"Ông đồ" Ngoại thương viết thư pháp bằng... tiếng Anh

(Dân trí) - Là sinh viên Ngoại thương, "ông đồ" trẻ Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1993) tạo nên sự khác biệt trên phố Văn Miếu bằng tài viết thư pháp tiếng Anh, giao tiếp với du khách ngoại quốc trơn tru.

Cận Tết, cậu sinh viên ĐH Ngoại thương Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1993) cũng lều chõng, bút nghiên ngồi bên các cụ đồ già trên phố. Thấy Hùng vẻ mặt còn “non”, cặm cụi viết lách, nhiều du khách nán lại xem và không khỏi bất ngờ khi thấy Hùng viết thư pháp bằng tiếng Anh.

Hỏi ra mới biết, đây là lần đầu tiên Hùng “lều chõng” ra ngồi ở “phố ông đồ” cho chữ. Ông đồ trẻ cho biết rằng chỉ viết chữ quốc ngữ và tiếng Anh.

Ông đồ trẻ Nguyễn Ngọc Hùng

"Ông đồ" trẻ Nguyễn Ngọc Hùng

Đa phần các tác phẩm được Hùng viết là bằng chữ quốc ngữ, tuy nhiên, do có nhiều du khách ngoại quốc muốn hiểu tường tận về những con chữ mà họ được cho nên đã yêu cầu Hùng đã viết bằng tiếng Anh.
 
Dần dà, du khách nước ngoài tỏ ra thích thú với những bức thư pháp viết bằng tiếng Anh hơn cả. Họ coi đó như một bức tranh đẹp, treo trong nhà để khoe cùng bạn bè, người thân.

Vốn là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Kinh tế, ĐH Ngoại thương Hà Nội, Nguyễn Ngọc Hùng có khả năng viết và giao tiếp tiếng Anh khá tốt. Khả năng này được em được phát huy trong lĩnh vực tưởng chừng không liên quan, đó là thư pháp.

“Nhiều người thường nghĩ rằng thư pháp gắn liền với tiếng Hán, tuy nhiên bộ phận thư pháp chữ quốc ngữ cũng rất phát triển. Em muốn viết thư pháp bằng tiếng Việt để gìn giữ tâm hồn Việt. Còn việc viết thư pháp tiếng Anh nằm ngoài dự toán của em nhưng rất thú vị, điều này góp phần quảng bá văn hoá với các du khách nước ngoài”, Ngọc Hùng lý giải.


Một bức thư pháp bằng tiếng Anh của Hùng

Một bức thư pháp bằng tiếng Anh của Hùng

Mới bén duyên với thư pháp được nửa năm nay song với Hùng, khoảng thời gian tập viết từng con chữ dường như đã từ rất lâu. Hùng kể chuyện, những ngày đầu tiên học viết thư pháp với thầy, nghe thầy giảng giải, cậu trai 20 như vỡ ra nhiều điều trong cuộc sống.

Dù vậy, trong suốt một tháng đầu tiên, Ngọc Hùng không viết được chữ nào, cầm bút là thấy khó khăn. Vậy mà, nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy và nỗ lực bản thân, giờ đây Hùng đã tự tin ngồi cho chữ trên “phố ông đồ”.

Hiện nay, mỗi ngày em đều dành ra ít nhất 2 tiếng để luyện viết và còn bán tranh thư pháp online trên mạng. Công việc tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng lại mang tới niềm vui nho nhỏ mỗi ngày cho Hùng.
 
“Em học Kinh tế khá căng thẳng nên coi thư pháp như là một món giải trí, thư giãn hàng ngày. Sở dĩ em không thích các món giải trí đương đại mà đến với thư pháp chắc cũng do một mối duyên nào đó”, Hùng cười bảo.

Hiện nay, Hùng còn cùng một số bạn trẻ yêu thích nghệ thuật thư pháp lập ra một câu lạc bộ mang tên “Dự án tinh hoa chữ Việt”, có nhiệm vụ tuyên truyền, dạy thư pháp cho những người muốn tìm hiểu về nghệ thuật này.

Một bức thư pháp bằng tiếng Anh của Hùng

“Theo em, thư pháp không chỉ là vẽ chữ mà còn dạy cho chúng ta những giá trị cốt lõi về văn hoá. Khi một người hiểu về giá trị của thư pháp mới ý thức được và yêu thích.
 
Chúng em muốn truyền cho các bạn sinh viên khác lòng đam mê, hoặc ít nhất khiến cho các bạn hiểu như thế nào là thư pháp, đâu là một bức thư pháp đẹp… Em cũng đang theo học phương pháp sư phạm để sau này có thể dạy lại cho các bạn, mong rằng dự án sẽ có hiệu ứng tốt”, Nguyễn Ngọc Hùng tin tưởng.

Bên cạnh niềm đam mê với thư pháp, Nguyễn Ngọc Hùng còn tham gia tổ chức tình nguyện từng đoạt giải tình nguyện quốc giá 2013 – Hà Nội kids. Đây là tổ chức tình nguyện hoạt động tại Hà Nội, quy tụ những bạn học sinh, sinh viên có khả năng ngoại ngữ, làm nhiệm vụ hướng dẫn viên du lịch cho những vị khách nước ngoài tới thăm Thủ đô.

Mai Châm