Cán bộ trẻ giao thông chất vấn “nóng” Bộ trưởng Đinh La Thăng

Chiều 27/12, Bộ trưởng GTVT vừa có buổi tọa đàm với các cán bộ, sinh viên trong ngành. Điều lạ là, nhiều câu hỏi chất vấn nóng và cả “đơn đặt hàng” được thực hiện ngay trong buổi gặp gỡ này.

Cuộc gặp diễn ra tại hội trường Đại học GTVT với gần 1.000 cán bộ trẻ và sinh viên trong ngành tham gia. Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cũng đến dự.

 
Một đoàn viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi tọa đàm.
Một đoàn viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi tọa đàm.

 

Hỏi khó Bộ trưởng

 

Nhiều câu hỏi thẳng thắn, trực diện được gửi tới Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. “Khi nào hết nạn tắc đường, thưa Bộ trưởng?”, một đoàn viên Tổng Cty Xây dựng Thăng Long lên tiếng.

 

Trước câu hỏi khó, Bộ trưởng Thăng phải viện dẫn, tắc đường là vấn nạn chung; Mỹ, châu Âu đều có. Vậy nên, tắc đường, tai nạn không chỉ do hạ tầng mà còn do ý thức. “Chừng nào ý thức người tham gia giao thông đặc biệt là ý thức của thanh niên tăng lên, ùn tắc, tai nạn sẽ giảm”, Bộ trưởng nói.

 

Cô sinh viên năm thứ 2, trường Đại học GTVT, quê Cửa Lò (Nghệ An) hỏi quan điểm của bộ trưởng về phát triển giao thông miền núi để tạo sự công bằng với miền xuôi. Bộ trưởng Thăng chia sẻ, đó là điều trăn trở của ngành. Hiện nay, với tuyến đường Hồ Chí Minh, đường tuần tra biên giới, đường sắt, đường thủy, Chính phủ và Bộ đang nỗ lực thay đổi.

 

Một nữ đoàn viên trẻ tên Anh đến từ Cảng vụ Hàng không miền Bắc với chiếc huy hiệu Trường Sa gắn trên áo kể chuyện về quần đảo quê hương làm khán phòng như lặng đi. Bộ trưởng từng hát, đánh đàn ở Trường Sa nên Anh muốn biết cảm giác của ông lúc đó.

 

Bộ trưởng Thăng nói, ông cũng dạt dào cảm xúc quê hương, đất nước khi đến đảo. Tuy nhiên, với cương vị người đứng đầu ngành GTVT, ông phải tính xây sân bay, làm tàu lớn để kéo đảo gần với đất liền. Sau câu trả lời, bộ trưởng hòa cùng các thanh niên hát bài “Nơi đảo xa”.

 

Đặt người trẻ nghiên cứu mặt cầu Thăng Long

 

Đoàn viên Lê Văn Dương, Cục Quản lý Chất lượng công trình (Bộ GTVT) hỏi: “Bộ trưởng có cơ chế gì để khuyến khích thanh niên nghiên cứu khoa học?”. Nghe vậy, ông Thăng “đặt hàng” ngay cho Dương nghiên cứu hiện tượng lún vệt bánh xe; mặt cầu Thăng Long, Thanh Trì (Hà Nội) hư hỏng hay dằn sóc tại điểm nối đầu cầu. Tại hội trường, Dương hứa cùng các bạn bắt tay ngay vào việc.

 

Sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành nghề; công nhân trẻ bị nợ lương cũng được nhiều bạn trẻ nêu ra. Thậm chí, Chủ tịch Công đoàn GTVT Đỗ Việt Nga còn kể, có cán bộ của Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 8 không đủ tiền thuê nhà phải ở nhờ cơ quan; ăn uống tạm bợ qua ngày.

 

Vị tư lệnh ngành trầm ngâm nói, nguồn vốn nhà nước cho giao thông đang giảm, công việc khó khăn. Để khắc phục, Bộ GTVT thu hút vốn tư nhân để xây dựng công trình, tạo việc làm. Năm 2013, 100 công trình lớn nhỏ được khởi công, khánh thành; năm 2014 có 86.500 tỷ đồng đầu tư nên có nhiều việc cho lớp trẻ.

 

Bộ trưởng Thăng nhắn nhủ các cán bộ trẻ: “Phong trào yêu xe như con, quý xăng như máu hay gãy cầu như gãy xương; đứt đường như đứt ruột trong kháng chiến làm nên thương hiệu của thanh niên GTVT. Nay, lớp trẻ phải nối tiếp thương hiệu đó để phát triển ngành, hiện đại hóa đất nước”.

 

Theo Sĩ Lực

Tiền phong