Phong trào “tôn sùng” nước mắt
Mỗi khi nhóm 5 người của Hoài Thu (sinh viên năm thứ 2, ĐH Văn hoá) xuất hiện trước “công chúng” thì họ giống như một nhóm nhạc nào đó hơn là những sinh viên đại học đang đi dạo ngoài giờ.
Họ có mặt ở đâu là “chói chang, rực rỡ” ở đó bởi những bộ đồng phục hoặc đỏ rực, hoặc trắng muốt cùng với kiểu trang điểm như diễn viên tuồng. Ngạc nhiên đến mức khó hiểu là khi nhóm bạn của Thu nói chuyện đến một tình huống nào cảm động họ có thể cùng một lúc khóc nức nở. Họ tôn sùng nước mắt, tình yêu tinh khiết và làm tất cả điều đó để “tinh khiết hoá” tâm hồn mình.
Đó là những người theo lối sống gọi là Emo. Hiện nay, lối sống văn hoá “mới lạ” trên đang xâm nhập vào Việt Nam, mà đối tượng “tiếp thu” chủ yếu là những người còn rất trẻ.
Nhận dạng một nhóm Emo
Đầu tiên mọi người thấy, Hoài Thu có những dấu hiệu “khác thường” về mặt tâm lý, trong sinh hoạt cá nhân, tập thể thậm chí ngay cả trong cách ăn mặc cũng cho thấy cô chẳng giống ai. Hầu như Thu rất ít tiếp xúc với người trong lớp, cả với mọi người trong phòng ở KTX. Suốt ngày Thu chỉ nằm vùi trên giường tầng hoặc ra sân thượng KTX “ngồi thiền” cùng với chậu hoa của mình.
Thi thoảng KTX lại được “giật mình” bởi đang nửa đêm vang lên tiếng khóc ai oán của Thu. Bạn bè hỏi, Thu không trả lời và có thể ngay tức khắc cười nói như không có chuyện gì. Thi thoảng thấy Thu đi cùng với một số người bạn cùng lứa ở một số trường đại học và hầu như bạn của Thu cũng “cùng dòng” như Thu từ “thể xác đến tâm hồn”.
Về vẻ bề ngoài Thu và nhóm bạn trông giống một số thành viên văn hoá nhóm Goth mà người ta hay nhắc đến, nhưng không có sở thích tụ tập nhau ở nghĩa trang và mơ ước được lên thiên đàng giống như người thuộc nhóm này. Mục tiêu chính của nhóm Thu là tìm cho mình một tình yêu tinh khiết và “nồng nàn như những giọt nước mắt”.
Hoài Thu nói: “Bọn em đều có chung một quan niệm về tình yêu là được ngập sâu trong cảm xúc và rất lãng mạn. Bọn em sẽ rất đau khổ nếu không được đáp lại tình yêu. Xem tình yêu là tình cảm thiêng liêng bởi thế một thành viên trong bọn em khó có thể nói là nó đang bình thường vào lúc trái tim đang tan nát".
Nhóm 5 người của Thu có hai nam và ba nữ. Mỗi khi nhóm bạn của Thu đã “an tọa” ở một địa điểm nào đó là ngay lập tức “nhập hồn” như những người lên đồng. Họ dẫn mọi người đi từ chuyện lạ này đến chuyện lạ khác khiến người ngoài khó mà hiểu được họ đang nói gì. Chẳng hạn họ đang nói chuyện về những bộ trang phục của các ca sĩ có thể chuyển hướng ngay sang lĩnh vực giới tính hay điện ảnh. Đặc biệt khi nói đến một tình huống nào cảm động họ có thể cùng một lúc khóc bù lu bù loa như những cô cậu đang học mẫu giáo bị ai đó bắt nạt.
Các Emo nói gì?
Một nữ Emo có tên là Thảo Thương trong nhóm của Hoài Thu khẳng định: “Tôi không ngại khóc cho thoả lòng nếu có một điều gì đó làm cho trái tim tôi rung động, bởi nó liên quan đến cuộc sống chứ không đơn thuần chỉ là những gì tôi nghe được. Nó giúp tôi cảm nhận và trải nghiệm với những gì tôi muốn. Làm được điều đó tôi tự thấy mình thật hạnh phúc”.
Đình Tuấn, 17 tuổi, một thành viên nam sau khi xem cảnh nhân vật nữ Ưn -sơ chết trong phim Trái tim mùa thu của Hàn Quốc đã “ăn không ngon, ngủ không yên” ngày ngày một mình thơ thẩn ra bãi sông Hồng ngồi khóc tỷ tê như trẻ con. Thi thoảng Tuấn lại than vãn hệt nhân vật nam chính Chun -sơ: “Ưn -sơ à! Anh yêu em” nghe mà thật não lòng. Sau khi chứng kiến cảnh ấy, nhiều người tỏ ra “sợ hãi” trước biểu hiện tâm lý của Tuấn, cho rằng Tuấn bị tâm thần.
Một thành viên nam khác trong nhóm là Khương lại “phong cách hơn”. Thích vuốt keo cho tóc dựng ngược, thích gam màu nóng như đỏ, xanh đậm và nhạc “sến” nên luôn “Săn tìm” những gì “nổi trội” hợp với sở thích của mình để thoả mãn. Sau một thời gian truy cập Internet, tiếp cận với phong cách sống của các đối tượng cùng “gu” với mình đã biểu hiện lối sống Emo ngày một rõ ràng hơn, “khác người” hơn. Chẳng hạn trừ khi gặp các thành viên nhóm, Bá chỉ mặc đồ đen, đi giày đen, tất đen như “võ sĩ Ninja” và tiến tới “em còn nhuộm răng đen nữa” - Bá nói.
Văn hoá, trào lưu hay học đòi?
Tên gọi Emo bắt nguồn từ “emotion” (xúc cảm) là một trào lưu sống dựa theo cảm xúc. Biểu hiện của trào lưu văn hoá Emo là “tôn thờ” chán nản, buồn rầu, rất dễ bị tổn thương của một số lớp trẻ trên thế giới hiện nay.
Không khó để nhận ra người theo văn hoá Emo vì hầu hết đều thể hiện trước tiên ở cách ăn mặc, trang điểm rất “nổi và trội”: bôi mắt màu snág, quấn khăn rách, mặc đồ đồng màu đen hoặc đỏ, tóc tai dị thường… Emo nam thường là những người rất gầy và cũng trang điểm như sơn móng tay một màu hoặc đen, hoặc đỏ và vẽ mắt. Emo nữ thường trang điểm cho mái tóc những thứ rất cầu kỳ như cặp tóc, băng đô…
Giữa đám đông họ có thể hét hay khóc toáng lên không cần biết đến mọi người xung quanh. Đặc biệt đáng chú ý ở chỗ trạng thái tâm lý giữa buồn - vui, khóc - cười có thể diễn ra trong một khoảnh khắc rất ngắn mà ngay cả diễn viên nổi tiếng cũng khó có thể nhập vai hiệu quả như họ.
Ở Nga người ta gọi nhóm văn hoá này là: Những đứa trẻ Emo. Về bản chất, lối sống Emo thực sự (chứ không phải là học đòi) là một lối sống khá lành mạnh. Sống bằng cá tính riêng nhưng bộc lộ tình cảm rất sâu sắc. Họ khó hòa đồng nhưng lại rất nhạy cảm, thích chia sẻ với người khác hơn là người khác chia sẻ với mình. Người Emo cũng có những nhu cầu như: muốn kết bạn, muốn yêu, mỉm cười và khóc, tới rạp xem phim, xem ca nhạc… Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tâm lý Nga cho rằng: người thuộc nhóm văn hoá Emo cảm nhận thế giới quanh họ với nhiều cảm xúc hơn.
Trên thực tế ở Việt Nam đã có người Emo nhưng tụ thành nhóm mới chỉ ở dạng còn “tiềm ẩn” manh nha, lẻ tẻ. Tuy nhiên thực tế cho thấy ngày một nhiều thanh thiếu niên có xu hướng “sống Emo”.
Theo Thể Thao Văn Hóa