Phía sau những cơn “cuồng tình” của người trẻ

(Dân trí) - Những cơn cuồng tình sẵn sàng “đoạt mạng” người mình yêu đã được cảnh báo từ lâu nhưng chẳng những không thuyên giảm mà mức độ dường như ngày càng đáng sợ, ghê rợn.

Mạng có thể bỏ nhưng tình phải… vĩnh cửu

Lâu lâu, dư luận xã hội lại không khỏi giật mình vì những vụ việc ra “xử” người mình yêu thương khi bị phụ tình. Từ việc bạo hành tinh thần, hù doạ, tung clip “nóng” cho đến những hành vi tàn bạo nhằm tước đoạt tính mạng đối phương.
 
Mới đây là vụ thảm sát giết người, cướp của ở Bình Phước xuất phát từ nguyên nhân được cho là do nghi can Nguyễn Hải Dương bị bạn gái phụ tình và gia đình cô gái ngăn cản chuyện yêu đương.

Những cơn cuồng tình sẵn sàng “đoạt mạng” người mình yêu không phải bây giờ mới được nhắc đến. Đã quá nhiều vụ việc người mất mạng, kẻ tù tội vì cách hành xử dùng axit, xăng, dao, các loại vũ khí… khi đối phương quay lưng.

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng đoạt mạng người mình yêu khi bị phụ tình (Ảnh minh hoạ)
Nhiều bạn trẻ sẵn sàng đoạt mạng người mình yêu khi bị phụ tình (Ảnh minh hoạ)

Có thể mất mạng sống nhưng tình yêu phải vĩnh cửu, nhiều bạn trẻ chọn cách “xuống tay” trả thù tình chứ không chấp nhận đặt một dấu chấm hết cho một cuộc tình. Dù doạ, giết người được nhiều đối phương xem là một thượng sách để giữ tình yêu.

Cũng vì hết yêu là… chết, cái kết của sự “cuồng tình” như vậy mà đã có không ít người phải đánh đổi cả tính mạng chỉ vì nói lời chia tay, giải thoát cho một mối quan hệ. Kẻ gây ra những vụ việc đau thương, lựa chọn con đường đoạt mạng người khác cũng nếu không thực hiện ước nguyện “chết cùng ngày cùng tháng” thì cũng phải đối mặt với tù tội.

Rồi còn đó, không ít bạn trẻ khi không có hoặc hết tình cảm nhưng không dám nói lời từ chối hoặc “dứt áo” vì sợ kẻ cuồng yêu… không tha cho mình. Để rồi, họ phải duy trì mối quan hệ gọi là tình yêu trong nỗi lo sợ, hoảng loạn.

Có hẳn bế tắc vì tình yêu?

Thật không dễ lý giải một cách rõ ràng vì đâu chỉ vì chấm dứt một mối quan hệ mà người ta lại có thể ra tay làm đau, đoạt mạng người mình yêu thương một cách tàn bạo, khủng khiếp như rất nhiều vụ việc đã diễn ra. Họ quá luỵ tình, quá yêu, không chịu đựng nổi khi bị người khác phụ bạc… theo các chuyên gia tâm lý chỉ mới là bề nổi mà chúng ta nhìn thấy.

Một bác sĩ tâm lý kể, nhiều bạn trẻ khi thất tình thốt lên rằng “mất tình yêu thì cuộc sống của mình không còn gì nữa”. Họ sống phụ thuộc, dựa dẫm và dốc hết kỳ vọng vào mối quan hệ nam nữ và sẵn sàng chết hoặc giết người khác khi tình yêu này tan vỡ. Chính họ biết rõ hậu quả của cách hành xử này. 

Nhiều người cho rằng mất tình yêu là mất tất cả
Nhiều người cho rằng mất tình yêu là mất tất cả

“Vậy ngoài người kia, gia đình, bạn bè, cuộc sống của chính họ có ý nghĩa gì ở đây?”, bác sĩ này đặt câu hỏi. Theo ông, hành xử trả thù tình điên cuồng chưa hẳn bởi vì tình yêu mà có thể phía sau đó, là những bi kịch gia đình, cuộc sống mà ở đó các bạn trẻ không tìm thấy cho mình ý nghĩa, điểm tựa. Hay nói một cách khác, họ bị đói khát tình cảm.

Khi có người yêu thương mình, họ bấu víu vào tình cảm đó, không chấp nhận sự mất mát, cho rằng mình “trắng tay”, chẳng còn gì nếu mất tình yêu.

Chuyên gia Nguyễn Lan Hải cho hay, nhiều bạn trẻ muốn chết bởi thất tình vì mất anh ấy/cô ấy cuộc đời chẳng còn gì nữa, bà cũng phải đặt ngược câu hỏi: “Thế trước khi gặp người ta, em sống vì lẽ gì? Bố mẹ, người thân và cuộc sống của bản thân mình ở đâu?”.

Có thể họ không nhận ra những giá trị cuộc sống quanh mình hay vì bởi họ thiếu thốn đến mức không ngừng hy vọng, níu kéo tình cảm từ người… không còn tình cảm với mình đến mức cực đoan?

Khi thiếu thốn tình cảm cùng với việc không đánh mất hoặc không nhìn thấy những giá trị của bản thân, nhiều bạn trẻ xem tình yêu nam nữ là thứ duy nhất của cuộc đời mình. Và hơn nữa, không hiểu được bản chất của tình yêu thương nên khi nhận tình yêu thương từ ai đó, các bạn có xu hướng xem tình yêu là sự sở hữu.

Chẳng phải mà các nhà tâm lý đều cảnh báo, những bạn trẻ sinh thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân các em có xu hướng yêu sớm, cuồng yêu, lao vào tìm kiếm tình cảm bên ngoài như một sự bù đắp.

Mà trong cuộc sống hiện nay, bố mẹ quá bận rộn, có xu hướng dùng vật chất để bù đắp cho con hoặc những khủng hoảng trong gia đình diễn ra ngày phức tạp thì không thiếu những bạn trẻ thiếu thốn tình yêu thương đến mức khát tình, cuồng tình. 

Lê Đăng Đạt