Phiêu cùng dù lượn

“Có gió rồi, Yến, chạy đà đi, cất cánh, bay nào!”, tiếng huấn luyện viên hô vang dứt khoát kèm theo lời nhắc nhở, động viên nữ dù lượn đầu tiên Hải Yến, biệt danh Thỏ, cất cánh thành công. Cô hãnh diện bay lượn trong tiếng hò reo của đồng đội giữa lưng chừng núi đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải (Yên Bái).

Rủ nhau lên núi

Nắng vàng sóng sánh như mật rót trên khuôn mặt mỗi người tràn đầy hứng khởi ngắm từng cánh bay nơi lưng chừng núi. Phía dưới xa tít, ngôi nhà, làng bản chỉ còn là một chấm nhỏ. Cũng như nhiều phi công dù lượn khác, Hải Yến, Câu lạc bộ (CLB) dù lượn Hà Nội Paragliding Club được các cộng sự chuẩn bị sẵn sàng dù, hệ thống dây, mũ bảo hiểm, cô ngồi sẵn trong chiếc ghế lượn xếp nốt, chờ tới lượt.

Cô gái Hà Nội trắng trẻo, nụ cười rạng rỡ tạo dáng cho tôi chụp ảnh trước chuyến bay lần đầu tiên trên vùng trời Khau Phạ, Mù Cang Chải. “Số 37 vào vị trí. Hải Yến, đợi có gió, em nhìn cột gió đi, thấy đủ điều kiện thì bay nhé”, huấn luyện viên (HLV) cũng không kém phần hồi hộp nhắc học trò.


Nữ phi công dù lượn Hải Yến trong lúc chờ bay tại đèo Khau Phạ.

Nữ phi công dù lượn Hải Yến trong lúc chờ bay tại đèo Khau Phạ.

“Ống gió, ống gió”, tiếng HLV và đồng đội với theo nhắc cô động tác kỹ thuật cuối cùng khi cô sắp vút lên trời cao. Hải Yến thực hiện theo lời nhắc nhanh chóng, tiếng vỗ tay vang cả núi rừng chúc mừng thành công của cô. “Thỏ lại lập kỷ lục nữa rồi!”, một nam phi công thốt lên thán phục.

Chạy đà, cất cánh và đường bay của cô gái rất đẹp nếu không nói là hoàn hảo hơn so với rất nhiều nam “dù lượn” trước đó. Hải Yến bay vút lên cao, uốn lượn theo đúng đường bay mà thầy của cô chỉ dẫn lúc trước, cứ lượn phía bên kia sười núi rồi xuôi theo hướng gió, bay đúng như dòng suối phía thung lũng về bãi hạ cánh. Phía dưới đã có người đón theo chỉ dẫn của HLV.

Khi cô đang bay trên cao, thỏa sức ngắm nhìn thung lũng lúa vàng lóng lánh của vùng đất xã Cao Phạ, những vị chỉ huy, kỹ thuật viên từ trên đỉnh núi liên lạc phía mặt đất: “Bãi đáp chú ý, hướng dẫn số 37 về vị trí và đón 37. Cô gái vừa bay thành công”. “Rõ, đã nhìn thấy 37 đang thực hiện đường bay theo chỉ dẫn”, tiếng đáp qua bộ đàm từ mặt đất.

Thấy nữ phi công dù lượn đầu tiên bay xuất sắc như tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm cho 2 cô gái Phương Anh và Vân Anh của CLB dù lượn Vietwings Hà Nội. Đây là lần đầu tiên các cô gái Hà Nội bay ở Khau Phạ.

Khi tôi đang mải mê chụp ảnh các phi công chuẩn bị dù, cất cánh, một HLV nhắc nhở và hướng dẫn: “Một là, bạn xuống hẳn phía chân đồi. Hai là, đứng phía trên cánh dù, bởi dây dù rất sắc, khi căng lên bay có thể cứa đứt cổ!”. Tuân theo chỉ dẫn, tôi dịch chuyển đến khu vực an toàn.

Tại khu vực cất và hạ cánh, ngoài các phi công, HLV và nhân viên kỹ thuật, đội ngũ báo chí cũng bị hạn chế ra vào vì lý do an toàn. Khu vực cất cánh của phi công dù lượn là mỏm núi có độ cao gần 1.200m so với mặt nước biển. Khoảng cách chạy đà, căng dù chỉ vài chục mét trước khi phi công dù buông mình trao thân cho cánh dù từ đỉnh núi.


 Các phi công dù lượn chuẩn bị dù trước khi cất cánh. Ảnh: Phương Hiếu

Các phi công dù lượn chuẩn bị dù trước khi cất cánh. Ảnh: Phương Hiếu

Tổ quốc nhìn từ bầu trời

Tham dự Festival dù lượn trên đỉnh đèo Khau Phạ lần này có gần 100 phi công dù lượn đến từ 7 Câu lạc bộ trong nước và quốc tế tham gia bay biểu diễn, hướng dẫn du khách tham gia hoạt động dù bay để thỏa đam mê môn thể thao mạo hiểm, khám phá vẻ đẹp của ruộng bậc thang trên không trung.

Với điều kiện tự nhiên về địa hình, của gió từ thung lũng thổi ngược và màu sắc hút hồn của mùa lúa chín vàng trở thành điểm đến hấp dẫn của môn thể thao dù lượn. Do đó, điểm nhảy dù này còn được nhiều phi công trong nước và quốc tế đánh giá là một trong top 5 điểm nhảy dù lượn đẹp nhất thế giới. Họ đã thực hiện hơn 200 lượt bay trong mùa lễ hội này.

Đây là lần thứ 3 Patric Bal, phi công dù lượn người Pháp được chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp của danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải bằng dù lượn.

“Tôi say đắm miền đất này. Mỗi lần được bay trên bầu trời cao rộng đều là một sự cảm nhận mới bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, hoành tráng của núi rừng, sự trong lành của khí hậu và vẻ đẹp ngoạn mục của ruộng bậc thang Mù Cang Chải nhìn từ trên cao”, Patric thốt lên.

Dương Hiểu Hoàng, phi công dù lượn của đoàn Đà Nẵng đã theo môn thể thao bầu trời hơn 5 năm. Trước khi tham gia bay trình diễn ngày 18/9, anh cùng 10 thành viên của Đà Nẵng có mặt trước 2 ngày ở Mù Cang Chải để bay thử.

“Chặng bay chừng 10 phút thôi nhưng vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Bạn thấy không, lượn trên bầu trời trong xanh, xung quanh núi rừng xanh biếc, phía dưới hương lúa nếp Tú Lệ thơm ngất ngây khiến tôi hít hà mãi. Đã con mắt với đất trời Tây Bắc đẹp mê hồn, hương thơm ngọt ngào thật không muốn hạ cánh. Điểm cất và hạ cánh đều như tranh vẽ tạo một cảm giác khác lạ”, anh Hiểu Hoàng trầm trồ.

Yêu cầu về sức khỏe đối với môn thể thao này không quá cao. Các yếu tố chính cần có để trở thành một phi công dù lượn giỏi gồm: Đam mê thể thao hàng không, dù lượn; Không có tiền sử bệnh tim mạch hoặc huyết áp; Có sức khỏe khá để có thể mang một ba lô dù và trang thiết bị kèm theo nặng khoảng 20kg đi được quãng đường 200m...

Để ghi lại khoảnh khắc quý giá bay trên mùa vàng trong lần lượn dù đầu tiên của đời mình, Hồ Ngọc Duy Khanh, đoàn TPHCM đang lắp camera trên mũ trước khi cất cánh. Duy không bay solo mà thực hiện bài bay đôi với HLV của mình.

“Mình chờ đợi dịp bay này từ rất lâu. Đất trời Mù Cang Chải đẹp đến mê ly nên chắc chắn mình sẽ trở lại để bay thêm nhiều lần nữa. Khi đó, mình sẽ tự bay”, Duy Khanh nói. HLV của Duy Khanh cho biết, chỉ cần có đam mê và sức khỏe tốt, các bạn trẻ có thể bay và ngắm nhìn Tổ quốc từ bầu trời. Trung bình các học viên cần tối thiểu 6-8 buổi tập mặt đất, 1 buổi học lý thuyết, từ 1-2 buổi bay đơn tầm thấp (Airbone) là có thể thực hiện được chuyến bay đơn (solo) đầu tiên.

Festival dù lượn thực sự trở thành sự kiện với bà con dân tộc núi rừng Yên Bái. Trung tuần tháng 9, du khách đổ về khiến chục cây số đèo Khau Phạ luôn tắc nghẽn, cảnh tượng vô cùng hiếm giữa núi rừng Tây Bắc.

Để tổ chức tốt các điều kiện cho việc bay dù lượn, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư xây dựng các hạng mục: chòi xem cho khách, điểm tập kết cho phi công và những địa điểm dừng đỗ xe, địa điểm phục vụ ẩm thực của người Mông.

Đi xe máy từ huyện Trạm Tấu lên Mù Cang Chải để xem “người bay”, chị Thào Thị Dinh, người dân tộc Mông cùng bạn bè liên tục vỗ tay, cười nói mỗi khi có cánh dù cất lên từ đỉnh núi. “Đi xem “người bay” vui lắm. Mình chỉ đừng ở đây xem thôi, khi nào tối không còn ai bay nữa mới về”, chị Dinh hồ hởi khoe.

Các màn biểu diễn đẹp mắt của phi công trên bầu trời giữa bồng bềnh mây trắng, trải trên bao la những thửa ruộng bậc thang chín vàng đã tạo những ấn tượng mạnh, cảm giác mới lạ, khó quên đối với những du khách đến chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ nơi đây.


Duy Khanh, đoàn TPHCM đang lắp camera ghi lại cảnh bay trên mũ trước khi cất cánh.

Duy Khanh, đoàn TPHCM đang lắp camera ghi lại cảnh bay trên mũ trước khi cất cánh.

Hiện cả nước có 14 điểm bay, trong đó phần lớn điểm bay tập trung ở miền Bắc với 7 điểm, miền Trung có 4 điểm và 3 điểm thuộc các tỉnh phía Nam. Ngoài đèo Khau Phạ của Yên Bái, các CLB dù lượn phía Bắc còn chọn được những điểm bay lý tưởng tại tỉnh Hòa Bình như Đồi Bù ở huyện Lương Sơn, Bá Nhạ của huyện Lạc Sơn, Bò Buôi thuộc huyện Mai Châu. Tại Thanh Hóa có núi Linh Trường là điểm bay nằm sát biển Hải Tiến, Hoằng Hóa…

Phi công HLV dù lượn Lưu Hoàng Minh Sơn (TPHCM) cho biết, ngày càng nhiều bạn trẻ đăng ký học dù lượn bởi thiết bị và nguyên tắc hoạt động phục vụ cho dù lượn không quá phức tạp và nguy hiểm so với nhảy dù. Các học viên không cần biết về nhảy dù trước khi chơi dù lượn. Với động tác kỹ thuật phù hợp, dù lượn được bung trước khi cất cánh và có thể được điều chỉnh hướng và độ cao trong khi bay.

Và ngoài đam mê sự trải nghiệm mới lạ, các thành viên dù lượn cùng chia sẻ rằng, một góc nhìn Tổ quốc từ trên cao, khoáng đạt, ngút ngàn giữa thiên nhiên kỳ vĩ lại càng yêu hơn đất nước, càng ý thức hơn về trách nhiệm và thái độ sống của mình.

Đối mặt với rủi ro

Trong phần bay thử nội dung trình diễn, một phi công dù lượn người Séc của đoàn TPHCM cất cánh. Đường chạy đà và cất cánh của anh khá đẹp. Bất chợt dù của anh liệng sát vách núi, rồi không thể cất lên cao theo đường bay, chỉ trong nháy mắt chao nghiêng khiến viên phi công và dù liệng vào vách núi. Đội cứu hộ lập tức làm việc, hỗ trợ viên phi công kịp thời.

Theo Phương Hiếu

Tiền phong