Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về quá trình học tập gian khổ

(Dân trí) - Trong suốt 1 giờ đồng hồ đối thoại với sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không ngừng giải đáp các thắc mắc về các vấn đề học tập, cuộc sống của sinh viên, thậm chí cả những câu hỏi mang tính cá nhân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về quá trình học tập gian khổ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với các đjai biểu sinh viên tại Đại hội toàn quốc Hội sinh viên lần thứ 9

Chiều 28/12, Thường trực Chính phủ đã có buổi đối thoại với đại biểu Đại hội toàn quốc Hội SVVN lần thứ IX tại Cung văn hoá hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội.

Phó Thủ tướng không ngại chia sẻ về quãng thời gian học tập nhiều gian khó của mình. Ông thẳng thắn từ chối ghế ngồi mà đề nghị được đứng trên sân khấu trò chuyện thân mật cùng các bạn sinh viên.

Quá trình học tập gian khổ của Phó Thủ tướng

Mở màn cho các câu hỏi đối thoại với Phó Thủ tướng, bạn Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội SV tỉnh Bắc Ninh bày tỏ: “Cháu mong được nghe Phó Thủ tướng tâm sự về quá trình phấn đấu, ước mơ hoài bão và ý chí quyết tâm thực hiện hoài bão của mình?”.

Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội SV tỉnh Bắc Ninh đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng

Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội SV tỉnh Bắc Ninh đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Hồi bé đi học khổ lắm, không như bây giờ. Các con bác cũng bằng tuổi các cháu không hình dung được ngày xưa bố mẹ thế nào. Bác học ở quê, khi thi đại học xong được triệu tập đi học dự bị ngoại ngữ để ra nước ngoài. Ngày ấy, bác chỉ có hai bộ quần áo.

Khi đi học ở phương Tây, trong vòng tháng đầu, bác tăng gần 20 kg. Nhưng từ tháng thứ 3 trở đi, bác thì cứ thấy có gì đó khát khao và cứ tự hỏi bao giờ bố mẹ, mọi người ở nhà mới được sướng như thế này, nên quyết tâm về làm giàu để quê hương được giàu có như nước người ta.

Cháu có biết bác tìm tòi, học hỏi tới mức khi về nước, bác mang theo rất nhiều sách mà trong đó có mang theo một thiết kế về vệ sinh tự hoại. Ngày ấy ở nhà chưa có, mà sinh viên không có mạng Internet như bây giờ để đi tìm hiểu nên phải tự mày mò rồi mang về.

(...) Kinh nghiệm mà bác muốn chia sẻ là dù làm việc gì cũng phải làm hết sức, luôn thôi thúc một điều từ ngày xưa và bây giờ là làm sao nước mình nhất định phải giàu hơn. Để làm điều đó thì chính chúng ta chung tay xây dựng Việt Nam. Bác làm thật tốt nhiệm vụ của bác, các cháu là sinh viên làm thật tốt nhiệm vụ của mình là học tập, sau này đóng góp cho đất nước.

Muốn làm gì phải hiểu biết về nó

Sinh viên Bạch Kim, Đại học Nha Trang đặt câu hỏi: “Là sinh viên Việt Nam, bên cạnh học tập, nghiên cứu khoa học, chúng cháu rất quan tâm đến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vậy thưa Phó Thủ tướng, sinh viên có thể và cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước?”.

Đặng Kim, Đại học Nha Trang

Đặng Kim, Đại học Nha Trang

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Là công dân Việt Nam, đương nhiên phải quan tâm đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước mình và chủ quyền là điều vô cùng ý nghĩa.

Sinh viên có thể làm được không? Có chứ! Có nên làm không? Không phải nên mà là phải làm. Trước nhất, các cháu học thật giỏi, không chỉ học kiến thức mà các kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc theo nhóm là rất quan trọng, để sau này chúng ta góp phần làm đất nước giàu lên, mạnh lên thì đấy là bảo vệ đất nước. Bảo vệ bằng nhiều cách, nhiều biện pháp, có thể bằng ngoại giao, kinh tế… Nhưng trên hết là dựa trên tinh thần chủ quyền là thiêng liêng. Bảo vệ chủ quyền trong thời đại văn minh này phải dựa trên luật pháp quốc tế. Ví dụ về biển đảo, chúng ta có rất nhiều luật, đặc biệt Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, dựa trên tinh thần chủ đạo là hoà bình, không dùng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực.

Bác muốn hỏi lại các cháu về việc này: Các cháu đã tìm hiểu nhiều về chủ quyền biển đảo như thế nào? Cháu có biết về Công ước quốc tế về Luật Biển không? Có biết DOC là như thế nào không?

Muốn làm gì phải hiểu biết về nó, phải hiểu khái niệm thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, luật pháp quốc tế về biển đảo, các vấn đề tranh chấp… Các cháu phải hiểu đúng vấn đề, sau mới vận dụng, hành xử cho đúng. Khi chúng ta biết rồi thì phải giải thích cho những người xung quanh để cùng hiểu đúng, để khi có sự việc gì thì cùng ứng xử đúng. Ứng xử đúng thì quyền lợi quốc gia được bảo đảm hơn.

Sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu

SV Cao Thị Mỷ, ĐH Sư phạm Thái Nguyên: “Năm 2015 là mốc để hình thành Cộng đồng ASEAN, Chính phủ đã có chuẩn bị những gì để sinh viên và thanh niên có những nắm bắt, hành trang để cùng sinh viên các nước khác bước vào cộng đồng chung, sân chơi chung?”.

SV Vao Thị Mỷ đứng bên cạnh Phó Thủ tướng tại buổi đối thoại

SV Vao Thị Mỷ đứng bên cạnh Phó Thủ tướng tại buổi đối thoại

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời: “Cháu có thể lên đây chia sẻ với các bạn ở đây là cá nhân cháu đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN được không? Những việc Chính phủ làm, kể cả việc bác trả lời các cháu hôm nay, đều nhằm để nước ta thực sự thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới, thành viên tích cực, kiến tạo những vấn đề lớn trong ASEAN.

SV Cao Thị Mỷ đáp lời: “Sự sẵn sàng của cháu thể hiện thứ nhất trong học tập, suốt cả quá trình, tích cực tham gia phong trào đoàn, hội của trường, để đạt thành tích tốt nhất, góp phần vào sự phát triển của đất nước”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cháu có tìm hiểu về cộng đồng ASEAN chưa?”

SV Cao Thị Mỷ: “Cháu cũng chưa hiểu rõ lắm và rất mong Phó Thủ tướng giải đáp giúp cháu”.

Phó Thủ tướng rất cởi mở và gần gũi với sinh viên

Phó Thủ tướng rất cởi mở và gần gũi với sinh viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cháu nên lên mạng Internet nhiều hơn để tìm hiểu. Hiện nay, đi đâu cũng nghe nói về Cộng đồng ASEAN nhưng mọi người hay nghĩ Cộng đồng ASEAN giống cộng đồng chung châu Âu, nhưng không phải vậy. Các nước ASEAN trước đây bị chia rẽ bởi chiến tranh ở Việt Nam - cuộc chiến tranh tàn khốc không có gì tả nổi. Nhưng quá khứ này được khép lại bằng việc Việt Nam tham gia ASEAN năm 1995, mở ra kỷ nguyên ASEAN thực sự là một tổ chức của các quốc gia Đông Nam Á và xây dựng một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, đoàn kết, hợp tác phát triển. ASEAN khác EU là không có khu vực phòng thủ chung, liên minh quân sự chung và đối ngoại từng nước đều độc lập; về kinh tế cơ bản cởi mở thành thị trường chung, giao lưu thương mại qua lại nhưng khác EU là không có đồng tiền chung; văn hóa thì phát triển.

Chúng ta sẵn sàng cho ASEAN nhưng cần nghĩ xa hơn, chúng ta sẵn sàng cho hội nhập thế giới. Các cháu không chỉ cần phải sẵn sàng là công dân ASEAN mà còn phải sẵn sàng là công dân toàn cầu. Các cháu phải học thêm ngoại ngữ, trau dồi thêm kiến thức, ngoài kiến thức chuyên môn, hoạt động Đoàn thanh niên, theo bác là rất tốt, mong các cháu tiếp tục phát huy.

Phải xác định mục tiêu, hoài bão của mình

Bạn Cao Xuân Dũng, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đặt câu hỏi: “Sinh viên tỉnh lẻ thường hay ở lại thành phố lớn làm vệc sau khi ra trường, SV Việt Nam du học nhiều người cũng ở lại nước ngoài. Xin Phó Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước mình đã và đang có biện pháp gì khuyến khích các bạn sinh viên trở về xây dựng quê hương, đất nước của mình?”.

Cao Xuân Dũng, SV ĐH Kiến trúc Hà Nội

Cao Xuân Dũng, SV ĐH Kiến trúc Hà Nội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải: “Bây giờ là thời đại mở, quyền lựa chọn ở chính các cháu. Đương nhiên, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để trí thức nói chung và sinh viên ra trường nói riêng về các vùng quê, vùng sâu, vùng xa làm việc. Tuy nhiên, điều đầu tiên là mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ, phải có quyết tâm, hoài bão của mình.

Ngày xưa bác đi học cũng có người hỏi bác là muốn ở lại hay về nước làm việc. Bác nói bác về quê. Đó là do bác xác định chứ không phải chính sách của Nhà nước. Chỉ cần các cháu ý thức rằng, đất nước Việt Nam chúng ta phải do chính người Việt Nam xây dựng và quê Nghệ An của cháu phải do những người Nghệ An quyết tâm xây dựng trước nhất. Đó là sự xác định rất tốt. Tuy nhiên chúng ta cũng không máy móc, vì người Nghệ An cũng là người Việt Nam và cũng có trách nhiệm chung trong xây dựng đất nước.

Vì thế, chúng ta không nên khắt khe trong việc ra ngoài học thì bắt buộc phải trở về quê hương làm việc. Ở nước ngoài mà có điều kiện trau dồi kiến thức, học tập tốt hơn, làm kinh tế có thu nhập tốt hơn gửi về cho đất nước thì chúng ta cũng không coi việc đấy là không tốt. Việc xây dựng và bảo vệ đất nước có rất nhiều biện pháp. Chúng ta hãy cố gắng học tập tốt và những người học chuyên ngành có thể đi về được vùng sâu, vùng xa thì chúng ta cố gắng phát huy tinh thần xung kích của thanh niên.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm