Phong trào “phượt” của SV: Cảnh giác với tử thần
Thích khám phá, thể hiện bản thân, lưu lại những kỉ niệm đẹp… du lịch bụi (còn gọi là phượt) đang là trào lưu của giới trẻ, nhất là sinh viên, cho dù mỗi chuyến đi luôn tiềm ẩn hiểm nguy rình rập.
Sở thích khám phá
Là người từng rong ruổi trên nhiều cung đường Tây Bắc trong những chuyến phượt, Việt Anh (sinh viên năm thứ 2, ĐH Sân khấu điện ảnh) cho biết, phong trào phượt hiện nay đang rất phát triển. Trước đây nó chỉ dành cho những người đam mê nhiếp ảnh, những người có điều kiện về kinh tế, nhưng gần đây đã xuất hiện nhiều trong giới học sinh, sinh viên.
“Bọn em học về quay phim, chụp ảnh nên cũng hay đi phượt để có dịp thể hiện tay nghề, có thể đi với các bạn trong lớp, hoặc nhập vào nhóm các nhiếp ảnh gia. Cứ rảnh rỗi là sắp xếp thời gian để đi, có thể là vài ngày, thậm chí đi cả tuần, tùy thời gian nghỉ học.
Chuyến đi phượt của nhóm SV ĐH Sân khấu điện ảnh tại Sơn La. Ảnh: Q.Anh
Nói về chuyện đi phượt, Lê Thanh Tùng (sinh viên năm thứ 4, ĐH Kinh tế quốc dân) hào hứng: “Em hay đi phượt vùng cao. Những chuyến đi luôn thú vị, được ngắm những cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên, hòa mình trong không khí ấm cúng nơi các bản làng vùng cao.
Đi phượt cũng để trải nghiệm về cuộc sống, rèn luyện bản lĩnh và được quen biết, giao lưu với nhiều người bạn cùng chung niềm đam mê”.
Nguy hiểm thường trực
Những địa điểm nổi tiếng hiện nay như Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La), Đồng Văn (Hà Giang)… là điểm đến của dân phượt sinh viên. Tuy nhiên, những chuyến đi luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm bởi địa hình hiểm trở.
Vừa qua, cộng đồng phượt rất đau lòng trước thông tin sinh viên Thu Hiền (ĐH Thương mại Hà Nội) đã qua đời vì một tai nạn giao thông tối 6/12 tại quốc lộ 6, đoạn gần đèo Thung Khe (Hòa Bình) khi đi xe máy cùng nhóm phượt gồm 60 người lên Mộc Châu. Trước đó, nhiều trường hợp sinh viên gặp tai nạn, thậm chí mất tích trong những chuyến phượt đã xảy ra.
Nói về những nguy hiểm, sinh viên Việt Anh cho biết: “Đi lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu dễ gặp nguy hiểm, nhất là đi lúc trời tối, có những nơi núi cao nhiều sương mù, cách 1m cũng không thấy đường, phải lần mò từ từ mà đi, rồi chuyện hỏng xe giữa vùng núi nữa, rất gian khổ”.
Trở về Hà Nội an toàn sau chuyến phượt Sơn La hồi tháng 9 vừa qua, đến bây giờ nữ sinh viên Hoàng Hương (Học viện Ngân hàng) đã nói “không” với những chuyến đi xa, dài ngày.
Hương cho biết: “Dù chuyến đi ấy em chỉ ngồi sau xe máy nhưng em luôn trong tình trạng thót tim vì đường đi nguy hiểm quá. Đoàn chúng em vào tận vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, nên đi đường thiếu thốn mọi thứ, từ thức ăn, nước uống đến tìm chỗ ngủ cũng rất khó”.
Chuyện đi phượt của sinh viên đã trở thành một trào lưu, không ít nhà trường phải “đau đầu” vì không thể cấm, còn gia đình dù không muốn nhưng cũng khó quản…
Ham khám phá, muốn thể hiện bản thân nhưng không nắm vững kiến thức, thiếu kinh nghiệm đi phượt, lại bị ảnh hưởng nhiều từ những câu chuyện “cổ tích”, những bức ảnh hùng vĩ… nên một số tay phượt trẻ đang “đánh đu” với tính mạng trên những cung đường đẹp nhưng luôn rình rập nguy hiểm.
Từng làm trưởng nhóm phượt hồi còn là sinh viên, Dương Đình Dũng (cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân) đưa ra lời khuyên: “Người tổ chức chuyến đi cần cân nhắc quyết định đi theo hình thức phượt hay thuê ô tô cho nhóm.
Lựa chọn thời gian phù hợp, tránh ảnh hưởng việc học, nên tổ chức từ 8 xe máy (16 người) trở lại cho một chuyến phượt không chuyên, trong đó những người lái cần vững tay lái và đảm bảo hành trình.
Nên lựa chọn thời điểm có thời tiết tốt để tổ chức phượt, vì mưa, sương mù thường là nguyên nhân cho các tai nạn”. |
Theo Quang Huy
Gia đình & Xã hội