Pha Lê từng bỏ suất học bổng Pháp và mức lương nghìn đô la chỉ vì điều này
(Dân trí) - Pha Lê chia sẻ, để thi Sao mai Điểm hẹn, cô đã quyết định bỏ học bổng toàn phần ở Pháp thời điểm đó. Sau đó, cô còn bỏ ngang một số vị trí giám đốc bộ phận ở các tập đoàn lớn để theo đuổi đam mê đứng trên sân khấu ca nhạc.
Ngày 6/6, Á hậu Thùy Dung, ca sĩ Pha Lê đã giao lưu, tặng sách và chia sẻ nhiều câu biến ước mơ thành hiện thực của bản thân để khơi nguồn khát vọng vươn đối với các sinh viên Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM) trong “Hành trình từ trái tim”.
Á hậu Thùy Dung nhận được nhiều tình cảm của sinh viên khi kể câu chuyện từng là một người rụt rè, tự ti nhưng đã nỗ lực thay đổi bản thân để trở thành một người đẹp đa tài.
Cô đã có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, đàn hay, vẽ giỏi. Giờ cô còn chọn làm MC - nghề cô từng sợ nhất trong quá khứ vì phải xuất hiện trước đám đông.
Thùy Dung chia sẻ, để có được những thành công như vậy, cô đã phải luôn đặt mình vào những tình huống khó khăn tưởng như không thoát ra được. “Lặp lại nhiều lần, Dung rút ra được nhiều bài học, tìm ra được nhiều cách để dễ dàng thoát ra.
Có thể nói, để đạt được thành công, chúng ta phải dám khát vọng, ước mơ, tự đặt mình vào các cuộc thi lớn từ đó tạo cho mình những áp lực, động cơ, kỷ luật và mục tiêu để bứt phá”, Á hậu nói.
Pha Lê là nữ ca sĩ được nhiều bạn trẻ biết đến sau cuộc thi Sao mai điểm hẹn 2010 bằng chất giọng đặc trưng và đầy nội lực. Pha Lê kể, ít ai biết cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức. Bố mẹ đều là những giáo viên ưu tú, trong đó, bố cô từng là hiệu trưởng một trường cấp 2 tại thành phố Hải Phòng.
Thuỳ Dung.
Thừa hưởng gen di truyền từ bố mẹ, giọng ca “Hoa thủy tinh” luôn đạt thành tích loại giỏi từ cấp 1 đến cấp 3 và thường xuyên được nhận huy chương hoa phượng đỏ.
4 năm Đại học luôn là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của khoa tiếng Pháp, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và nhận bằng tốt nghiệp loại Ưu.
Thông minh, học giỏi và có thể nói lưu loát tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng Pha Lê vẫn chọn ca hát là con đường sự nghiệp của mình. Pha Lê chia sẻ, để thi Sao mai Điểm hẹn, cô đã quyết định bỏ học bổng toàn phần ở Pháp thời điểm đó. Sau đó, cô còn bỏ ngang một số vị trí giám đốc bộ phận ở các tập đoàn lớn để theo đuổi đam mê đứng trên sân khấu ca nhạc.
“Pha Lê đã chọn con đường quá khó khăn cho bản thân. Nếu làm các công việc khác không phải ca hát, có lẽ cuộc sống của Pha Lê nhẹ nhàng hơn.
Pha Lê.
Nhưng ước mơ làm ca sĩ khiến Pha Lê không dừng chân được, sẵn sàng dẫm lên gai, sẵn sàng nấu mỳ tôm bằng chén, có những lúc không nhà cửa và rất vui khi được nhận hát tụ điểm với cát xê 150.000 đồng/tối. Cuối cùng, Pha Lê đã thành công, đã biến ước mơ thành hiện thực khi trở thành một ca sĩ thực thụ”.
Đây cũng là lý do Pha Lê thích nhất cuốn “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” được hành trình giới thiệu, “bởi ngoài việc thấy hình ảnh mình có trong đó, thì đọc cuốn sách, Pha Lê càng vững tâm hơn để theo đuổi đam mê của mình”.
Đoàn Thiên Phúc – chàng trai 8x hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty về giải pháp phần mềm khơi gợi cảm hứng cho sinh viên khi anh có thành tích đáng nể.
Ngoài việc điều hành cùng lúc hai doanh nghiệp, Đoàn Thiên Phúc còn là giám đốc kỹ thuật của hai công ty, tích cực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và được biết đến với phương châm sống và làm việc “Muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do”.
Kết thúc chương trình, Tiến sĩ Hữu Đức, người dẫn dắt buổi giao lưu đúc kết: “Có một câu nói thế này ‘Cái gì khiến người ta trẻ? Không phải tuổi tác, không phải sức vóc, mà chính là khát vọng’. Vậy khát vọng là gì mà lại khiến người ta trẻ được?
Khát vọng chính là động lực thúc đẩy chúng ta tiến lên, khát vọng giúp chúng ta đứng dậy và tiếp tục bước đi mỗi khi vấp ngã muốn bỏ cuộc. Khi ngọn lửa khát vọng bùng cháy mãnh liệt thì chẳng có rào cản nào hay bất cứ ai có thể làm bạn chùn bước”.
Hà Tùng Long
Ảnh: Tô Thanh Tân