“Phá luật” cho cuộc sống của bạn

Không ít những 8X, 9X chợt nhận ra cái “nhạt phèo” trong cuộc sống của mình. Lẽ dĩ nhiên, họ muốn thay đổi. Nhưng dù là người già hay trẻ, người bảo thủ hay không bảo thủ đến rất sợ chữ “thay đổi”.

“Đổi theme”cho những mối quan hệ

 

Bạn có thể tỉnh queo thay đổi theme blog cá nhân trong nháy mắt vì bạn không muốn nhìn thấy “bộ mặt” cũ sì của trang nhật ký mạng. Nhưng chuyện thay đổi giao diện của chính bản thân mình thì… còn suy nghĩ đã.

 

Chuyện dễ dàng hơn đối với cái blog vì bạn có thể “nhìn thấy nó”, nhưng vấn đề lại khó hơn đối với chính bạn vì có mấy ai nhìn thấy thật chính mình. Hay nói như Tố Quyên, sinh viên năm II khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Mở thì: “Nếu “chán - lười - mất sức sống” là hữu hình, tôi có thể lấy một cái búa tạ đập nát thì thôi. Nếu những suy nghĩ hết sức “cùi bắp” đang phủ trùm nên não là hữu hình tôi có thể lấy một cái khăn lau sạch thì tốt”.

 

Rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy không hài lòng với những mối quan hệ hiện có: Bạn bè, người yêu, người thân. Chúng ta muốn thay đổi, nhưng không hề biết bắt đầu từ đầu hay như thế nào. Nói đúng hơn chúng ta sợ “phá luật”.

 

Đôi lúc ta hay đặt cho mình cái luật ngấm ngầm nào đó, cứ thế âm thầm theo dù nó có đúng hay không. Chẳng hạn như: “Tôi không bao giờ bắt chuyện làm quen với bất kỳ ai, tôi sợ mình trở nên lố bịch nếu người mà tôi bắt chuyện tỏ ra lạnh nhạt”- Nguyễn Tú Anh, RMIT, TPHCM. Thế là cô bạn này luôn có cảm giác là kẻ rớt lại trong đám đông, Tự cho mình là cô độc, khó kết bạn. Trong mục “ Mơ ước” của chính bản thân luôn tồn tại: “Mong có nhiều bạn tốt”.

 

Chính những cái luật nho nhỏ như thế mới là kẻ ngăn cản chúng ta đến với những mối quan hệ mới, chộp đi của ta những cơ hội trong cuộc sống. Đảm bảo ngay trong chính bản thân bạn, ngay giờ đây, đang tồn tại các luật li ti kiểu như: Tôi không thích những người mặc màu đỏ. Tôi không thích những cô gái make up. Tôi ghét những kẻ cười to. Tôi không ưa những người nói nhiều. Tôi không không thể yêu người nói ngọng… Như trong blog của LaNa có đề cập tới: “Tôi quá hài lòng với một vài người bạn thân”.

 

Chính sự “hài lòng” tai hại đó là phương tiện xua đuổi tình thương yêu. Quen thêm một người, thân thêm một người, là bạn sẽ nhận thêm được tình thương yêu, dù có thể là không nhiều. Nếu vì yêu thương như một chiếc bánh, một người thân có thể cho thêm bạn 5 phần, nhưng những người bạn bình thường vẫn có thể tặng bạn 1, 2 phần. Do vậy, thay vì ngồi so đo ai cho mình phần yêu thương nhiều hơn, tại sao không đổi sang chiến thuật “gom góp yêu thương”?

 

Đơn giản là hãy làm điều gì đó thật khác

 

Không phải chỉ có những người nhàn rỗi mới cảm thấy chán, nhạt phèo, cần thay đổi. Ngay cả những 8X, 9X đang sở hữu một cuộc sống sôi động, nhiều việc, bận bịu cũng cảm thấy mình cần được thay đổi cái gì đó.

 

Bằng chứng là Phương Oanh, 20 tuổi, sinh viên năm II trường ĐHKHXH & NV cũng than rằng: “Chẳng phải tôi thừa thời gian để ngồi làm mồi cho buồn chán “gặm”. Ngày nào cũng hàng tá thứ để làm: Bài tập còn, công việc của web còn, việc nhà cũng còn. Nhưng những thứ việc hằng ngày ấy, quen thuộc đến mòn vẹt, chẳng một tí ti nào trong tôi hứng thú với chúng. Tôi cần một cái gì đó khác thường một chút, một hoạt động khác thường mọi ngày, những việc đang làm hiện thời, tôi đang vô cảm với chúng”.

 

Diệu Linh - nổi tiếng tiểu thư, chẳng những cái gì cũng “nguyên tắc” mà đôi lúc còn khó tính, nghiêm túc một cách quá mức. Một lần, không hiểu chập cheng hay ai đó đội lốt Diệu Linh mà cô nàng xung phong nhận một vai kịch hài của lớp thi văn nghệ toàn trường. Kịch hài hẳn hoi.

 

Trong vở kịch đó Linh vào vai bà tiên với cây đũa thần là ăng ten TV, chuyên giải quyết các vụ khóc lóc cầu xin qua điện thoại di động. Một bà tiên hết sức “dịch vụ” và có khiếu kinh doanh. Xem kịch xong ai cũng cười nghiêng ngả, phần vì Linh đóng quá hay, phần vì chưa ai thấy Linh như thế nên tức cười bội phần.

 

Sau vở kịch Linh nổi như cồn, cô nàng cười giải thích: “Mình vốn rất nguyên tắc, đó là truyền thống gia đình, nhưng rồi mình phát hiện áp dụng truyền thống một cách cực đoan khiến mình nghẹt thở quá”.

 

Cái chuyện “bấm bụng” làm một chuyện khác mọi khi không chỉ có thể khiến cuộc sống bạn thay đổi khai quật được một khả năng nào đó còn là một hạnh phúc, những khoảnh khắc hạnh phúc khiến bạn cứ “tua đi tua lại” mà mỉm cười trước khi ngủ.

 

Đó là chuyện của Túy Hoàng. Trong lớp, Hoàng không có “năng khiếu học” cho lắm. Nếu tham gia làm việc nhóm thuyết trình, khỏi cần suy nghĩ, nhóm trưởng sẽ phân ngay cho Hoàng vai trò hậu cần, chuẩn bị đạo cụ, bấm mở nhạc và giơ tranh ảnh lúc cần thiết.

 

Nếu không có một ngày cao hứng, giáo viên bộ môn bắt mỗi thành viên nhóm thuyết trình phải trình bày một chương thì Hoàng đã chuẩn bị kĩ những gì mình sắp nói, một bài thuyết trình thật khác. Không phải là buổi phô diễn kiến thức nghiên cứu mà là cách thuyết trình nêu ra tất cả những vấn đề. Hoàng đã thay đổi cuộc sống mình từ đó bằng một kết luận: “Người biết nhiều là một người giỏi, nhưng người biết thắc mắc và thu thập câu trả lời cũng giỏi vậy!”  

Theo Hoa Học Trò