Nuôi 3 em học đại học rồi mới thi đại học

Nhà nghèo, Nguyễn Hữu Khuê (thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) chấp nhận nghỉ học để đi làm thêm phụ giúp gia đình nuôi em. Cứ như vậy ròng rã 13 năm trời, cả 3 đứa em Khuê đã lần lượt đỗ đại học. Bản thân Khuê cũng đã đỗ đại học khi bước vào tuổi... 28.

Khuê kể về những chuyến xe thồ nặng trịch, những tháng ngày lầm lũi rửa bát, phụ bếp cho nhà hàng để kiếm tiền nuôi 3 em học đại học. Vì sao thông minh, học giỏi nhưng 28 tuổi, Nguyễn Hữu Khuê (thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) mới vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội?

 

Vì nhà nghèo, đông anh em, lại là anh cả trong nhà nên học xong THCS, Khuê đã phải chấp nhận nghỉ học để đi làm thêm phụ giúp gia đình. Từ đó, ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 3, 4h sáng là cậu bé vừa tròn 15 tuổi đã phải ra chợ rau ở thị trấn Văn Giang mua rau, củ quả rồi thồ xe đạp trên quãng đường dài hơn 20km lên Hà Nội bán rong.

 

Cứ thế, suốt bao nhiêu năm ròng rã, mỗi ngày được 20.000đ, Khuê giao hết cho bố mẹ để mua sách vở, đóng học phí cho 3 đứa em trai ăn học. Năm 1998, Nguyễn Hữu Dũng - đứa em kế của Khuê đậu vào Trường Đại học Hàng hải, Khuê lại phải quay ra làm thuê tại một nhà hàng ở Hà Nội để kiếm được tiền giúp Dũng đi học.

 

Cả 2 người em sau của Khuê là Tùng và Quý dường như cũng thấu hiểu nỗi vất vả của người anh cả nên đã luôn cố gắng học và lần lượt cũng đậu vào Đại học Hàng hải. Niềm vui của các em lại là nỗi lo lắng của cả gia đình.

 

Bố mẹ Khuê ở nhà ngoài việc cày cấy ra còn nuôi lợn, gà để kiếm thêm. Còn ở Hà Nội, từ sáng đến tối, Khuê cứ lui cui trong bếp, hết rửa bát, rồi nhặt rau, thái thịt và xin chủ làm nhiều công việc khác để kiếm thêm.

 

Trong nhiều năm, Khuê làm từ sáng đến 9h tối mới về nhà trọ, chắt bóp để dành tiền gửi xuống Hải Phòng cho các em, sợ chúng đói ăn, không yên tâm mà học tập. Đến cuối năm 2003, khi em trai Nguyễn Hữu Dũng vừa ra trường đi làm, Khuê mới bắt đầu xin vào học cấp 3 hệ bổ túc văn hóa ở huyện Văn Giang.

 

Nhiều khi, Khuê cũng cảm thấy nản chí, buồn bã khi thấy gia đình vì nuôi con ăn học mà ngày càng túng bấn. Khi nhận được kết quả trúng tuyển vào Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, trong Khuê bỗng dâng lên một cảm giác vừa mừng, vừa tủi.

 

Đấu tranh tư tưởng mãi, cuối cùng, Khuê vẫn quyết tâm đi học. Trường Khuê nằm ở phường Thanh Xuân Bắc nhưng để tiết kiệm tiền nhà, Khuê đã thuê trọ ở tận làng Trung Văn (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm). Khuê đang cố "cập nhật" tiếng Anh, máy tính cho bằng các bạn trẻ trong lớp Xã hội học K51.

 

Khuê nói rằng, em không hề ngại khi học cùng các bạn trẻ thua mình đến 10 tuổi. Điều mà Khuê lo lắng nhất là việc học đã chiếm mất quá nhiều thời gian và tâm sức, Khuê không thể quần quật làm thêm như cái thuở chỉ biết đầu tắt mặt tối làm việc để kiếm tiền gửi cho các em và phụ giúp gia đình.

 

Cũng may mà nhờ phải lăn lộn kiêm tiền nuôi em Dũng, em Tùng, em Quý nên người Khuê quắt lại, trông trẻ không khác gì mấy các bạn sinh viên cùng lớp.

 

Theo Công An Nhân Dân