Ở trọ cùng bạn thân: "Như đánh một canh bạc"
(Dân trí) - "Ở trọ với bạn thân như đánh một canh bạc vậy, hòa hợp thì thân sẽ càng thân, không thì "tan đàn xẻ nghé", Hòa tâm sự.
Ngọc Hòa (20 tuổi, đến từ Hải Dương) cho biết đã sống chung với bạn thân được gần hai năm.
"Mình từng nghe những câu chuyện kể về việc khi lên đại học ở chung nhà cùng bạn thân cấp 3 sẽ dẫn đến mất bạn. Đúng là trong hai năm chung sống, chúng mình đã có không ít lần cãi cọ, trách móc nhau.
Hòa tâm sự: "Ở trọ với bạn thân như đánh một canh bạc vậy, được thì thân sẽ càng thân, không thì "tan đàn xẻ nghé". Mới đầu chúng mình ở với nhau cũng vui vẻ, hòa thuận, nhưng gần đây cả hai rất dễ vì chuyện nhỏ mà bất đồng quan điểm rồi cãi nhau.
Bạn mình có nguyên tắc của cô ấy và luôn sinh hoạt theo giờ giấc, quy củ, còn mình vì làm thêm về muộn nên thời gian ít nhiều cũng có sự chênh lệch.
Có những lần đi làm về mệt nên mình chỉ muốn ngủ, cô ấy về nhà thấy cơm chưa nấu hay rác chưa đổ liền ca thán, phàn nàn. Đổi lại khi mình trách thì cô ấy lại nói: "Có cái bát chưa rửa thôi mà cũng nói", hoặc là: "Chẳng nhẽ có việc cắm cơm thôi mà cũng so đo với nhau".
Ngọc Hòa cho hay, sống chung với bạn thân thường phải chia sẻ không gian sống, các vật dụng, đồ đạc trong nhà. Điều này cũng dễ dẫn đến những mâu thuẫn trong việc sử dụng các vật dụng, các khoản chi tiêu và những xích mích giữa hai người sẽ khiến gia tăng căng thẳng và mất hứng thú trong cuộc sống hàng ngày.
"Thực ra ban đầu khi ở trọ, đa số mọi người có xu hướng muốn ở với bạn thân nhất của mình vì nghĩ như vậy thì cuộc sống xa nhà sẽ có nhiều niềm vui hơn, bản thân mình cũng vậy. Nhưng chúng ta có lẽ quên mất một điều là khi ở chung với nhau sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, dễ va chạm và xích mích từ những việc nhỏ nhất. Đặc biệt là khi thân nhau rồi sẽ dễ tủi thân, tự ái vì một chuyện nhỏ.
Sau những lần to tiếng, mình tìm đến những người bạn khác để trút bầu tâm sự và cô ấy cho rằng, mình đã có bạn thân mới và cho cô ấy ra "rìa". Chúng mình có lần tưởng chừng như "cạch mặt" nhau, thậm chí là hủy theo dõi nhau trên mạng xã hội và mỗi ngày đều sống trong bầu không khí căng thẳng leo thang", Hòa nói.
Tuy nhiên, Ngọc Hòa cũng cho rằng, chuyện sống chung không hợp nhau, để xảy ra cãi vã là điều bình thường, kể cả ở ghép với người lạ cũng khó tránh khỏi. Nếu không tìm cách giải quyết, làm lành với nhau thì ở với ai cũng như vậy và điều quan trọng là trân trọng tình bạn hơn là đề cao cái tôi cá nhân.
Đối với Hòa, những chuyện nhỏ nhặt thường ngày sẽ chẳng là gì so với bao nhiêu năm tình bạn của cô.
Hòa tâm sự: "Ngày xưa đi học cãi nhau với bạn thì chạy về nhà với bố mẹ, giờ ở với bạn cãi nhau thì biết chạy đi đâu, phải tự giải quyết với nhau thôi. Dù căng thẳng nhưng mình vẫn muốn ngồi lại với nhau giải quyết từng vấn đề để đi đến tiếng nói chung. Chúng mình nhìn lại quãng thời gian sống chung, coi những điều tốt đẹp đã dành cho nhau như một động lực để tiếp tục gắn bó".
Cô gái đến từ Hải Dương chia sẻ, ở cùng với bạn thân sẽ có người thấu hiểu và chia sẻ với mình. Vì đã quen biết với nhau từ lâu, trải qua không ít chuyện nên giữa Hòa và bạn thân có thể đồng cảm và cho nhau những lời khuyên đúng đắn. Hơn nữa, bản thân cũng có thể chia sẻ bất cứ chuyện gì, vào bất cứ lúc nào mà không cần phải hẹn trước hay sắp xếp thời gian gặp nhau.
Hòa cho biết thêm, cô và bạn thân có điều kiện kinh tế tương đương nhau, điều đó giúp cho những chuyện sinh hoạt hằng ngày như: chi phí thức ăn, nơi ở, đồ dùng chung, đến chuyện vui chơi, giải trí... trở nên dễ dàng hơn trong việc lựa chọn để phù hợp cho cả hai.
"Nếu bạn ở cùng một người mà chưa biết nhiều về họ, có thể sẽ rất khó khăn trong chuyện sinh hoạt chung và một khi đã ở cùng thì phải chấp nhận. Ví dụ như nhà bạn đó có điều kiện tốt hơn nhà mình, muốn tiêu xài, sử dụng những thứ đắt tiền hơn, trong khi bản thân mình lại không có điều kiện như thế, chỉ đủ để sử dụng những mặt hàng bình dân thì điều này về lâu dài sẽ gây khó khăn và phát sinh những mâu thuẫn không đáng có", Hòa chia sẻ.
Cùng với đó, cô nàng cũng nói chuyện với bạn thân và thỏa hiệp những quy tắc chung, phân công công việc cụ thể. Có thể việc đặt ra những nguyên tắc sẽ mang đến cảm giác áp đặt, nặng nề nhưng chỉ khi rõ ràng với nhau thì mỗi người mới tự khắc sống có trách nhiệm và lề lối hơn, không vì những việc nhỏ mà đùn đẩy, trách móc nhau.
Ngọc Hòa cũng biết rằng, ngoài kia có rất nhiều trường hợp giống như cô. Nhưng theo cô, nếu hai người không thể sống hòa hợp với nhau thì mỗi người nên tự tách ra trong hòa bình để tránh tan vỡ, xích mích.