Nước mắt của “thép”

Nhìn bên ngoài, Đỗ Duy Hiếu, cô “con gái rượu” của Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Đỗ Duy Thái thật mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Nhưng đằng sau sự mềm mại ấy ẩn giấu một tinh thần tự lập và trái tim biết nghĩ cho người khác.

Nước mắt của “thép” - 1

Đỗ Duy Hiếu - cô con gái độc nhất của TGĐ Công ty Thép Việt (Ảnh: Trần Việt Đức)
 
Tốt nghiệp loại ưu Khoa Quản trị kinh doanh tài chính, Đại học Houston, Mỹ, lấy chồng là một giảng viên đại học tại Mỹ, chấp nhận cảnh “vợ chồng Ngâu”, cô quyết định trở về Việt Nam để nối nghiệp cha.

 

Bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất trong công ty của cha, cô đang dần khẳng định khả năng của chính mình, để hoà nhập vào môi trường kinh doanh sống động của ngành thép.

 

Không nhờ cậy, không dựa dẫm, cô là một trong những gương mặt của “thế hệ thứ tư” trong Tập đoàn Thép Việt, những người trẻ ưu tú học từ nước ngoài về, có kiến thức, tư duy toàn cầu, gắn bó với đại gia đình Thép Việt, và muốn cống hiến sức mình cho đất nước.

 

Hỏi Hiếu vì sao lại bắt đầu bằng công việc của một nhân viên phòng tài chính, cô trả lời khiêm nhường: “Điều đó cần thiết cho bản thân, vì tôi còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm. Vị trí này giúp tôi học được nhiều hơn. Mọi người ban đầu cũng hơi ngại khi làm việc với tôi, nhưng mình luôn vui vẻ, cố gắng làm việc, nên cũng dần xoá bỏ được sự e dè.

 

Tôi nghĩ dù ở vị trí nào, hãy làm tốt nhất công việc. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam rất thú vị, nhiều cái mới, nhiều thử thách, đó là mảnh đất tốt cho những người làm phân tích tài chính như tôi, để học được cách suy nghĩ, khả năng phản biện”.

 

Sinh năm 1983, là con gái độc nhất trong gia đình, những tưởng cô bé lớn lên trong nhung lụa ấy sẽ được cưng chiều dữ lắm. Nhưng thực sự, chẳng có “nhung lụa”, cũng chẳng được nuông chiều.

 

Như bao doanh nhân khác, ông Đỗ Duy Thái bắt đầu sự nghiệp của mình đầy gian truân, và Hiếu đã học được nhiều nhất từ những gian nan vất vả của cha, để tự ý thức về con đường của mình. Cha mẹ bận rộn triền miên, từ lúc bắt đầu nhớ được, cô bé đã tự làm mọi thứ, tự đến trường từ năm lớp một, không ai đưa đón, tự đóng học phí, tự chọn trường đại học.

 

Hiếu kể: “Nhớ những ngày ba mẹ cực khổ với chiếc máy làm cao su, đêm nào cũng 12 giờ khuya mới về đến nhà, sáng 4 giờ là ba đã dậy đi làm. Lúc ấy chỉ nghĩ làm sao đừng là gánh nặng cho ba mẹ. Tôi nhớ mãi một lần hiếm hoi được ba chở đến trường, ngồi sau ôm riết lấy lưng ba, ước sao được như thế mãi.

 

Biết ba mẹ làm ra đồng tiền vất vả nên tôi cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Tiết kiệm dường như trở thành lối sống trong gia đình. Có lần bị mất nguyên chiếc cặp sách, tôi khóc quá trời vì sợ ba mẹ tốn tiền mua chiếc cặp mới.

 

Ba rất ít khi dạy bảo điều gì, chỉ căn dặn tôi hãy sống tự lập, bước đi bằng đôi chân của mình, cảm thấy khả năng của mình làm được việc gì thì hãy chọn việc đó. Óc kinh doanh của tôi học được từ ý chí của ba, từ sự kiên quyết đi theo một con đường đã chọn, dù có chông gai đến đâu.

 

Tôi không chỉ yêu thương ba, mà còn nể trọng một thương gia chân chính. Lúc nào ông cũng nói: “Làm kinh doanh trước hết phải làm đúng, không chỉ nghĩ cho lợi ích bản thân, mà phải đem lại cái gì cho mọi người”...

 

Nhìn ba mẹ đã già đi nhiều, tôi chỉ mong làm sao cho ba mẹ bớt công việc, để có thời gian đi chơi, nghỉ ngơi cùng nhau. Tôi quyết định trở về Việt Nam, để được sống gần cha mẹ, chăm sóc cho cha mẹ, và được sống, được làm việc ngay trên quê hương mình”.

 

Luôn giữ vị trí đứng đầu lớp, thích làm phong trào, cô lớp trưởng trường quốc tế ấy dường như có tố chất lãnh đạo từ trong máu. Mạnh về tư duy logic, Hiếu đã chọn cho mình ngành tài chính, để sau này về tham gia công việc kinh doanh cùng với ba.

 

Hai lần trong đời ông Đỗ Duy Thái đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc, đó là ngày con gái nhận được bằng thủ khoa đại học, và ngày con bước lên xe hoa. Ông tâm sự: “Cách dạy con tốt nhất chính là từ những việc mình làm. Tôi đánh giá cao cách dạy của trường quốc tế, vì họ không nhồi nhét quá nhiều kiến thức, mà giáo dục trẻ hiểu được những giá trị tinh thần, gợi cho trẻ lòng bác ái, giúp trẻ trưởng thành trong suy nghĩ.

 

Mỗi mùa hè, trường đều cho các cháu đến trại trẻ mồ côi, nấu cơm, đút cơm cho từng em bé khuyết tật. Học hành tốt chưa đủ, cần có đạo đức tốt, ý niệm về những giá trị sống đủ lớn để sống một cuộc đời hạnh phúc thực sự”.

 

“Tôi rất ngưỡng mộ chị Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế sắc sảo, quyết liệt, nhưng cách thể hiện lại rất nhẹ nhàng. Nhiều khi nhìn con, tôi cảm thấy nó giống chị ở điều gì đó” - ông Thái nói.

 

Hỏi ông Đỗ Duy Thái có kỳ vọng vào con gái mình nhiều không, ông cười khẳng định: “Cháu chỉ là một thành viên nhỏ trong đại gia đình Thép Việt. Ở đây chúng tôi không đề cao vai trò cá nhân, mà coi trọng tinh thần đồng đội.

 

Tôi nghĩ việc kế nghiệp do con cháu trong nhà hay người ngoài là do năng lực quyết định, nếu mình đưa lên mà con không đảm đương được thì tội nghiệp cho nó. Đừng bắt con đi theo con đường mình vạch ra, gây sức ép tâm lý chỉ làm con khổ thôi. Biết làm tốt một công việc mà mình thích, thế là hạnh phúc rồi”.

 

Theo Mai Phương
Sài Gòn Tiếp Thị