệnh như tôi dùng vào bữa ăn chính. Đó là là một nắm thuốc tây đắng ngấy người nhưng tôi vẫn ăn vẫn nhai sào sạo như không có cảm giác vậy.

Mỗi tháng tiền lương ít ỏi ấy chỉ đủ cho tiền thuốc, tiền nợ lãi ngân hàng, người thúc giục trả nợ triền miên, mỗi lần đó tôi đều nhìn thấy đôi mắt mẹ tôi đẫm nước đỏ hoe, cha tôi rầu rực không nói lên lời, tất cả chỉ vì tôi.

Thương tôi nhiều lắm mỗi lần trong cơn phát bệnh mẹ ôm tôi, bà gào khóc kêu trời , mắt bà đẫm lệ, cha tôi cũng không thể cầm lòng tay ôm ghì lấy tôi mà cổ họng ông như cứng lại đau đớn không nói lên lời. Lúc ấy dường như tôi xem họ là kẻ thù, cào bới như một con chim nhỏ bé đang bị sự tấn công của kẻ thù để làm mồi.

Mùa này qua mùa khác rồi năm này qua năm khác tôi vẫn cứ thế vẫn là gánh nặng, vẫn là nỗi khổ của cha mẹ tôi. Chỉ có một người không phải là cha tôi hay mẹ tôi vẫn hằng ngày thương cảm dõi theo, nó cứ thế đã lớn, đã vào đại học mà giờ đây nó vẫn là người bạn để bảo vệ tôi trong lúc tôi hoảng sợ. Vẫn kể chuyện và nói với tôi trong lúc tôi lơ mơ tỉnh tỉnh. Và cha mẹ tôi vẫn thế vẫn mọt nỗi đau, một tấm thân gầy gian khổ sầu tư hằng ngày chắt chiu từng đồng một mà vốn dĩ cuộc sống họ không đến nỗi như thế .

Tôi là gánh nặng của gia đình là sự khổ lụy của tương lai, bây giờ tôi không nghĩ được, không ý thức nổi những gì mình đang làm và đang từng trải qua. Nỗi đau này chỉ nói được khi một thời gian tôi còn tỉnh táo. ''Tôi là'' -  những dòng tâm sự này chỉ mong những bạn cùng trang lứa còn ham chơi đua đòi mà hành động thiếu suy nghĩ như tôi trong mùa hè ấy làm một bài học. Một bài học quá đắt giá với tôi tuy nó đã xảy ra quá nhiều mà chính tôi cũng đã được biết. Một nỗi đau quá lớn mà tôi đã gây ra và đang gánh chịu. Nhưng có ai biết rằng người viết nên câu chuyện này lại đau khổ gấp trăm ngàn lần so với người gánh chịu. Bởi họ nhận biết được và ý thức được nỗi đau, còn tôi thì...?

Nguyễn Đức
(Kim Mã- Ba Đình - Hà Nội)