Nữ “tua gai” 8X

Trời Sài Gòn giữa trưa hừng hực nắng. Thiếu nữ Sài Gòn “vũ trang tận răng” chống nắng. Chợt xa xa xuất hiện những cô nàng “tua gai” (tour guide - hướng dẫn viên du lịch) trong đồng phục cam thật “nổi”.

Nhọc nhằn “tua gai” nữ

 

Chỉ một chiếc mũ rộng vành, không kính, không găng tay, theo sau là những người khách nước ngoài cũng lóc cóc mỗi người một xe đạp. Kẹt xe! Một cô gái tranh thủ quay lại giới thiệu với anh bạn người nước ngoài đôi điều về thành phố. Làn da nâu sậm. Nụ cười tươi tỉnh dù bụi dù nắng. Cô ấy là một “tua gai”!

 

Đó là Hải Yến, sinh viên năm II Đại học Huflit trong một tua dẫn khách nước ngoài tham quan TPHCM. Những năm gần đây, số lượng du khách nội địa và nước ngoài đều tăng cao nên nhu cầu về hướng dẫn viên du lịch cũng tăng đột biến. Nhiều bạn trẻ như Hải Yến, dù không được đào tạo chính quy để làm hướng dẫn viên, nhưng có vốn ngoại ngữ "cứng" và thích "xê dịch" hăm hở nhào vô!

 

Mới vào nghề, lại còn đang đi học nên Yến chỉ làm cộng tác viên cho những city tour vào những buổi không phải tới trường. Mới là tua thứ 2 nhưng nước da Yến đã kịp sạm màu! Bạn cười tỉnh queo: "Cái này không gọi là đen mà là... nâu đều, nâu giòn. Đang mốt da nâu đấy. Mọi người rủ nhau đi tắm nắng, còn mình thì khỏi cần tốn tiền mà vẫn có được làn da như ý, không tốt sao?".

 

Còn Thư Dung, hiện đang là nhân viên điều hành Công ty du lịch Innoviet. Dung kể, ngay khi ra trường cô đã đảm trách cho những tua hơn 30 khách đi Vũng Tàu, Phan Thiết. Nhận hồ sơ đoàn là cô phải "trông trời, trông đất, trông mây" mong sao thời tiết tốt, bởi những tua ngoài trời có thành công hay không phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều.

 

Nhưng điều mà các nữ "tua gai" ngán nhất chính là "tua" phải đi vào ban đêm. Khách thì ngủ rất ngon lành, còn nữ "tua gai" và cả bác tài thì phải vò đầu bứt tóc để... khỏi buồn ngủ.

 

Và còn cả những tour phải nghỉ qua đêm tại khách sạn nữa chứ. Khách ngủ trong phòng đặt trước, còn "tua gai" nhà ta phải ngủ trong phòng nội bộ, là phòng ngủ chung của cả hướng dẫn viên, tài xế, lơ xe mà khách sạn cung cấp. Nếu lúc đó có nhiều đoàn, thì các đoàn cùng... ngủ chung một phòng! Chính vì phải ngủ chung như vậy nên nhiều "tai nạn" rất có thể xảy ra. Nhiều bạn nữ mới đi tour hồi hộp suốt đêm không thể nào ngủ được.

 

Các nữ "tua gai" có kinh nghiệm thì phòng thân bằng cách xin ngủ chung với tiếp tân của khách sạn, ra tiền sảnh ngủ hoặc bỏ tiền túi ra thuê phòng riêng. Dung bộc bạch: "Bọn mình phải đi suốt. Mà lại có nhiều "cạm bẫy" đối với nữ "tua gai" như vậy, nên người yêu của bọn mình phải cực kỳ thông cảm và tin tưởng, chứ không thì...".

 

Tình huống cây... “khiết bông”

 

Lạ một nỗi là dù nghề hướng dẫn viên du lịch khá vất vả, nhưng số "tua gai" nữ vẫn "áp đảo" so với nam. Theo lời của các "tua gai" nữ ở Công ty du lịch Innoviet, nam hướng dẫn viên du lịch có lợi thế hơn khi ít rơi vào những tình huống khó xử. Nhưng nữ giới cũng có những lợi thế rất cần thiết cho một hướng dẫn viên: xử lý tình huống linh động, dễ tạo ra sự hứng thú và lôi cuốn ở du khách.

 

Hướng dẫn khách nước ngoài thường đòi hỏi hướng dẫn viên phải có kiến thức vững vàng. Bởi vì trước khi đến một địa điểm nào, khách thường đọc sách và tìm hiểu rất kỹ trước đó rồi, hướng dẫn viên mà nói sai câu nào là coi như mất uy tín ngay lập tức. Còn với khách "nội", hướng dẫn viên có nói sai một chút khách cũng khó phát hiện ra. Nhưng ngược lại, họ cũng thường đặt ra 1.001 câu hỏi khiến hướng dẫn viên lúng túng. Ví dụ như: Kia là núi, đồi hay đèo? Kia là cây gì? Hoa gì? Đá gì?... Với những câu hỏi kiểu này, hướng dẫn viên nhiều kiến thức đến mấy có khi cũng phải chào thua.

 

Thư Dung kể lại một tình huống: Trong chuyến đi Vũng Tàu, một khách "nội" vu vơ chỉ một cây bên đường hỏi Thư Dung: "Đây là cây gì?". Không biết là cây gì, nhưng hướng dẫn viên thì không được phép nói không biết vì sợ "mất điểm" với khách, nên Dung nhanh trí trả lời: "Dạ, đó là cây "khiết bông"! Khách gật gù khen tên cây sao là lạ, còn Thư Dung thì cố nín không dám cười. Bởi vì "cây khiết bông" đơn giản là nói lái của... "cây không biết"!

 

Trong nhiều trường hợp "rủi ro", đòi hỏi các bạn hướng dẫn viên phải xử trí nhanh nhạy, nhất là đối với các bạn chưa có kinh nghiệm thì những câu nói hài hước sẽ giúp bạn lật ngược tình thế rất nhiều. Ví như trường hợp một nữ  "tua gai" có kinh nghiệm trong tổ chức tình nguyện quốc tế: "Hôm đó mình dẫn tour cho mấy du khách Nhật tham quan TPHCM. Điểm đến của bọn mình là khu du lịch Bình Quới.

 

Sau một hồi thao thao bất tuyệt, thả hồn theo những câu chữ tiếng Anh của dân chuyên Anh thời phổ thông về hồ, ao sen, cây cầu...; mình mới quay sang hỏi họ: "Tôi rất tự hào vì giữa lòng thành phố mà chúng tôi vẫn có khung cảnh rất thiên nhiên, nông thôn... Chắc ở Nhật không có đâu nhỉ?". Thì ông khách Nhật lắc đầu lia lịa: "No no, đất nước chúng tôi có rất nhiều!".

 

Lúc này mặt mình méo xẹo vì lỡ cao hứng khoe khoang. Nhưng cũng may "cái khó... ló cái khôn", mình chỉ ngay mấy đóa hoa sen mọc giữa hai bên kênh khe của dừa nước: "Đích thực chỉ ở Vietnamese mới có!". Và các du khách Nhật cười tươi rói, "ok, ok" liên tục. Lúc đó, tôi mới thấy là dù mình có kiến thức bao quát đến đâu thì sự nhanh trí vẫn rất cần thiết và vô cùng quan trọng".

 

Tìm hiểu thêm thì được biết, các nữ "tua gai" này chỉ ở độ tuổi "8X" nhưng trình độ ngoại ngữ của họ rất đáng nể, mỗi người có nhiều bằng cấp và biết nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Nhật, Trung). Và niềm vui của họ là đôi khi khách để lại địa chỉ và giữ liên lạc thường xuyên, có người còn tỏ ý mời các bạn đến thăm đất nước họ...

 

Theo Nguyên Châu, Phương Nguyên
Thanh Niên