Ở ghép - Vừa ở vừa “nín thở”
(Dân trí) - Nắm bắt được xu hướng ở ghép, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh người cần ở ghép, tiếp cận được phòng chỗ ở rồi ngang nhiên cuỗm tài sản khi “bạn cùng phòng” lơ là.
Trao chìa khóa nhà cho… trộm
Thảo, nhân viên nhân hàng thuê một nhà trọ giá 2,5 triệu đồng ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TP HCM nên cô phải đăng tuyển tìm thêm ba bạn nữa để chia gánh nặng tiền phòng. Số Thảo hên, tìm là có ngay, chỉ hôm cô bạn đầu tiên chuyển đến thì cô thứ ba đã xách đồ đạc đến ở ghép.
Ở ghép, không đề phòng thì dễ… mất trộm, còn đề phòng thì… luôn phải nghi ngờ lẫn nhau.(Ảnh minh họa: HN).
Thảo nói: “Cũng do mình chủ quan nhưng chẳng lẽ cô ta nói chưa đi làm mình lại không để cho cô ta ở trong phòng. Hôm đó mình cũng lo lo, gọi điện cho cô ta mấy lần, cô ta vẫn nói đang ngủ. Lẽ ra mình phải đòi luôn cô ta tiền đặt cọc nhà 2 triệu với bắt đi đăng ký tạm trú ngay thì đã không sao”.
Mới đây, cuối tháng 8, công an quận Gò Vấp, TPHCM ghi nhận vụ việc 5 bạn nữ thuê phòng trọ bị người ở ghép thứ 6 lấy mất xe máy Attila, laptop, đồng hồ và cả thẻ ATM chỉ sau khi cô ta đế ở vài tiếng đồng hồ. Theo lời kể của một nạn nhân, cô gái kia xưng tiên Hiền, đến xin ở ghép vì đọc được tin trên mạng. Hiền chuyển đến ở, mọi người trong phòng đã giao ngay chìa khóa cho cô ta rồi ung dung rủ nhau đi chùa. Chiều tối về, đồ trong phòng đã mất sạch theo chân cô bạn thứ 6.
Vừa ở vừa “nín thở”
Nếu thật sự đề phòng, việc tránh đối tượng lợi dụng việc ở ghép để trộm cắp không phải quá khó. Ai đó chuyển đến, trước khi đồng ý cho vào ở phải yêu cầu người đó ra ngay công an phường đăng ký tạm trú tạm vắng. Nếu kẻ đó có ý đồ xấu, sẽ lập tức đánh ngay bài… chuồn thẳng.
Thế nhưng cái khó lường được trước nhất và gần như hết cách để tránh là khi… trộm ở ngay trong nhà mà chẳng tài nào “túm” được.
Diễm, ĐH Thủy lợi cùng ba người nữa, thuê một nhà trọ ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Trước lạ sau quen, chỉ sau một tuần ghép phòng mọi người đã khá thân thiết với nhau. Nhưng đến tuần thứ hai, trong phòng có người bị mất máy ảnh. Mà chắc chắn là mất ở trong phòng và thủ phạm chỉ là người trong phòng… Sau đó không lâu, thêm một người nữa lại mất điện thoại.
Không khí hết sức căng thẳng nhưng chẳng ai nói ra. Diễm kể như tối hôm trước, cô online muộn, giữa đêm leo lên gác đi ngủ thì bạn nằm cạnh nhắc nhỏ: “Bà để máy tính thế á, mai người dậy muộn sớm biết thế nào được”. Thế là Diễm lập cập chạy xuống xách laptop lên, ôm bên người rồi ngủ… “Bề ngoài vẫn cười nói với nhau nhưng tất cả mọi người, người này đều nghi người kia. Ai cũng lo người khác nghĩ là mình”, Diễm nói.
Không khí nặng nề quá, nhiều người chuyển đi, thế là lại phải tìm người mới. “Chả biết thế nào, ngay việc chuyển đi cũng bị nghi. Người thì nói sợ không khí “chết người” đó nên chuyển đi nhưng cũng bạn nói, chắc là trộm đồ, day dứt hoặc sợ bị “lộ tẩy” nên bỏ trốn". Diễm chán chường.
Nguyễn Thúy, sinh viên năm hai trường ĐH Kinh tế cho hay, chỗ trọ ở ghép của mình cũng “ảm đảm” vì một bạn bị mất laptop. Nói chuyện với người này thì nghi người kia, ai cũng nói lời bóng gió. “Đầu óc mình rối tung lên, ai mình cũng có thể nghi hết. Đến mức, bọn mình còn nghĩ cả phương án chưa chắc chị ấy đã mất máy mà chỉ dựng chuyện. Thấy chị ấy bình thản lắm… Ở thế này, chuyện gì chẳng có thể xảy ra”.
Thế nên ở nhà trọ này mới có việc lạ, những bạn có laptop nếu không thể lúc nào cũng mang theo người thì phải mua dây xích, đục lỗ rồi khóa lại. Ai có tài sản gì cũng đều phải nghĩ mọi cách để giữ. Thúy nói: “Em có màn hình máy tính LCD là giá trị nhất, đi đi về đều phải tháo ra khóa vào tủ. Ở cùng nhau mà phải thế này, chán chường lắm!”.
Những bạn trong phòng trọ của Hoài, ĐH Thủy lợi còn từng nghi ngờ và bí mất theo dõi cô bạn tên Minh, sinh viên trường ĐH Bách khoa, quê Quảng Bình. Mọi người nghĩ Minh lừa mình là sinh viên vì thấy cô rất… ít sách vở. Nhất là khi một bạn trong phòng phát hiện, Minh nghe điện thoại của gia đình xưng tên là… Dịu.
“Mãi cho đến khi bạn bè cũng lớp Minh đến chơi, mới biết tên ở nhà của Minh là Dịu. Em ấy bị theo dõi, nghi ngờ một thời gian dài mà chẳng hề biết, thật là khổ. Nhưng mà ở ghép, phải chấp nhận như thế thôi. Mình nghi ngờ người khác, người khác lại nghi ngờ mình…”, Hoài bộc bạch.
Phan Thị Hoài Nam