8X Trung Quốc:

Phớt đời, cởi mở về sex, không thích “đụng hàng”

Thế hệ những người sinh ra vào thập niên 80 đang trở thành một nhóm quan trọng trong xã hội Trung Quốc. Họ thường được nói đến với hai cách nhìn trái ngược nhau. Thực ra gương mặt của họ là thế nào?

Một phía cho đây là những kẻ quen được nuông chiều và ích kỷ, một phía khác khẳng định 8X quyết đoán và nồng nhiệt, có phong cách riêng.

Những hình xăm trổ trên tay, mái tóc dài nhuộm màu, áo phông hình Che Guevara. Song Jiahe mang vẻ mặt thờ ơ chán chường đứng bên ngoài những đám đông. Đấy là kiểu mà cậu ta thích.

Cậu ta thích khác đời, khác người. Trưng ra một bộ mặt lãnh đạm, Song dường như không muốn nói chuyện với ai. Còn nếu nói, thì cậu ta sẽ phun ra một tràng như nước lũ, toàn chuyện rap, hip hop và trượt ván. Còn thì im lặng, tay bắt chéo trước ngực và đôi mắt làm ra một vẻ rất kênh kiệu, chẳng thèm nhìn đến ai.

Ước muốn mãnh liệt...

Song sinh năm 1983, là SV một lớp người được gọi bằng một danh từ là thế hệ 1980 - thời mà Trung Quốc chuyển mình rất mạnh trong quá trình mở cửa với thế giới và thực hiện triệt để chính sách 1 con.

Song cũng là một trong những người tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận nảy lửa về thế hệ 8X trên các báo, tạp chí và website, bởi họ đang trở thành một nhóm quan trọng trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Họ được gắn cho các loại mác, từ “thế hệ điện tử” tới “thế hệ sành điệu” hay “thế hệ mới”.

“Họ không giống những người sinh vào thập niên 70 hay 90”, nhà xã hội học Wang Weuhai thuộc ĐH Phúc Đán Thượng Hải nói. “Họ quyết đoán hơn và nồng nhiệt hơn. Họ có một ước muốn mãnh liệt là được thừa nhận có một phong cách riêng biệt trong ăn mặc và ứng xử”. Trong số những người 8X Trung Quốc có các ngôi sao nổi danh trong lĩnh vực viết lách, điện toán, ca nhạc và thể thao.

Và sự nhìn nhận trái ngược

Tuy nhiên hiện nay những người 8X dường như thường bị mô tả một cách tiêu cực. Nào là vô trách nhiệm, chỉ biết bản thân mình và ích kỷ, vừa tự mãn lại vừa tự ti, đấy là những từ ngữ hay xuất hiện cùng cụm từ 8X. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về giới trẻ khẳng định rằng thế hệ 8X có những đặc điểm mà những người khác không có.

Đặc biệt, họ hay tưởng là cả thiên hà quanh quẩn chân mình, coi đó là điều đương nhiên và chỉ hành động dựa trên ý chỉ của bản thân. Những khái niệm và tục lệ truyền thống phải nhường chỗ cho các đặc tính cá nhân và cái tôi. Cách nghĩ của những người 8X thể hiện ngay khi họ tìm kiếm công việc đầu tiên sau khi ra trường.

Nhảy việc như cóc

“Đằng ấy đã thay đổi việc làm chưa?” là câu hỏi cửa miệng của người 8X, thậm chí còn được dùng thay cho câu chào. Nhảy việc liên tục là hiện tượng phổ biến. Theo một nghiên cứu do Viện Khoa Học xã hội Thượng Hải tiến hành, có tới 70% SV tốt nghiệp năm 2003 và 2004 thay đổi việc làm ngay trong năm đầu tiên.

Chẳng hạn, Delia Moon đã làm tới 5 công việc kể từ khi cô tốt nghiệp ĐH Quốc tế Thượng Hải năm 2003, lý do lần thay đổi nào cũng là cô không thể hợp tác với đồng nghiệp và lương thấp.

“Họ rất dễ chán công việc vì thường thiếu tinh thần làm việc tập thể, rất kém trong giao tiếp với đồng nghiệp", Zhang Yue, giám đốc một công nhân lực ở thành phố này nhận xét.

Được nuông chiều, giàu thông tin

Hầu hết thế hệ 8X là con một, thường được gia đình nuông chiều, không mấy khi vấp phải sự phản đối hay bác bỏ. Họ cảm thấy khó mà bơi được trong xã hội một khi phải bước qua ranh giới bảo đảm an toàn của gia đình và trường học. Họ thích được chú ý và chiều chuộng. Điều này giải thích tại sao 8X có lối ăn mặc và cư xử kỳ lạ bởi điều đó thu hút sự chú ý của mọi người. Trong số họ, 60% làm việc để khẳng định bản thân và sự thừa nhận của xã hội, chỉ có 15% ngó ngàng đến sự phát triển của quốc gia, tờ Thanh niên Trung Hoa cho hay.

Internet và văn hóa pop cũng giúp họ một tay. Mạng toàn cầu tránh cho 8X việc tiếp xúc trực tiếp với những người khác. Nhiều 8X là những con nghiện tin nhắn (IM), email và webcam.

8X được tiếp cận nhiều thông tin hơn hẳn cha mẹ họ, phần nào là nhờ mạng toàn cầu. Những gương mặt non trẻ của họ đầy vẻ lãnh đạm và thờ ơ - họ rất tự tin làm mọi việc theo ý mình, trong khi các bậc phụ huynh cứ phải băn khoăn tự hỏi về con cái.

Phớt đời, cởi mở về sex, không thích "đụng hàng"

"Không phải tôi không yêu đời, mà đời không yêu tôi", Zhang Ye, một SV 8X nói.

So với các thế hệ trước, những người 8X rất quan tâm đến cảm xúc của riêng mình, trong khi vẫn theo dõi những câu chuyện và con người xung quanh họ. Thì đây, một làn sóng các cây viết trẻ đang trăm hoa đua nở. Họ viết sách về những nỗi thất vọng và lo lắng trước hiện thực giáo dục và sự thay đổi trong xã hội. Đó là những cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc.

Ngoài sách và tiểu thuyết, thì Iternet và các blog đang nở rộ như nhằm đáp ứng nhu cầu thể hiện cái tôi cũng như suy nghĩ về xã hội của thế hệ 8X. Chuyện tình yêu nam nữ, vốn bị coi là chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc, giờ lại là những câu chuyện ăn khách và được nhiều 8X nhiệt liệt hưởng ứng thảo luận. Họ rất cởi mở về sex. Một khảo sát mới đây về quan niệm hôn nhân và tình dục cho thấy hơn 25% những người sinh các năm 1980 chấp nhận tình yêu trong thế giới ảo, và 19 % cho rằng đó là một cách để trốn chạy những sức ép về tâm lý.

Sống chung trước hôn nhân được 70% giới trẻ ủng hộ và họ cũng tỏ ra có hiểu biết về tình dục đồng giới. Dù không ủng hộ, thế hệ 8X cũng không phản đối chuyện vốn bị coi là "động trời" này.

"Tôi muốn sống theo cách tôi thích, chứ không thích làm theo người khác" (Han Han, một 8X từng bỏ học giữa chừng để theo đuổi giấc mộng văn chương và đua xe thể thao). Còn một công chức sinh năm 1982 tên là Windy Wang thì khẳng định: "Đây quả thực là một cuộc cách tân. Chúng tôi chỉ thích tìm kiếm những thứ hợp mốt và độc nhất vô nhị thôi".

Theo Sinh Viên Việt Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm