Nước mắt người phụ nữ “nấp” ở xóm trọ đồng tính

(Dân trí) - Người phụ nữ dúi bịch đồ ăn khô và túi táo vào tay Hùng, nói nhỏ: “Cháu tìm cách để trong phòng L hộ bác, đừng cho nó biết là của bác…”. Nói rồi cô quay người bước đi như chạy, trước khi đưa tay quệt nước mắt.

Theo chân Hùng, sinh viên năm ba ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi đến xóm trọ của cậu ở trong một ngõ nhỏ trên đường Tạ Quang Bửu. Tôi đến không phải tò mò vì biết ở khu trọ này có một đôi đồng tính nam sống chung với nhau mà đến vì lời mời của Hùng: “Chị đến, em dẫn đi gặp người “nấp” đầu ngõ. Xót xa lắm chị ạ”.

Cứ hai tuần một lần, 8 giờ tối thứ 7 đã trở thành “lịch hẹn” của Hùng với người phụ nữ ấy. Cô năm nay chưa đến 50 tuổi, là mẹ của L - một trong hai cậu đồng tính thuê trọ cùng dãy với Hùng. L đang học năm thứ 4 trường ĐH GTVT. Hùng nói: “Tối thứ 7, L và cậu người yêu hay đi chơi nên bác ấy mới dám đến. Bác chỉ đứng đầu ngõ thôi, chẳng bao giờ vào phòng cả”.
 
Nước mắt người phụ nữ “nấp” ở xóm trọ đồng tính - 1
Luôn có những "vĩ thanh buồn" ở những xóm trọ đồng tính. (Ảnh: Hoài Nam)

Đúng 8 giờ, tôi và Hùng đi ra đầu ngõ, cách chỗ trọ hơn 100m. Người phụ nữ dúi bịch đồ ăn khô và túi táo vào tay Hùng, nói nhỏ: “Cháu tìm cách để trong phòng L hộ bác, đừng cho nó biết là của bác…” rồi quay người bước đi. Tôi kịp thấy bác đưa tay quệt nước mắt.

Xách bịch đồ mẹ L đưa, Hùng trầm ngâm kể: “Nhà L ở Hàng Bông. Cậu thú nhận việc mình đồng tính rồi chuyển ra ngoài ở hơn một năm rồi, lâu lâu cậu ấy mới về nhà vì người bố đã từ mặt cậu. Từng ấy thời gian, cứ hai tuần một lần, bác gái lại đưa quà cáp đến “tiếp tế”. Lần nào cũng khóc”.

Hồi đầu, người phụ nữ này còn nhờ Hùng “uốn nắn” lại cho L, xem có cô bạn làm mối cho L. Gia đình vẫn còn hy vọng lắm. Nhưng cho đến một hôm, đứng ở đầu ngõ chờ để nhìn mặt con trai đến tận 11 giờ đêm, tận mắt thấy L và cậu người yêu ôm hôn nhau thì bác không nhắc chuyện này nữa.

“Sau lần đó, bác gọi em ra quán ngồi uống nước, bác ấy khóc ghê lắm. Hồi em mới gặp, bác còn béo khỏe lắm. Thế mà giờ gầy xọp, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Qua em, bác còn có ý muốn nhờ sinh viên trong xóm trọ đừng lạnh nhạt, kỳ thị L”.
 
Nước mắt người phụ nữ “nấp” ở xóm trọ đồng tính - 2
Những ông bố, bà mẹ vẫn âm thầm dõi theo bước chân của họ. (Ảnh: Hoài Nam)

Rồi Hùng chuyển qua nói về ông bố của Q - người yêu L, đang học năm thứ ba, quê ở Hà Nam. Bố Q tên Hiếu, vợ chồng hiếm con, chỉ sinh được mình Q. Bác Hiếu mới biết con trai đồng tính cách đây hơn nửa năm. Trong một lần lên thăm con, một sinh viên trong xóm trọ tiết lộ cho bác biết. “Hôm đó, bác Hiếu làm ầm lên, đuổi cậu L đi. Bác ấy đóng cửa nói chuyện với con trai rồi nằm trên giường khóc nức nở. Tối đó, bác ôm đồ về luôn và tuyên bố không có đứa con như Q”.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, Hùng thấy một người đàn ông trung niên khóc như một đứa trẻ lên ba. Sau lần đó, ai cũng tưởng bác từ mặt con trai luôn vì chẳng bao giờ bác lên thăm cậu nữa. Q cũng không dám về nhà.

Nhưng Tết vừa rồi, Q đang định ở lại ăn Tết thì đến ngày 26 hớn hở khoe với mấy người trong xóm là bố gọi về. Chuyện của con trai, ở quê không một ai biết, đến mẹ Q cũng không biết. Dạo sau Tết này thấy Q vui vẻ hơn vì bác Hiếu hay gọi điện nhắc nhở cậu đừng sao nhãng học hành.

Q tâm sự: “Đôi lúc em trách mình lắm, sao lại làm khổ bố mẹ thế. Nhưng trách thì thay đổi được gì? Ông trời sinh ra mình vậy mình phải chịu, nhưng còn bố mẹ - họ là người đau khổ nhất”.

Theo nhiều sinh viên trong xóm trọ này, khác với L - công khai mình đồng tính, Q vẫn thường trăn trở liệu một ngày mình có thể thay đổi? Cậu còn “trốn” theo mấy cậu sinh viên trong xóm trọ đi tán gái. “Nhiều hôm nghe Q ngồi tâm sự, thấy thương cậu lắm” - Vĩnh, cậu bạn cùng lớp với Q, cũng thuê ở xóm trọ này cho hay.

Chuyện buồn này có lẽ ở xóm trọ nào có những sinh viên đồng tính sống với nhau cũng có. Vì những người bố, người mẹ dù bề ngoài có trách cứ con đến đâu thì họ vẫn không bao giờ bỏ rơi con mình.

Lan Anh, cô sinh viên ĐH Luật sống ở xóm trọ có một đôi đồng tính, nói: “Chính được chứng kiến cảnh những người bố, người mẹ âm thâm đi theo con mình như thế đã làm sinh viên trong xóm trọ cảm động. Nhờ thế, mọi người thấy thông cảm hơn cho những người đồng tính”.

H.N